Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201903/kien-quyet-dua-giao-vien-vi-pham-dao-duc-ra-khoi-nganh-845867/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201903/kien-quyet-dua-giao-vien-vi-pham-dao-duc-ra-khoi-nganh-845867/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Kiên quyết đưa giáo viên vi phạm đạo đức ra khỏi ngành - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 26/03/2019, 14:52 [GMT+7]

Kiên quyết đưa giáo viên vi phạm đạo đức ra khỏi ngành

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo xảy ra tại một số địa phương, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh giáo dục, gây bức xúc dư luận. Trước tình hình đó, Bộ GD&ĐT đã có công văn yêu cầu các tỉnh cần phải kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo theo quy định của pháp luật.

Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức để các em học sinh noi theo
Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức để các em học sinh noi theo

Đầu tháng 3/2019, dư luận trước vụ việc thầy giáo Dương Trọng M. chủ nhiệm lớp 5A, Trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bị tố có hành vi dâm ô 13 học sinh nữ. Trước sự bức xúc của phụ huynh học sinh, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Tiên Sơn đã tổ chức một buổi họp nhằm giải quyết sự việc. Tuy nhiên, tại cuộc họp này, phía lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Việt Yên cho rằng, sự việc không nghiêm trọng như phụ huynh tố cáo. Theo cơ quan này, thầy M. sau khi uống rượu chỉ có hành vi cấu véo học sinh, chưa có hành động dâm ô.

Bức xúc với lời lý giải trên, các phụ huynh tiếp tục phản ánh lên các cấp cao hơn cũng như dư luận. Ngay sau đó, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang chỉ đạo kiểm tra, xác minh. Công an tỉnh Bắc Giang cũng đã chỉ đạo tập trung điều tra làm rõ. Trong khi các đơn vị chức năng đang có cuộc điều tra có hay không hành động vi phạm đạo đức nhà giáo, thì thầy M. đã viết đơn xin ra khỏi ngành.

Cũng trong thời gian này, tại Trường THPT Chuyên Thái Bình, tỉnh Thái Bình, những tin nhắn “nhạy cảm” được cho là của thầy giáo Nguyễn Đức T. gạ tình nữ sinh lớp 10 bị phát tán ra ngoài. Trong bản tường trình, thầy T. thừa nhận có nhắn tin với học sinh và sử dụng ngôn từ tình cảm vượt mức bình thường giữa giáo viên - học sinh.

Trước sự việc trên,  ngày 19/3, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình đã ký quyết định điều chuyển công tác giáo viên Nguyễn Đức T. đến công tác tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thái Bình. Trong quyết định điều chuyển, Sở đã nêu rõ việc giáo viên vi phạm về đơn vị mới chỉ làm nhân viên, không làm công tác giảng dạy, cách ly hoàn toàn với hoạt động giáo dục.

Những ngày qua, chuyện cô giáo H. ở Bình Thuận bị chồng tố cáo có quan hệ bất chính với học sinh lớp 10. Vụ việc sau đó được một số tờ báo thông tin, nhiều trang cá nhân đăng tin không chính xác gây bức xúc trong dư luận. Trước vụ việc trên, các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Bình Thuận đã vào cuộc xác minh và Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đã yêu cầu Công an vào cuộc điều tra. Bởi có dấu hiệu vi phạm đạo đức nhà giáo, nên ngành Giáo dục tỉnh Bình Thuận sẽ có biện pháp xử lý.

Có thể nói rằng, trong bất cứ xã hội nào thì hình ảnh người thầy luôn là một chuẩn mực đạo đức để xã hội noi theo. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định “Có thầy giỏi thì rồi sẽ có phương pháp hay, do đó, sẽ có trò giỏi, còn thầy đã kém thì khó lấy gì bù đắp nổi”. Từ xưa đến nay, trong tiềm thức của mỗi thế hệ học trò luôn lưu giữ truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Thầy là tấm gương sáng để học trò noi theo. Thế nhưng, khi hành động của người giáo viên đã “lệch chuẩn” thì đồng nghĩa với việc những lời giảng dạy dù là bài học trong sách vở hay về cuộc sống cũng sẽ rất khó để học sinh tiếp thu.

Để xảy ra những vụ việc nói trên, theo các chuyên gia, các nhà tâm lý giáo dục thì lỗi lớn nhất chính là ở mỗi bản thân những người thầy, cô giáo. Những người làm công việc “đưa đò” nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm, quyền hạn của mình; chưa có ý thức giữ gìn phẩm chất, đạo đức, danh dự nhà giáo; thiếu kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng xử lý tình huống, dẫn đến có những hành vi thiếu tính giáo dục, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo.

Bên cạnh đó, một số cán bộ quản lý cơ sở giáo dục năng lực còn yếu kém, dẫn đến buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát, thiếu bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm của giáo viên, chưa chủ động nắm bắt thông tin để ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình để quản lý, giáo dục học sinh chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả.

Trước những vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc trong dư luận xã hội, vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo, khắc phục tình trạng trên. Theo đó, thực hiện nghiêm túc Nghị định số 80 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Chỉ thị số 1737 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo.

Các tỉnh, thành phố tổ chức thanh, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống các vi phạm về đạo đức nhà giáo. Đồng thời, thường xuyên rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời, không bố trí các giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo đứng lớp, kiên quyết đưa ra khỏi ngành Giáo dục những trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo theo quy định của pháp luật.

.

Phan Tuyết

.