Làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trong thời gian tới cần có kiến nghị chính sách cần thiết, bảo đảm đủ điều kiện học tập cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Không được để dần dần chất lượng đầu ra của học sinh dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn kém hơn ở vùng thuận lợi.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Điện Biên. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Nhiều vấn đề liên quan đến giáo dục, văn hoá của tỉnh Điện Biên đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các thành viên đoàn công tác trao đổi, thảo luận, phân tích trong cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, sáng 17/3.
Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn cho biết, trong lĩnh vực giáo dục, địa phương đã duy trì và tăng tỉ lệ xã, phường, thị trấn đạt các chuẩn phổ cập mầm non, tiểu học, THCS. Tỉ lệ tốt nghiệp các cấp luôn đạt trên 99%. Toàn tỉnh có 312/498 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia.
Mạng lưới trường, lớp phát triển khá đồng bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Năm học 2018-2019, tỉnh Điện Biên có 530 trường, 7.349 lớp và 196.214 học sinh, sinh viên. Tỉ lệ huy động trẻ từ 3 tháng đến dưới 36 tháng tuổi ra lớp đạt 35,8%; trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi ra lớp đạt 98,5%; trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,6%; tỉ lệ huy động dân số 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%; 6-10 tuổi học tiểu học đạt 99,8%; 11 tuổi vào lớp 6 đạt 96,9%; 11-14 tuổi học THCS đạt 95,5%; 15 tuổi đi học lớp 10 đạt 60,7%; 15-18 tuổi học THPT và tương đương đạt 63%.
Tuy nhiên nhìn chung chất lượng giáo dục trên địa bàn chưa đồng đều, đội ngũ giáo viên còn thiếu, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới… Lãnh đạo tỉnh Điện Biên đề xuất nâng mức hỗ trợ cho học sinh nội trú, bán trú, tăng đầu tư cơ sở vật chất cho các trường nội trú, tăng phòng học kiên cố hoá…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Sau khi yêu cầu lãnh đạo các cục, vụ giải đáp một số kiến nghị cụ thể, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ những khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở trường lớp của Điện Biên, đặc biệt trong quá trình chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng cần tăng cường mô hình giáo dục chung, không nên phân biệt trường nội trú và trường phổ thông, phát triển mô hình bán trú. Mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cháu học sinh được học tập đầy đủ theo chương trình mới.
Trao đổi thêm về mô hình trường nội trú, bán trú, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu cách tiếp cận mới: Thay vì xây trường nội trú thì xây ký túc xá nội trú để học sinh ở, tách riêng với việc học. “Các đồng chí phải tính tổng thể lại bài toán về các trường phổ thông. Kinh phí đầu tư có thể không tăng nhưng sửa chính sách thì nhiều đối tượng được hưởng lợi hơn”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số ngoài dạy chương trình chung bằng tiếng phổ thông thì cần phải tăng dần thời lượng cho các cháu học tiếng nói, chữ viết, sinh hoạt thêm văn hoá của dân tộc mình. Đồng thời, phải có đủ trường cho các cháu học.
“Chúng ta phải quy hoạch lại, từ đó có kiến nghị chính sách cần thiết, bảo đảm đủ điều kiện học tập cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Bây giờ giao thông thuận lợi chúng ta có thể dồn điểm trường lại nhưng phải đi kèm với các khu ký túc xá, bán trú. Không được để dần dần chất lượng đầu ra của học sinh dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn kém hơn ở vùng thuận lợi”, Phó Thủ tướng trăn trở.
Được biết, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ đối thoại với các cán bộ quản lý, thầy cô giáo ở Điện Biên, khảo sát một số trường học trên địa bàn tỉnh.
Đối với vấn đề đào tạo giáo viên, Phó Thủ tướng đề nghị cần nắm vững số liệu nhu cầu giáo viên ở từng địa bàn, từng trường, số sinh viên đang học ở trường sư phạm để đặt hàng đào tạo, có những trung tâm bồì dưỡng giáo viên theo chuẩn mới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thắp hương viếng các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Trao đổi về lĩnh vực văn hoá, du lịch, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Khánh Hải cho rằng trong những năm qua tỉnh Điện Biên đã hết sức quan tâm đến phát triển văn hoá, du lịch.
