Văn hóa - Giáo dục
'Gian lận thi cử năm 2018 là hành vi ăn cướp, vô liêm sỷ'
ĐBQH Thái Trường Giang bày tỏ bức xúc vì hành vi gian lận này đã đánh mất cơ hội, cướp mất tương lai của các cháu học thật, thi thật.
Đề cập vấn đề giáo dục trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội chiều nay, 30-5, ĐBQH Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng, những gì đã diễn ra trong thời gian gần đây buộc chúng ta phải lo lắng, đôi khi còn dấy lên nghi ngờ về vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục.
Chất lượng giáo dục không thực chất, “bệnh” thành tích trong giáo dục không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Về những giải pháp của ngành Giáo dục hiệu quả thấp, ngành Giáo dục không sẵn sàng đối diện với sự thật để kết quả của mình trở nên thực chất hơn, đúng với thực trạng hơn.
ĐBQH Thái Trường Giang |
“Thực chất sao được, không phải “bệnh” thành tích là gì khi có lớp học chỉ 43 học sinh thì 42 học sinh giỏi và duy nhất 1 học sinh loại khá. Còn bao nhiêu trường hợp tương tự như vậy? Theo tôi là có rất nhiều. Nếu tiến hành một cuộc khảo sát thì nền giáo dục bây giờ tìm được 1 học sinh yếu kém khó như “mò kim đáy bể”, ông nói.
Khẳng định tiêu cực trong thi cử năm 2018 là “giọt nước làm tràn ly” buộc ngành Giáo dục phải xem xét và đánh giá lại hiệu quả thực chất của việc nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, ĐBQH tỉnh Cà Mau đề nghị phải xem lại phương pháp coi thi, chấm thi… nhằm hạn chế thấp nhất tiêu cực trong thi cử.
Vì nếu như trước kia tiêu cực trong thi cử chỉ diễn ra nhỏ lẻ thì ngày nay lại chuyển thành gian lận có tổ chức, có quy mô lớn hơn, tinh vi hơn, và diễn ra ở nhiều địa phương do người có chức, có tiền, có quyền và có thế lực trong và ngoài ngành Giáo dục thực hiện.
“Tôi có thể gọi hành động gian lận thi cử năm 2018 là hành vi ăn cướp, vô liêm sỷ. Vì đã đánh mất cơ hội, cướp mất tương lai của các cháu học thật, thi thật. Hành động gian lận thi cử đang làm băng hoại nền tảng xã hội, nền tảng giáo dục của nước nhà”, đại biểu Thái Trường Giang bức xúc.
Ông đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục hãy nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng, đánh giá trúng thực chất những tồn tại của ngành giáo dục để có những giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nữa để cứu vãn nền giáo dục nước nhà.
ĐBQH Đinh Duy Vượt |
Trước đó, cũng liên quan đến giáo dục, ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đề cập tình trạng, mỗi năm tỉnh nào cũng có hàng trăm sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường thiếu việc làm, chưa tính đến sinh viên cử tuyển. Những sinh viên này học hành, thi cử đầu vào tử tế, thậm chí học tại các trường tên tuổi nhưng đang tất tưởi kiếm việc làm, vì mưu sinh phải giấu bằng đại học để làm mọi việc.
“Có phải đất nước ta đang quá dư thừa nguồn nhân lực đại học, sau đại học không, xã hội, các doanh nghiệp hiện tại và tương lai có thực sự cần hết nguồn nhân lực này, trong khi đó những thợ tay nghề giỏi, kỹ sư giỏi trực tiếp làm ra sản phẩm vẫn còn thiếu trầm trọng?”, đại biểu đặt câu hỏi.
Trong khi đó theo ông, một số tỉnh vẫn đua nhau nở rộ các phân hiệu trường đại học, kể cả đào tạo thạc sĩ mà dấu hiệu, mục tiêu làm kinh tế là chính, nhằm lợi dụng tối đa về đất, về tự chủ, cạnh tranh thu hút sinh viên bằng nhiều cách.
“Ngay từ đầu vào, học hành giảng dạy, khi tốt nghiệp ra trường với điểm cao chót vót, nhưng chất lượng hạn chế, chưa thể là thầy, chưa thể là thợ nhưng bố mẹ và những sinh viên này có thừa kỹ năng luồn lách đua vào các cơ quan nhà nước. Chính vì vậy, nguồn lực này không chỉ khó đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và đây cũng là mầm mống trì trệ, ảnh hưởng không nhỏ tới bộ máy hệ thống chính trị bởi kiểu công vụ thu hồi vốn hơn mục tiêu phục vụ nhân dân”.
Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, chấn chỉnh và ngăn chặn việc này nhằm tránh lãng phí, dàn trải nguồn lực của gia đình, tỉnh và quốc gia.
Nguồn: Báo CAND