Văn hóa - Giáo dục

Hồi tưởng về những ngày đầu Báo Công an Nghệ Tĩnh ra số đầu tiên (19/5/1984 - 19/5/2019)

16:07, 19/05/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Là bạn đọc thân thuộc của báo, tôi viết lên một vài hồi tưởng nhân kỷ niệm 35 năm Báo Công an Nghệ Tĩnh (nay là Báo Công an Nghệ An) ra số đầu tiên.

 Đồng chí Đại tá Trần Phồn
Đồng chí Đại tá Trần Phồn

Gần giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới, quan hệ ngoại giao được mở rộng, hội nhập quốc tế đi vào chiều sâu. Theo đó, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của nhân dân ta cũng đứng trước cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi các phương tiện thông tin đại chúng phải chuyển tải đến cán bộ, đảng viên và nhân dân có nhận thức và hành động chuẩn mực trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thời điểm đó, Nghệ Tĩnh là một tỉnh đất rộng, người đông. Công an là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Về mặt tuyên truyền nâng cao cảnh giác cho quần chúng, Công an đã có thời lượng trên kênh truyền hình, đài phát thanh, Báo Nghệ Tĩnh và đã có bản tin nội bộ. Tuy vậy, Lãnh đạo Công an tỉnh thấy rằng cần có tờ Báo Công an Nghệ Tĩnh để mở rộng công tác tuyên truyền.

Ý tưởng đó được cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng ở tỉnh chấp nhận và bác Lê Văn Khiêu, Giám đốc Công an Nghệ Tĩnh trực tiếp xin ý kiến của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) Phạm Hùng đồng ý để Bộ Văn hóa Thông tin cấp giấy phép xuất bản Báo Công an Nghệ Tĩnh.

Có được giấy phép, mọi hoạt động cần thiết để sớm phát hành số báo đầu tiên được tiến hành một cách khẩn trương. Chịu trách nhiệm về tờ báo là đồng chí Giám đốc (như là Tổng biên tập), Phó Giám đốc phụ trách Xây dựng lực lượng (như là Phó Tổng biên tập), Trưởng phòng Công tác chính trị (như là Thư ký tòa soạn), nơi làm việc của Phòng Công tác chính trị (là tòa soạn báo). Lãnh đạo tờ báo đề ra tiêu chuẩn để chọn trong hàng ngũ sĩ quan, hạ sĩ quan những đồng chí có năng khiếu về văn học, về báo chí, điều động đến công tác tại tòa soạn báo (như là phóng viên).

Để có phương pháp điều hành một tòa soạn báo, phương pháp thu thập tư liệu viết tin, bài cho báo, các thể loại báo chí, Ban biên tập báo đã mời đại diện lãnh đạo và những phóng viên có kinh nghiệm của Báo Nghệ Tĩnh, Báo Công an nhân dân, Báo Hà Nội mới, Báo Quân khu 4 (lúc này Nghệ Tĩnh chưa có nhiều cơ quan đại diện, văn phòng thường trú của báo chí như hiện nay) đến báo cáo theo chuyên đề tập huấn về báo chí.

Vừa học, vừa làm, anh em tỏa đi các địa bàn tìm hiểu thực tế để viết tin, bài và theo thời gian ấn định, một tiểu ban duyệt bài đăng báo (như là Ban biên tập) gồm: Lãnh đạo tờ báo, Trưởng phòng Nghiên cứu tổng hợp (nay là Chánh Văn phòng Công an tỉnh), Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trưởng phòng Bảo vệ an ninh văn hóa - tư tưởng, những “phóng viên” có bài xin đăng báo.

Ban trên, chủ yếu là duyệt nội dung đảm bảo yêu cầu chính trị, đa dạng thể loại của tờ báo. Sau khi có ý kiến của ban, từng tác giả được đồng ý có bài đăng báo phải tự sửa chữa ngữ pháp, văn phong và chuyển đến Trưởng phòng Công tác chính trị để phân công cán bộ hoàn thành mô-tít tờ Báo Công an Nghệ Tĩnh, đưa ra Nhà in báo Hà Nội đặt in theo số lượng định phát hành số báo đầu tiên và những số tiếp theo (lúc đó Nghệ Tĩnh chưa có nhà máy in báo, công ty in báo như hiện nay).