Năm 2018, Điện Biên đã đón 705.000 lượt khách du lịch (tăng 17,5%), trong đó khách quốc tế là 151.000 lượt (tăng 25,8%), doanh thu đạt hơn 1.155 tỷ đồng (tăng 25,8%). Hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao tiếp tục đầu tư. Tỉ lệ đạt chuẩn văn hoá của hộ gia đình là 63,8%; thôn, bản, tổ dân phố là 56,8%; cơ quan, đơn vị là 90,6%.
“Bộ VHTT&DL ủng hộ các đề xuất của tỉnh trong triển khai các đề án bảo tồn, tôn tạo, phát huy các di tích văn hoá, lịch sử đặc biệt, phát triển hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên”, Thứ trưởng Lê Khánh Hải nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý trong quá trình sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33/NQ-TW về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam (năm 2014), Điện Biên cần tập trung vào hai đặc điểm là bảo tồn, phát huy văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số; nhận diện và quan tâm kịp thời đến những vấn đề văn hoá xã hội từ sức ép phát triển kinh tế.
Phó Thủ tướng cho rằng, những thói quen, hành vi không chuẩn về văn hóa là do ảnh hưởng của thời kỳ chuyển đổi sang kinh tế thị trường, khi chúng ta đã không chú ý đúng mức tới văn hóa. Đây là căn bệnh chung của các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là các nền kinh tế chuyển đổi.
“Thời gian đầu quá chú trọng phát triển kinh tế mà không chú ý đến môi trường, khi nhận ra thì mất hàng chục năm và nhiều phần trăm GDP để khắc phục, nhưng muộn hơn nữa, khi nhận ra hệ quả của việc không chú ý đến văn hóa – xã hội thì phải mất hàng thế hệ và có khi mất nhiều lần mức tăng trưởng mới khắc phục được”, Phó Thủ tướng phân tích và nhấn mạnh, “chúng ta đã làm rồi nhưng phải đến lúc có tiếng nói mạnh mẽ hơn cho công cuộc này và cần rất kiên trì”.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Điện Biên đẩy nhanh các bước thủ tục thực hiện Đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến thắng Điện Biên Phủ đến năm 2030; ứng dụng thật tốt công nghệ trong hoạt động của Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, tìm kiếm, sưu tầm các hiện vật, tư liệu quý và đặc biệt là từ các nhân chứng sống.
“Các đồng chí có thể mời các bác, các chú là chiến sĩ Điện Biên năm xưa đến nói chuyện nhân dịp các sự kiện lớn, để giáo dục đạo đức cách mạng”, Phó Thủ tướng gợi mở.
Bên cạnh việc giải quyết các vướng mắc về giao thông, visa, nhân lực… Phó Thủ tướng lưu ý tỉnh nên thu hút các DN du lịch lớn, có tầm vóc đầu tư những sản phẩm du lịch đẳng cấp nhưng không được nóng vội. Cùng với đó là kiên trì phát triển du lịch cộng đồng hài hoà, giữ gìn được bản sắc truyền thống của con người, vùng đất bản địa.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm thăm gia đình ông Bùi Văn Đáp (93 tuổi), cựu chiến sĩ Điện Biên năm xưa, ở tổ 17, phường Mường Thanh. Ảnh: VGP/Đình Nam |
* Trước đó, Phó Thủ tướng và đoàn công tác đã đặt vòng hoa, dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1; thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Tới thăm gia đình ông Bùi Văn Đáp (93 tuổi), cựu chiến sĩ Điện Biên năm xưa, ở tổ 17, phường Mường Thanh; Anh hùng Lực lượng vũ trang, Trung tá Triệu Xuân Tâng (73 tuổi) ở tổ 30, phường Mường Thanh, Phó Thủ tướng ân cần thăm hỏi, tặng quà và động viên hai ông tiếp tục sống vui, sống khỏe, là nguồn động viên tinh thần cho con cháu và tiếp tục giáo dục truyền thống cách mạng, tích cực tham gia xây dựng địa bàn dân cư vững mạnh.