(Congannghean.vn)-Những vụ ngộ độc thực phẩm, ăn thực phẩm “bẩn” nhiễm bệnh xảy ra trong môi trường giáo dục đang trở thành tâm điểm của dư luận khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm. Nhưng hơn hết, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang là nỗi lo canh cánh của các bậc phụ huynh khi gửi con cho nhà trường chăm sóc.
Nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ là trách nhiệm mà còn là cách thể hiện cái tâm đối với nghề trong mỗi nhà trường |
Ngày 15/3, có khoảng 400 học sinh Trường Mầm non Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét và Kí sinh trùng Trung ương xét nghiệm, sau khi 3 bé ăn thịt lợn tại trường đi xét nghiệm, trong đó có 2/3 trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính với sán.
Theo kết quả tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, có 230 trẻ từ Bắc Ninh đến xét nghiệm, có 173 ca có kết quả, trong đó 44 trẻ huyết thanh dương tính sán. Tại Viện Sốt rét và Kí sinh trùng Trung ương cũng ghi nhận 135 cháu trường mầm non trên đến khám. Trong đó, kết quả xét nghiệm cho thấy 13/135 trẻ dương tính với sán lợn. Đến sáng 16/3, số trẻ từ Bắc Ninh đến bệnh viện xét nghiệm tìm sán lợn vẫn tăng lên. Trước đó, từ cuối tháng 2/2019, một clip ghi lại hình ảnh món thịt lợn nổi đầy hạch trắng tại Trường Mầm non Thanh Khương khiến nhiều người hoảng hốt, lo ngại.
Vụ việc hàng chục trẻ mầm non tại Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn gióng lên hồi chuông báo động về chất lượng ATVSTP trong trường học |
Trước sự việc gây xôn xao dư luận, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Công an tỉnh này khẩn trương điều tra, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến việc cung cấp thực phẩm không đảm bảo an toàn cho trường học. Làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến việc cung cấp, phát tán thông tin không đúng sự thật gây tâm lý hoang mang đối với người dân. Ban Quản lý ATVSTP tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường thanh, kiểm tra công tác đảm bảo ATVSTP trên địa bàn; chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp thực hiện nghiêm quy trình kiểm soát, truy xuất nguồn cho các bếp ăn tập thể bán trú tại trường học theo quy định.
Có thể thấy rằng, đảm bảo ATVSTP ở trường học là một vấn đề hết sức quan trọng, nhất là ở các trường mầm non. Đây là nơi tập trung đông trẻ, bản thân trẻ còn nơn nớt, chưa chủ động, ý thức về dinh dưỡng cũng như công tác đảm bảo ATVSTP. Những năm qua, mặc dù ngành giáo dục mầm non đã làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục dinh dưỡng, chất lượng bữa ăn cải thiện, tuy nhiên cũng đang tồn tại nhiều bất cập.
Thực tế cho thấy, nhiều bếp ăn tập thể chưa đảm bảo diện tích theo quy định, khu vực bếp còn bố trí gần với lớp gây mất an toàn cho trẻ. Tại các trường học bán trú ở các vùng miền núi, cơ sở vật chất còn hạn chế, nhiều trường chưa bố trí được bếp ăn cho các em tại các điểm lẻ, nên việc vận chuyển thức ăn cho trẻ đến các điểm trường vẫn xảy ra, chính điều này tiềm ẩn về nguy cơ mất ATVSTP. Công tác đảm bảo ATVSTP ở các bếp ăn tập thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố như công trình phụ trợ, thực phẩm, trang thiết bị và ý thức của người chế biến. Việc nhận thực phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt với những thực phẩm tươi sống đã dẫn đến những nguy cơ làm mất ATVSTP.
Tại Nghệ An, thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể nên công tác đảm bảo ATVSTP tại trường học được chú trọng. Đến thời điểm này, có 100% trường mầm non, tiểu học có cơ sở bán trú được xây dựng theo quy trình vận hành 1 chiều của Bộ Y tế, với 3 khu riêng biệt là khu chế biến thức ăn tươi sống, khu nấu ăn và khu để thức ăn chín.
Để đảm bảo dinh dưỡng cũng như an toàn cho trẻ tại trường, công tác đảm bảo ATVSTP luôn được nhà trường quan tâm. Cô Nguyễn Thị Nhân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nắng Mai, TP Vinh cho biết: Công tác đảm bảo nguồn gốc và ATVSTP luôn được nhà trường kiểm tra nghiêm ngặt từ khâu tuyển chọn, sơ chế, chế biến và phân chia thức ăn về tại các lớp. Nguồn thực phẩm được nhà trường lựa chọn từ những cơ sở có uy tín và ký hợp đồng cam kết trách nhiệm. Vừa qua, trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi đang lây lan trên diện rộng, để đảm bảo bữa ăn an toàn tuyệt đối cho trẻ, trường đã có điều chỉnh thực đơn hàng ngày. Theo đó, loại bỏ hoàn toàn thịt lợn ra khỏi thực đơn, đồng thời thay thế bằng các thực phẩm dinh dưỡng khác như tôm, thịt bò, cá, trứng…
Vụ việc tại Trường Mầm non Thanh Khương, Bắc Ninh đã gióng hồi chuông báo động về chất lượng ATVSTP trong trường học, khiến các bậc phụ huynh lo lắng, dư luận phẫn nộ. Thiết nghĩ, các trường học nên đặt vấn đề an toàn cho trẻ lên trên hết bằng trách nhiệm cũng như cái tâm đối với nghề. Các cơ quan chức năng cần tăng cường chỉ đạo các trường học về công tác đảm bảo điều kiện ATVSTP tại các bếp ăn tập thể, không để các cơ sở không đủ điều kiện cung ứng các dịch vụ ăn uống trong trường học. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát đánh giá điều kiện đảm bảo ATVSTP tại các bếp ăn tập thể, nghiêm khắc xử lý các trường hợp vi phạm…