Văn hóa - Giáo dục
Vẹn nguyên ký ức được gặp Bác Hồ của người lính không quân
(Congannghean.vn)-Tháng 5 về, nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, người lính già năm xưa lại xúc động, đôi mắt rưng rưng ngấn lệ. Trong câu chuyện ông kể cho chúng tôi, 3 lần được gặp Bác Hồ là những kỷ niệm sẽ chẳng thể nào quên.
Bác Hồ đến thăm Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 |
Dọc đường hành quân
Hình ảnh một chiếc áo trấn thủ đã sờn màu cùng chiếc bi đông méo mó, tróc sơn được trưng bày trong Bảo tàng Quân khu IV thôi thúc tôi tìm đến nhà ông Trần Quốc Trọng (SN 1932) ở khối 3, phường Đội Cung, TP Vinh. Trong câu chuyện của ông, chúng tôi càng hiểu thêm về cuộc đời gian khổ nhưng đầy hào hùng, lấp lánh chiến công người lính.
87 tuổi, ông Trọng bị căn bệnh gout hành hạ phải nằm một chỗ, không thể đi lại được. Dù tuổi đã cao nhưng mỗi khi nhắc tới những năm tháng xông pha trận mạc, đặc biệt là may mắn được gặp Bác Hồ thì ông vẫn nhớ như in. Với ông, tất cả mới chỉ như ngày hôm qua.
Ông Trần Quốc Trọng sinh ra ở tỉnh Thừa Thiên - Huế trong một gia đình bần nông. Từ nhỏ, ông đã phải đi ở chăn trâu cho nhà địa chủ. Năm 15 tuổi, ông gặp một anh Vệ Quốc quân, được anh kể chuyện chiến đấu và “nhờ” làm liên lạc. Từ đó, ông đi theo cách mạng. “Hồi đó cứ nghe nói đi làm cách mạng là thích lắm, cứ rứa đi thôi. Đi từ năm 1948 nhưng mãi đến ngày 10/10/1949 mới được công nhận là quân nhân, được phát quân trang, quân dụng”, ông Trọng nhớ lại.
Đầu quân vào Trung đoàn 101 Bình Trị Thiên, chàng lính trẻ Trần Quốc Trọng hăng hái tham gia chiến đấu, nhất là thời điểm mà cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta bước vào thời kỳ khó khăn, gian khổ và ác liệt nhất. Ông đã cùng đồng đội trải qua hàng chục trận đánh như: Thanh Lâm Bồ, Thanh Thương, Dương Hòa, An Gia, Bố Trạch… Ở trận Thanh Lâm Bồ, ông cùng đồng đội đã bắt sống một trung úy Pháp. Sau chiến công này, ông được thưởng Huân chương. Cái huân chương ấy, sau này ông đã đem tặng Bảo tàng.
Tham gia chiến đấu ở chiến dịch Trung - Hạ Lào rồi có lệnh tiếp tục giải phóng Tà Khẹt thuộc tỉnh Khăm Muộn (Lào), ông Trần Quốc Trọng đã cùng đồng đội bắt sống nhiều tù binh, lấy được nhiều khẩu đại bác của địch. “Lần đi qua huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh phải di chuyển qua đường 12, đèo Phu Ác. Từ đỉnh đèo, chúng tôi phải đi từ lúc 12 giờ trưa đến 0 giờ ngày hôm sau mới xuống được chân đèo. Vừa xuống đến nơi, nhận được tin của cấp trên có 2 tiểu đoàn lính lê dương về đóng cách chúng tôi 4 - 5 km. Vậy là không được nghỉ ngơi, anh em lại tiếp tục hành quân đánh giặc. Trận đánh này, chúng tôi lấy được 4 khẩu đại bác 75 ly, bắt được hàng trăm tù binh. Sau này, tháo rời 2 khẩu đại bác chuyển sang chiến trường Điện Biên Phủ”, ông Trọng nhớ lại.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đơn vị của ông được lệnh về đóng quân ở Đồng Hới. Về phần mình, anh lính trẻ Trần Quốc Trọng được cử đi học văn hóa, sau này được cử sang Trung Quốc học phi công, trở thành một chiến sỹ kiên cường, anh dũng của Không quân Việt Nam thời bấy giờ.
Kỷ niệm được gặp Bác Hồ
Điều may mắn nhất trong cuộc đời của ông Trần Quốc Trọng là được gặp Bác Hồ. Nhắc đến những kỷ niệm, nước mắt ông chảy dài trên má. Dù chỉ là những giây phút ngắn ngủi nhưng được nghe giọng nói của Bác, được Người động viên, dạy bảo… với ông, đó là điều vinh dự, hạnh phúc, may mắn.
