Văn hóa - Giáo dục

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Giảm lý thuyết, tăng kỹ năng cơ bản

09:46, 22/04/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Giáo dục kỹ năng sống là dạy những kỹ năng cơ bản, cần thiết, hướng tới hình thành những thói quen tốt như bình tĩnh, tự tin, chủ động xử lý linh hoạt các tình huống trong cuộc sống. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng chuyên môn thì các cơ sở giáo dục quan tâm, chú trọng hơn trong rèn luyện kỹ năng sống, ý thức trách nhiệm cho học sinh.

Một buổi tuyên truyền về kỹ năng sống cho học sinh
Một buổi tuyên truyền về kỹ năng sống cho học sinh

Trong khi dư luận xã hội chưa hết bàng hoàng, phẫn nộ trước cách hành xử với tính chất bạo lực của nhóm nữ sinh Trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên thì thêm một số sự việc tương tự xảy ra, như việc nữ sinh bị đánh hội đồng ở Quảng Ninh hay ở huyện Diễn Châu, Nghệ An...

Theo thống kê, trong quý I/2019, lực lượng Công an đã ghi nhận khoảng hơn 300 vụ bạo lực học đường. Nhìn lại những sự việc xảy ra, bên cạnh các giải pháp khác thì đã đến lúc nhà trường, gia đình và xã hội cần chung tay trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh một cách thiết thực hơn. Tuy giáo dục kỹ năng sống cho học sinh không phải là vấn đề mới, nhưng đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành nhiều văn bản nhằm chấn chỉnh tình trạng bạo lực, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện và nhiều quy định về việc triển khai giáo dục kỹ năng sống. Tại Nghệ An, các trường học trên địa bàn đều đã tích cực, chủ động triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống như: Phòng, chống xâm hại, các kỹ năng ứng phó với nguy cơ cháy, đuối nước…bằng cách thông qua các môn học chính khóa, tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa, các tiết chào cờ cho học sinh các cấp học. Từ đó rèn luyện, hình thành cho học sinh lối sống có trách nhiệm, có ước mơ và hoài bão, biết hướng tới những điều tốt đẹp và tránh xa những thói hư, tật xấu, những tệ nạn xã hội.

Thực tế cho thấy, muốn học tập tốt, giáo dục toàn diện thì mỗi nhà trường, giáo viên và học sinh phải có quy củ, nề nếp tốt. Nó có thể bắt đầu từ những việc nhỏ như tạo thói quen nói lời hay, làm việc tốt trong học sinh. Theo ghi nhận của phóng viên, tại các trường học, nội dung các buổi tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống với học sinh không chỉ lý thuyết hay các hình ảnh suông mà các giáo viên, chuyên gia đã dành nhiều thời gian hơn để học sinh được thực hành, nhận diện các tình huống có vấn đề và đưa ra cách xử lý. Đặc biệt, việc tổ chức cho các em học sinh xây dựng, biểu diễn các vấn đề dưới hình thức tiểu phẩm; trả lời câu hỏi trắc nghiệm hoặc sử dụng tranh, ảnh, clips để học sinh xác định các tình huống nguy hiểm… là những hình thức đổi mới về giáo dục kỹ năng sống khiến đông đảo các em học sinh hào hứng tham gia.

Theo các chuyên gia tâm lý, cần thẳng thắn, không né tránh các vấn đề, các tình huống thực tế mà vốn được cho là “nhạy cảm” để xóa bỏ những rào cản về sự e ngại, xấu hổ của học sinh. Ví dụ như các vấn đề về xâm hại, lạm dụng tình dục, như thế nào là ấu dâm, dâm ô?… Khi các em nhận thức được trước những tình huống, nguy cơ mất an toàn, các em sẽ bình tĩnh và biết cách xử lý hoặc tìm sự hỗ trợ chứ không phải im lặng như nhiều nạn nhân thời gian qua. 

Còn nhớ, vào cuối năm 2018 vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền đoạn video clip dài 4 phút quay về Trung tá Nguyễn Đào Minh Huy, cán bộ Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hồ Chí Minh dạy học sinh những kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục theo cách hết sức hài hước và gần gũi khiến học sinh và người xem đều thích thú. Buổi truyền dạy kỹ năng những tưởng sẽ rất “khó nói” nhưng trái ngược lại không hề khô cứng, giáo điều mà được chuyển tải thành những ngôn ngữ rất bình dân và gần gũi với học sinh.

Để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đạt kết quả cao, nếu chỉ trông chờ vào nhà trường thì chưa đủ. Đặc biệt, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh rất cần sự hỗ trợ thường xuyên của gia đình và cộng đồng, bắt đầu từ những tình huống xảy ra hằng ngày. Bởi gia đình và xã hội là môi trường vun đắp, nuôi dưỡng có ảnh hưởng trực tiếp, tác động mạnh mẽ đến việc giáo dục nhân cách, sự hình thành giá trị đạo đức cho học sinh.

Thu Thủy

Các tin khác