Vật tư phục vụ cho in báo phải được các đơn vị chức năng phân phối. Vì vậy, có những lúc giấy in, mực in khan hiếm phải chờ đợi. Báo in xong, anh em phải ra bến xe, ga tàu xếp hàng mua vé xe hoặc vé tàu đưa báo về địa phương phát hành.

Mọi hoạt động của báo lúc đó được bao cấp về kinh phí (lương của “phóng viên”, cán bộ quản lý, công tác phí…) đều lấy từ ngân sách của Công an tỉnh.

Sau khi tách tỉnh, Báo Công an Nghệ An hoạt động cho đến thời điểm Cục Công tác chính trị, Vụ Tài vụ Bộ Công an kiến nghị báo phải chuyển sang hạch toán đơn vị sự nghiệp có thu, tiến tới phải tự trang trải. Đến lúc này, anh em gặp rất nhiều khó khăn. Với trách nhiệm của Giám đốc, tôi đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc thống nhất trình Lãnh đạo Bộ cho phép Báo Công an Nghệ An hoạt động như một phòng chiến đấu, công tác trong lực lượng Công an, được cấp ngân sách. Đề xuất đó cũng “hoãn binh” được một thời gian.

Thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, Nghệ Tĩnh nói chung, Nghệ  An nói riêng trên thị trường chưa có nhiều ấn phẩm về văn hóa, về báo chí. Báo Công an Nghệ Tĩnh và sau này là Báo Công an Nghệ An đã góp phần vào tiếng nói chung của truyền thông tỉnh nhà, được bạn đọc hâm mộ, đội ngũ cộng tác viên trong và ngoài lực lượng Công an rất nhiệt tình giúp đỡ báo. Nhuận bút không đáng là bao, nhưng với tấm lòng yêu mến Công an mà các cộng tác viên như: bác Nguyễn Tài Đại, Giám đốc Sở Giáo dục Nghệ Tĩnh; nhà văn Xuân Phầu; nhà giáo Phan Sinh Viên; Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh Hà Văn Tải; nhà thơ Vũ An và nhiều cộng tác viên khác đủ các lứa tuổi mà đáng kính là các bác cao tuổi đời, nhiều tuổi Đảng, tuổi tham gia cách mạng. Những buổi báo tổ chức gặp mặt cộng tác viên, tôi nhìn thấy các bác cộng tác viên đến với báo bằng xe đạp Thống Nhất cũ kỹ mà lòng xúc động thốt lên câu nói: “Báo Công an Nghệ An sống được là nhờ các cộng tác viên. Các cộng tác viên không nhờ báo mà sống!”.

Trải qua 35 năm, Báo Công an Nghệ An đã thay đổi, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc
Trải qua 35 năm, Báo Công an Nghệ An đã thay đổi, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc

Tôi nghỉ hưu đã 20 năm, cứ đến thứ 2, thứ 4, thứ 6 hàng tuần đón đọc Báo Công an Nghệ An đầy ắp thông tin, phát đi từ tòa soạn Báo 43A, đường Hồ Tùng Mậu, TP Vinh, với đội ngũ phóng viên, cộng tác viên có trình độ đại học, trên đại học về chuyên môn, về nghiệp vụ báo chí, được tác nghiệp bằng công nghệ thông tin, phương tiện đi lại thuận tiện, in ấn ngay trong thành phố, nhiều đại lý phát hành trong và ngoài tỉnh.

Báo Công an Nghệ An - một ấn phẩm của một ngành ở địa phương được độc giả chấp nhận trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay là một cố gắng rất lớn của các thế hệ làm báo suốt 35 năm qua và rất đáng trân trọng.

Đại tá Trần Phồn, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An

Các tin khác