Nhắc tới những kỷ niệm được gặp Bác Hồ, ông Trần Quốc Trọng lại bồi hồi xúc động, nước mắt rưng rưng |
Lần đầu tiên ông Trọng được gặp Bác là vào năm 1955, khi đấy ông được cử đi học văn hóa ở Hà Nội, rồi được tham gia học 3 tháng duyệt binh để đón Trung ương Đảng và Bác Hồ từ Việt Bắc trở về Thủ đô. Hôm đó, đang tập duyệt tại sân bay Bạch Mai thì có lệnh tất cả dừng lại để gặp cấp trên về thăm. “Chúng tôi chỉ biết là cấp trên chứ không biết đó là ai. Đúng 4 giờ chiều, bỗng nghe ầm ầm từ phía sau, rồi ai nấy đều hô to “Hồ Chí Minh muôn năm”. Lúc đó không còn đội hình chi nữa, chúng tôi chạy ùa ra đón Bác. Bác dặn: Ngày mai duyệt binh là nhiệm vụ hết sức quan trọng, các cháu phải đi cho đẹp, cho khéo để quan khách thế giới nhìn vào thấy được quân đội hùng mạnh chiến thắng. Sau đó, Bác bắt nhịp bài hát Kết đoàn cho tất cả chiến sỹ rồi lại vội vàng đi. 10 phút ngắn ngủi được gặp Bác nhưng hình ảnh của Người, sự động viên, quan tâm từ những điều nhỏ nhất làm tôi nhớ suốt cuộc đời không thể nào quên”, ông Trọng kể.
Lần thứ hai được gặp Bác Hồ vào thời điểm ông được cấp trên cử sang Trung Quốc học làm Phi công (năm 1957). Trước ngày lên đường, 120 chiến sĩ ưu tú được thông báo có cấp trên về thăm. Cũng như lần trước, khi nhìn thấy Bác Hồ, mọi người mới vỡ òa cảm xúc. Ông Trọng chia sẻ: “Tôi nhớ mãi hình ảnh của Bác lúc đấy. Người gầy hơn lần trước, tóc đã bạc đi nhiều. Bắt tay chúng tôi, Bác nói: “Ngày xưa ta chỉ có đánh giặc bộ binh, nay ta có trời, có biển, các cháu đi học về củng cố, xây dựng quân đội cho hùng mạnh để giữ trời, giữ biển, thống nhất nước nhà”. Khi nghe đến đó, tất cả học viên đều khóc. Trước câu hỏi của Người: “Bác đến thăm sao các cháu lại khóc” thì anh em chỉ biết nhìn nhau, rồi nói: “Vì thương Bác”.
Năm 1964, khi Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ, gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, ông Trọng được điều về Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 (Đoàn Không quân Sao Đỏ). Trong năm đó, khi đang trực tại sân bay Nội Bài, thêm một lần nữa ông được gặp Bác Hồ. Người nhắc nhở: “Các chú phải học tập gương chiến đấu của các chiến sỹ miền Nam anh hùng, phát huy lối đánh gần “bám thắt lưng địch mà đánh”, phải đoàn kết, quyết tâm, đã đánh là thắng, thắng ngay trận đầu. Phải xây dựng truyền thống đánh giỏi để làm chủ đất nước, làm chủ biển trời Tổ quốc”. Ngoài ra, Bác còn trực tiếp xuống thăm nơi ăn, chốn ở của mọi người. Những hành động, cử chỉ nhỏ nhặt của Bác đến nay vẫn còn in sâu trong ký ức của người lính già năm xưa.
Năm 1985, sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, ông Trần Quốc Trọng nghỉ hưu với quân hàm Thượng tá. Ông quyết định gắn bó quãng đời còn lại tại mảnh đất xứ Nghệ - quê hương của vợ. Về địa phương, ông tích cực tham gia vào Hội Cựu chiến binh, công tác Đảng ủy, đoàn thể của khối, phường.
Trong những ngày tháng 5 lịch sử, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nhớ về ngày sinh của Bác (19/5), ông Trọng lại bồi hồi xúc động. Nhớ về Người, nước mắt ông lại tuôn trào. Khắc ghi lời dạy của Bác, ông luôn nhắc nhở con cháu phải học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh. Với ông, những kỷ niệm được gặp Bác Hồ vẫn luôn in đậm trong tâm trí và mãi mãi không bao giờ quên, là hành trang cho ông và gia đình vững bước.
Phan Tuyết