Văn hóa - Giáo dục
Xung quanh việc dừng đào tạo trung cấp nghề trong trường THPT
(Congannghean.vn)-Vài năm gần đây, trên địa bàn toàn tỉnh, việc đào tạo trung cấp nghề cho học sinh THPT được triển khai ở nhiều trường THPT (vừa học văn hóa vừa học nghề). Tuy nhiên, năm học 2018 - 2019, việc đào tạo trung cấp nghề trong trường THPT đã dừng lại và không tổ chức tuyển sinh khóa mới.
Việc đào tạo trung cấp nghề trong trường THPT, sau khi kết thúc khóa đào tạo, học sinh vừa có bằng THPT, vừa có bằng trung cấp nghề nên thu hút khá đông học sinh tham gia |
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, những năm qua, nhiều trường THPT đã chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp như phối hợp các trường ĐH, CĐ, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trên địa bàn định hướng việc lựa chọn học nghề của học sinh đã chuyển dần theo hướng phù hợp với phát triển kỹ năng, phục vụ nhu cầu lao động của xã hội. Các trường THPT liên kết với các trường dạy nghề mở các lớp đào tạo cho các em học sinh. Sau khi tốt nghiệp, học sinh vừa có bằng THPT, vừa có bằng trung cấp nghề. Nếu học sinh nào không thi CĐ, ĐH thì các em cũng có thể đi làm, tự kiếm sống mà không cần phải bỏ thời gian ra học nghề nên thu hút đông đảo học sinh quan tâm tham gia, nhất là ở các trường THPT có tỉ lệ học sinh đăng ký xét tuyển CĐ, ĐH thấp.
Vì vậy, các trường như Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An, Trường THPT Nghi Lộc 5 (huyện Nghi Lộc), Trường THPT Mai Hắc Đế (huyện Nam Đàn), Trường THPT Yên Thành 2 (huyện Yên Thành)… sớm triển khai liên kết với một số cơ sở đào tạo nghề cho các em học sinh có nguyện vọng. Qua các khóa đào tạo, nhiều em học sinh đã tìm được công việc ổn định với mức thu nhập khá, phù hợp với năng lực và đam mê của bản thân tại các công ty, khu công nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số trường THPT trên địa bàn, năm học 2018 - 2019, dù nhu cầu học nghề của học sinh vẫn cao, song việc đào tạo trung cấp nghề trong trường THPT đã dừng lại và không tổ chức tuyển sinh khóa mới. Được biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) ban hành Công văn số 2817/LĐTBXH-TCGDNN ngày 13/7/2018 về khuyến khích đào tạo chương trình cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS, trong mục 2 có nêu rõ: “Để nâng cao chất lượng đào tạo, đề nghị các trường không tổ chức đào tạo trình độ trung cấp cho học sinh đồng thời đang theo học tại các trường THPT”.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Sỹ Tuyến, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An cho biết: Việc đào tạo trung cấp nghề trong các trường THPT như hiện nay là chưa đúng quy định. Bởi, căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp số 74/2014/QH13 được Quốc hội ban hành ngày 27/11/2014 và Nghị định 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016, quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, để đảm bảo chất lượng đào tạo trình độ trung cấp nghề trở lên đòi hỏi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đáp ứng được nhiều yếu tố.
Đơn cử như tại Điều 14 (thuộc Chương III, mục 1) Nghị định 143/2016/NĐ-CP quy định: Có cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo phù hợp với ngành, nghề, quy mô và trình độ đào tạo. Cụ thể: Có phòng học; phòng thí nghiệm; phòng, xưởng thực hành, thực tập; cơ sở sản xuất thử nghiệm đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học theo chương trình đào tạo, quy mô đào tạo của từng ngành, nghề. Diện tích phòng học lý thuyết; phòng, xưởng thực hành, thực tập dùng cho học tập, giảng dạy đảm bảo ở mức bình quân ít nhất là 5,5 - 7,5 m2/chỗ học. Có đủ thiết bị đào tạo của từng ngành, nghề đào tạo đáp ứng theo danh mục và tiêu chuẩn thiết bị tối thiểu do Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH quy định…
Mặc dù các trường THPT quan tâm, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất để làm địa điểm học nghề, song hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu trên. Bên cạnh đó, Điều 18 (thuộc Chương III, mục 2) Nghị định 143/2016/NĐ-CP quy định: Cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp phải thực hiện đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong trường hợp: “Mở thêm địa điểm đào tạo mới hoặc liên kết với các tổ chức, cá nhân để tổ chức hoạt động đào tạo ngoài trụ sở chính hoặc phân hiệu”. Tuy nhiên, nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn liên kết đào tạo nghề tại các trường THPT nhưng chưa đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp…
Trước nhu cầu của học sinh mong muốn được học nghề song song với học văn hóa để rút ngắn thời gian đào tạo, ông Hoàng Sỹ Tuyến cho biết: Đối với học sinh có nguyện vọng học trung cấp nghề, các em có thể tham gia học nghề tại các cơ sở dạy nghề đã được cấp phép song song với học văn hóa nhưng phải tách bạch rõ ràng với trường THPT. Riêng các trường cao đẳng, trung cấp nghề muốn tổ chức dạy nghề cho học sinh có thể đăng ký và giảng dạy tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, đáp ứng được các yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy đáp ứng theo danh mục và tiêu chuẩn thiết bị tối thiểu do Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH quy định và phải xin cấp phép bổ sung.
Thu Thủy