Văn hóa - Giáo dục

Bình xét danh hiệu văn hóa

Đảm bảo khách quan, công bằng, chính xác

08:34, 21/03/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Một giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là việc triển khai bình xét các danh hiệu văn hóa (gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa...) một cách nghiêm túc, chặt chẽ. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, việc xây dựng danh hiệu văn hóa được triển khai sâu rộng, góp phần thúc đẩy phong trào phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tồn tại những bất cập.

Nhà thờ Đại tôn họ Trịnh, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương được công nhận “Dòng họ văn hóa” cấp huyện
Nhà thờ Đại tôn họ Trịnh, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương được công nhận “Dòng họ văn hóa” cấp huyện

Năm 2018, tại Nghệ An, công tác đăng ký, xây dựng, kiểm tra, thẩm định, công nhận và công bố quyết định công nhận, biểu dương suy tôn danh hiệu gia đình văn hoá, làng, bản, khối phố văn hoá được Ban chỉ đạo các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện theo hướng dẫn của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tiếp tục được các huyện, thành, thị triển khai có hiệu quả.

Kết quả, năm qua đã có 676.468/801.008 gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hoá (đạt 84,4%); 318 khu dân cư được công nhận khu dân cư văn hóa, nâng tổng số khu dân cư văn hóa đến năm 2018 là 4.195/5.886 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hoá, đạt 71,2%; 1.499/3.152 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt 47,5%; trong đó có 89 doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 734 dòng họ đạt danh hiệu dòng họ văn hóa; 84 xã đạt “Xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới”; 5 phường, thị trấn đạt “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; 259/480 xã, phường được công nhận “Xã, phường có thiết chế VHTT đạt tiêu chí chuẩn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch”, đạt 53,9%. Nhiều huyện đã chỉ đạo tổ chức tốt việc công bố, đón nhận, tôn vinh các danh hiệu văn hóa trong dịp Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11, có tác dụng lớn trong việc cổ vũ phong trào như: Diễn Châu, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Quỳ Hợp, Yên Thành...

Tại báo cáo kết quả thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2018, Sở Văn hóa Thể thao Nghệ An cũng đã chỉ ra những tồn tại trong quá trình bình xét danh hiệu văn hóa. Theo đó, chất lượng danh hiệu văn hóa một số cơ sở đạt được còn thấp, chưa thực chất, chưa thật sự bền vững; một số thôn, bản còn tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, ô nhiễm môi trường, vấn đề đạo đức, lối sống, nếp sống có nơi, có lúc biểu hiện xuống cấp, đi ngược với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc...

Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung đứng trước những bất cập trong việc bình xét danh hiệu văn hóa. Mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm việc bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 122 của Chính phủ. Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” yêu cầu Bộ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, danh hiệu văn hóa phù hợp với thực tiễn trong thực hiện phong trào; phổ biến những quy định mới trong các nghị định của Chính phủ về văn hóa, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ứng xử văn hóa, văn minh trong gia đình và cộng đồng; phối hợp với ngành Giáo dục phát động phong trào giáo dục văn hóa trong nhà trường, quy tắc ứng xử văn minh cho học sinh, sinh viên...

Về nguyên tắc xét tặng, Nghị định quy định: Việc bình xét, công nhận danh hiệu được xây dựng dựa trên nguyên tắc đảm bảo khách quan, công bằng, chính xác và công khai, thực hiện trên cơ sở tự nguyện và chỉ xét tặng khi hộ gia đình, khu dân cư có đăng ký tham gia.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Hữu Lộc, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao Nghệ An cho biết, theo hướng dẫn của Bộ, đầu năm 2019, Sở chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành, thị, cơ sở tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ Nghị định 122 của Chính phủ để nâng cao chất lượng danh hiệu văn hóa: Gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, xem đó là nền tảng cốt lõi của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Bên cạnh đó, phát huy vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư trong việc thực hiện xây dựng danh hiệu, làm thế nào để việc công nhận danh hiệu văn hóa ngày càng đi vào nề nếp, phản ánh đúng thực chất, góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Phan Tuyết

Các tin khác