Văn hóa - Giáo dục
Tai ương của giáo dục
Thẳng thắng mà nói, chuyện gian lận thi cử, chạy trường, chạy điểm không phải bây giờ mới có nếu không nói đó gần như là chuyện hằng ngày của xã hội này. Chạy cho con vào trường điểm, trường chọn, chạy từ khi con mới vào mầm non cho đến các cấp.
Đời hay đạo gì cũng đều luận rất rõ, gieo nhân nào gặt quả đó, gieo gió thì gặt bão. Phương Đông hay phương Tây gì cũng vậy, đều đề cao hành động của hôm nay chính là kết quả của mai sau. Không thể gieo một gian dối mong đổi lấy thật thà, không thể gieo một điêu toa để chờ thu hoạch một chân thành. |
Có thể nói, chưa thấy xã hội nào mà chuyện chạy điểm, chạy trường cho con lại diễn ra khốn khổ đến thế. Phụ huynh chen chân nhau thức trắng đêm để giành suất học cho con; sẵn sàng tiêu tốn hàng chục, hàng trăm triệu để con được ngồi ghế trường chuyên,…
Nhưng có lẽ, tất cả những vấn đề đó không là gì so với tiêu cực nâng điểm thi THPT 2018 ở một số tỉnh phía Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang vừa bị phanh phui mới đây. Không phải là nâng điểm “bình thường” mà là từ 0 điểm thành xuất sắc, từ 1 điểm/3 môn thi thành thủ khoa của những trường đại học, học viện danh tiếng.
Và mới đây, danh sách về nhân thân của những em được nâng điểm này càng khiến người ta thấy… choáng váng. Đó là những quan chức đương nhiệm của tỉnh, của ngành giáo dục tỉnh và giáo viên trong trường.
Tất nhiên đó toàn là những người có học và hiểu rõ pháp luật. Họ là những người đại diện của tri thức, đạo đức, trung thực và gương mẫu; trong đó, có cả những người hằng ngày đứng trên bục giảng để giảng về những điều đó.
Nhưng con em họ, những đứa trẻ không chịu học hành, và nói thẳng là rất dốt lại nghiễm nhiên đậu đại học với số điểm gần tuyệt đối, hay còn trở thành thủ khoa của những trường đại học lớn.
Trong khi đó, nhiều phụ huynh nói rằng, họ không biết con em mình được nâng điểm, hoặc có phụ huynh bảo vì quá tự tin vào học vấn của con em mình; hay có vị còn bảo rằng, nhà trường nâng điểm sao không chịu báo!?
Nếu nói vậy thì ở đây người ta đã tự nâng điểm cho chăng? Nhưng sao không thấy con em của một người dân bình thường nào được nâng điểm như vậy! Những sự giải thích kia, chẳng phải vô lý quá hay sao?
Cha mẹ nào cũng muốn con mình được vào học trường tốt, đó là nguyện vọng chính đáng đối với những em có năng lực. Song, không ít phụ huynh bất chấp khả năng học hành của con thế nào, họ chỉ muốn con được vào trường chuyên cho “oách”, cho xứng tầm với họ, cho nở mặt nở mày với mọi người. Và để đạt được mục đích đó, nhiều phụ huynh bất chấp con đường, họ mua trường, mua điểm và bán rẻ luôn cả tự trọng của bản thân mình…
Hẳn nhiều người vẫn nhớ đến hình ảnh cổng trường thực nghiệm đã bị đạp đổ sập bởi các bậc phụ huynh khao khát giành trường cho con. Người ta nói, đó không chỉ mà một cánh cổng đã đổ xuống mà còn là dấu hiệu của sự sụp đổ nhiều giá trị khác trong xã hội này, nhất là giáo dục!
Trở lại vụ nâng điểm chấn động vừa qua, hãy khoan nói đến chuyện các bậc phụ huynh có liên quan mua - bán điểm thế nào mà hãy nói đến tác hại của việc làm này. Đầu tiên, đó là sự cướp đoạt trắng trợn và thô thiển suất vào đại học của những em thật sự xứng đáng.
Đã có nhiều gia đình dành trọn tâm huyết vào việc học của con cái, những em học sinh học hành chăm chỉ, tử tế để thành quả cuối cùng bị đánh cướp vào tay của những gia đình, con em của những “ông quan”.
Trước đây, có vị đã phát biểu rằng, con quan lại làm quan là hồng phúc! Nhưng hồng phúc đâu chẳng thấy, trong những trường hợp này đó là đại họa. Hãy thử tưởng tượng những thủ khoa dởm kia nếu tiếp tục được ngồi ghế đại học và sau này ra trường rồi trở thành những bác sĩ, giáo viên, những người đại diện pháp luật thì mọi chuyện sẽ thế nào? Đó nếu không phải là họa của đất nước thì còn là gì nữa?
Tước quyền theo học tiếp của những học sinh được nâng điểm là chính đáng. Song, cũng không cần thiết phải nêu tên các em ra dư luận như nhiều ý kiến bởi suy cho cùng, lỗi của các em chỉ là sản phẩm của người lớn mà thôi.
Tự học sinh không thể nâng điểm, cũng chẳng thể yêu cầu ai đó nâng điểm cho mình, tất cả chỉ có thể nhờ vào bàn tay của phụ huynh, của những người làm giáo dục.
Cho nên, điều tiếp theo là cần phải điều tra và xử lý thật nghiêm những ai mua bán điểm, bất kể vị đó có quyền lực thế nào. Ngành giáo dục lâu nay đã dính quá nhiều tai tiếng, nếu không xử lý thấu đáo vụ việc này thì làm sao xây dựng được niềm tin của người dân.
Từ bao lâu nay, Đảng và Nhà nước luôn xem giáo dục là quốc sách hàng đầu để đưa quốc gia lên hùng cường. Xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển; giáo dục vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững lâu dài.
Nhưng chính một số người làm giáo dục như ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang đã đi ngược lại với tâm huyết này khi tổ chức mua bán điểm. Khác nào những “con sâu” đó đang phá hoại nền giáo dục.
Người xưa có câu, người tích điều thiện thì gặp phúc lành, tích điều dữ thì gặp tai ương; không biết những nhà làm giáo dục nghĩ gì khi liên tiếp trong “nhà” mình có nhiều bê bối đến thế?!
Nguồn: ANTG/Báo CAND