Văn hóa - Giáo dục

Cần đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp phân luồng học sinh sau THCS

15:17, 18/04/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, hoạt động giáo dục hướng nghiệp tại các trường THCS trên địa bàn toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt là sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch “Phân luồng, hướng nghiệp, dạy nghề học sinh sau THCS và THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020”. Bên cạnh chú trọng công tác tuyên truyền, các trường không chỉ đa dạng hình thức tư vấn, phân luồng, hướng nghiệp trong các giờ chào cờ, giờ sinh hoạt lớp mà còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế, ngoại khóa cho học sinh tại công ty, doanh nghiệp, các trường trung cấp, cao đẳng nghề… 
 
Cần đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp phân luồng học sinh sau THCS
Cần đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp phân luồng học sinh sau THCS
Tuy nhiên, hiệu quả công tác phân luồng học sinh chưa thật đồng đều và chưa có sự chuyển dịch đậm nét. Thực tế cho thấy, công tác hướng nghiệp cho học sinh THCS tại các trường hiện nay đang còn phải chịu nhiều áp lực từ phụ huynh cũng như tâm lý chuộng bằng cấp của xã hội. Theo mục tiêu Chính phủ đặt ra, đến năm 2020, phân luồng sau THCS phải đạt 30% học sinh vào học các trường nghề nhưng hiện nay con số này mới chỉ đạt 15%. Cũng theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2018, có khoảng 30% học sinh tốt nghiệp THPT nhưng không học đại học. 
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như: Nhận thức của học sinh, gia đình học sinh và xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế; việc lựa chọn nghề nghiệp của học sinh còn cảm tính hoặc theo sự áp đặt của gia đình (bởi trẻ từ 14 - 16 tuổi ở Việt Nam hầu như chưa tự lập, đang được gia đình bao bọc). Hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang dần đổi mới song chưa tạo ra sức hút mạnh đối với học sinh, nhất là học sinh tốt nghiệp THCS; cập nhật thông tin về thị trường lao động còn chậm… Hệ lụy là nhiều người đã tốt nghiệp các khóa đào tạo khi được tuyển dụng lại phải đưa đi đào tạo bổ sung hoặc chưa tìm được việc làm, hoặc có việc làm nhưng không phù hợp. Điều này gây lãng phí lớn do chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng.
 
Để làm tốt công tác phân luồng, thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, cần phải có giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học. Bởi, giáo viên chủ nhiệm là người sâu sát, hiểu rõ nhất năng lực, nguyện vọng, đam mê của học sinh lớp mình. Đồng thời, giáo viên chủ nhiệm cũng quan hệ mật thiết với phụ huynh, dễ dàng trao đổi, “đả thông” tư tưởng cho phụ huynh. Ngoài ra, cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông.
 
Tại Trường THCS Hưng Dũng (TP Vinh), trong những năm qua, nhà trường rất chú trọng tới công tác phân luồng cho các em học sinh, nhất là đối với học sinh lớp 9. Nếu như năm học 2016 - 2017, nhà trường chỉ có 16 em sau khi học hết lớp 9 chọn học nghề thì năm học 2017 - 2018, nhà trường có 30/225 em học sinh học hết lớp 9 chọn học nghề. Theo thầy Ninh Viết Tăng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đặc thù của Trường THCS Hưng Dũng nói riêng và các trường ở nội thành TP Vinh nói chung, dù năng lực con em mình ở mức hạn chế song tâm lý của các bậc phụ huynh vẫn cố cho con đi học THPT để sau “cố” thi cao đẳng, đại học cho có “bằng cấp”. Chính vì vậy, “cởi trói” tâm lý cho phụ huynh là vấn đề mà nhà trường rất quan tâm, chú trọng. Thông qua kết quả của các kỳ thi, giáo viên chủ nhiệm sẽ thông báo kết quả cho phụ huynh để họ nắm được học lực của con em mình như thế nào. Giáo viên chủ nhiệm cũng đóng vai trò là người trực tiếp trao đổi, tư vấn và giải đáp những khúc mắc, lo lắng cho phụ huynh. 
 
Cũng cần phải thấy rằng, phân luồng hiện nay không chỉ đơn thuần là học nghề mà các em vừa được học nghề, vừa được học văn hóa. Sau khi tốt nghiệp, các em vừa có bằng tốt nghiệp THPT và nghề. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020, tỉ lệ học sinh sau THCS vào học các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung cấp nghề là 25%, học nghề ngắn hạn là 5%, tỉ lệ học sinh sau THPT học nghề dài hạn là 46%, học nghề ngắn hạn 2% và xuất khẩu lao động 20%.
 
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất Chính phủ chương trình cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS (gọi tắt là chương trình đào tạo cao đẳng 9+), đồng thời có Công văn số 2817 ngày 13/7/2018 gửi tới các trường trung cấp, cao đẳng về việc khuyến khích xây dựng chương trình, tổ chức tuyển sinh đào tạo chương trình cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS. Đây được coi là giải pháp nhằm tăng cường tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đẩy mạnh định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025.
Chương trình đào tạo 9+ được hiểu theo Luật Giáo dục nghề nghiệp và theo thông lệ quốc tế là học sinh học hết lớp 9 có quyền lựa chọn: Học các lớp nghề ngắn hạn như chăm sóc sắc đẹp, nghề nấu ăn, làm bánh hay một số ngành nghề dịch vụ và tham gia thị trường lao động ngay tại các Trung tâm dạy nghề. Những nghề này chỉ mất thời gian đào tạo từ 6 tháng đến 1 năm, sau đó các em chỉ được làm những công việc không nặng nhọc, độc hại và pháp luật cho phép lao động vị thành niên (từ 16 - 18 tuổi) được làm. Lựa chọn thứ hai là các em sẽ tham gia học các chương trình 9+2, 9+3, 9+4, 9+5 theo đúng quy định tám bậc trình độ Quốc gia. Theo đó, từ 1 đến 2 năm, các em có thể lấy bằng trung cấp, 1 đến 2 năm sau lấy bằng cao đẳng. Sau khi tham gia thị trường lao động, các em có thể học lên đại học nếu muốn. Điều này có nghĩa sau khi tốt nghiệp lớp 9, ở 15 tuổi các em có quyền vào học sơ cấp, trung cấp hoặc cao đẳng.

THU THỦY

Các tin khác