Văn hóa - Giáo dục

Học kỳ quân đội: Những trải nghiệm bổ ích

17:02, 18/06/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Những dòng chữ viết vội nhưng trong đó bộc lộ cảm xúc chân thật, tràn ngập nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ. Qua chương trình “Đêm yêu thương”, các em đã phải thốt lên rằng “Con xin lỗi bố mẹ, có những lúc, đôi khi con đã làm cho bố mẹ thấy phiền lòng”.  Đó là những gì mà chúng tôi ghi nhận được tại lớp học kỳ quân đội năm 2019. 10 ngày tham gia lớp học, các em đã có được sự trải nghiệm bổ ích và lý thú.

Các “chiến sỹ nhí” tham gia tập luyện các kỹ năng trong khung chương trình
Các “chiến sỹ nhí” tham gia tập luyện các kỹ năng trong khung chương trình

Tập làm người lính

Học kỳ quân đội là chương trình không còn xa lạ đối với các bạn học sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An vào mỗi dịp hè. “Đăng ký cho con tham gia lớp học, các bậc phụ huynh chỉ mong muốn con mình có thể thay đổi được nhận thức“, chị Lan Anh trú tại phường Trường Thi, TP Vinh chia sẻ.

Đây là năm thứ 9, Tỉnh đoàn Nghệ An phối hợp tổ chức học kỳ quân đội. Năm nay, có hơn 500 học viên đến từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh độ tuổi từ 11- 17 tuổi. Trong thời gian 10 ngày (từ 8 - 17/6/2019), tại Trường Quân sự Quân khu 4, các “chiến sỹ nhí” đã có rất nhiều trải nghiệm. Tham gia lớp học, các em được trang bị những thông tin và kiến thức cơ bản về truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam, khoa học quân sự…

Đồng thời được trang bị kỹ năng sống, kỹ năng mềm; rèn luyện tính tự lập thông qua các nội dung như sắp xếp nội vụ, tự giặt quần áo, tăng gia sản xuất và những kiến thức cần thiết để tự chăm sóc bản thân và đồng đội qua bài kỹ năng sơ cấp cứu, kỹ năng ứng phó với các tình huống nguy hiểm.

Theo Ban tổ chức chương trình cho biết, học kỳ năm nay tập trung vào các nội dung: 70% giá trị sống, kỹ năng sống và 30% học làm chiến sỹ. Nét nổi bật mới của chương trình năm nay sẽ tăng cường tập trung vào các chuyên đề về giáo dục truyền thống, giáo dục nhân cách và kỹ năng cho các bạn thanh, thiếu nhi. Cụ thể như: Lễ phép, tôn trọng, yêu thương, trách nhiệm, giá trị đạo đức Bộ đội Cụ Hồ và truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; các kỹ năng tự chủ (tự nhận thức, quản lý cảm xúc, quản lý thời gian, ứng phó với căng thẳng, kiên định và ra quyết định); các kỹ năng học tập, làm việc (kỹ năng học tập và thi; tạo cảm hứng học tập; đặt mục tiêu phấn đấu; lập kế hoạch rèn luyện và kỹ năng làm việc nhà)…

Một khoảng thời gian tuy ít ỏi nhưng các em đã có buổi giao lưu, trò chuyện với các chuyên gia tâm lý như cô giáo Hằng Ly, chuyên gia tâm lý của Trường Đại học Vinh nói về kỹ năng chăm sóc, bảo vệ bản thân (chăm sóc sức khỏe, phòng tránh bạo lực học đường, xâm hại tình dục, giáo dục giới tính…) hay được nghe thầy Phan Thành Hổ, chuyên gia tâm lý của Trung tâm Thanh thiếu nhi miền Nam giảng về nghị lực và các tấm gương vượt khó tại chương trình “Đêm yêu thương”… Bên cạnh những giờ học, những buổi rèn luyện gắt gao về tính kỷ luật, các em còn được giao lưu, gặp gỡ với nghệ sĩ Xuân Bắc, tổ chức đêm sinh nhật đồng đội…

Những cánh thư yêu thương

Cánh thư yêu thương xuất phát từ một chương trình mang tên “Đêm yêu thương”. Đây là chương trình nằm trong chuỗi ngày các học viên tham gia học kỳ quân đội. Tại “Đêm yêu thương”, các em được thầy Phan Thành Hổ, chuyên gia tâm lý của Trung tâm Thanh thiếu nhi miền Nam diễn thuyết nhiều nội dung, trong đó đề cập đến tình yêu thương của bố mẹ dành cho con cái. Con cái phải làm gì để xứng đáng với tình yêu thương đó. Không quá dài, nhưng đã giúp các em nhận thức được một điều rằng, đăng ký cho các em tham gia học kỳ quân đội, bố mẹ chỉ mong rằng, sau những khó khăn, các em sẽ có nghị lực vượt qua để sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Trong những bức thư gửi về cho bố mẹ là những tâm tư rất chân thật. Đó là nơi các em giãi bày những tâm sự thầm kín, những yêu thương tha thiết, lời cảm ơn, xin lỗi hay cả những ước mong mà trong cuộc sống thường ngày các em ngại ngùng không dám nói thành lời. Đó là những ngày thiếu thốn vật chất cũng như tinh thần, dù không đủ đầy như ở nhà, nhưng các “chiến sỹ nhí” vẫn rất vui vì được trải nghiệm những điều mới mẻ. “Ở đây nóng lắm, quạt không có, em bị rôm hết người…”; “Thức ăn không hợp mẹ ạ”… Dù hiện thực khổ sở là vậy nhưng sau những câu kể lể, than thở thì “dù ở đây rất khổ nhưng em vui và thích. Chắc chắn một điều em nhớ bố mẹ lắm…”, Trần Minh Công Anh đến từ TP Vinh chia sẻ trong thư.

Cầm lá thư của cậu con trai gửi về, chị Yến Ngọc, TP Vinh vỡ òa: “Mình không ngờ con trai lại tình cảm với mẹ thế này…”. Hầu hết các bậc phụ huynh tỏ ra hài lòng với chương trình, đã tạo ra sân chơi ý nghĩa trong những ngày hè. 10 ngày xa nhà nhưng cũng giúp các em trưởng thành hơn, có một số thay đổi trong nhận thức. Và với học viên, đó chính là sự trải nghiệm của bản thân mà trên mỗi bước đường các em đi không thể nào quên được.

Phan Tuyết - Thanh Phương

Các tin khác