(Congannghean.vn)-Phát huy truyền thống hiếu học, hiện nay, dòng họ Ngô Lý Trai ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu có đến 8 người là tiến sĩ và nhiều người thành đạt, giữ các chức vụ cao. Đây cũng là dòng họ duy nhất của cả nước được công nhận kỷ lục Guinness Việt Nam khi có 5 đời liên tiếp đỗ tiến sĩ. Trong đó, 2 cha con cụ Ngô Trí Tri và Ngô Trí Hòa cùng đỗ đại khoa vào khoa thi Nhâm Thìn (năm 1592) đời vua Lê Thế Tông và được ghi danh trong lịch sử khoa cử Việt Nam.
Một góc đền thờ Hoàng Giáp - Thượng thư Ngô Trí Hòa |
Cụm di tích đền thờ Ngô Trí Hòa - Ngô Sỹ Vinh được xây dựng từ thời nhà Lê để tưởng nhớ công lao của 2 bậc hiền tài có công với nước, với dân và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp trung hưng đất nước. Trải qua hàng trăm năm, dưới sự tàn phá của chiến tranh nhưng đền thờ vẫn vững chãi, uy nghi, trường tồn cùng năm tháng. Các ngôi đền được xây dựng theo kiến trúc cổ kính, mang đậm bản sắc của vùng đồng bằng Bắc Trung Bộ. Ngày nay, nơi đây trở thành điểm du lịch tâm linh thu hút du khách thập phương đến tham quan. Đây còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, hiếu học của thế hệ trẻ, là niềm tự hào của quê hương và con cháu trong dòng họ.
Ông Ngô Sỹ Học trao đổi với phóng viên |
Xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu xưa nằm trong tổng Lý Trai, là trung tâm văn hóa của 1 vùng rộng lớn phía Bắc Nghệ An. Dưới các triều đại phong kiến có nhiều người đỗ đạt, làm quan lớn trong triều đình, trong đó có dòng họ Ngô Lý Trai. Thủy tổ của dòng họ là cụ Ngô Công Định, quê ở tỉnh Bắc Ninh. Vào cuối thế kỷ XV, cụ vào khai cơ lập ra dòng họ Ngô, được gọi là họ Ngô Lý Trai. Con cháu của dòng họ có truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt làm quan lớn, đặc biệt là dòng họ có đến 5 đời đỗ tiến sĩ.
Đó là vào năm Nhâm Thìn, Quang Hưng thứ 15 - 1592, Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân Ngô Trí Hòa và Đệ nhị giáp đồng tiến sĩ xuất thân Ngô Trí Tri; năm Bính Tuất Phúc Thái thứ 4 - 1646, Đệ tam giáp tiến sĩ Ngô Sỹ Vinh; năm Giáp Tuất Chỉnh Hòa thứ 15 - 1694, tiến sĩ Ngô Công Trạc; năm Canh Dần Vĩnh Thịnh thứ 6 - 1710, tiến sĩ Ngô Hưng Giáo. Trong đó, 2 cụ Ngô Trí Tri và Ngô Trí Hòa là 2 cha con cùng đỗ đại khoa trong khoa thi Nhâm Thìn (1592); khi đó, cụ Tri 53 tuổi, cụ Hòa 28 tuổi. Lúc vinh quy bái tổ, vua Lê Thần Tông đích thân tặng bức trướng hồng có thêu 10 chữ vàng: “Khoa danh thiên hạ hữu/ Phụ tử thế gian vô”, có nghĩa khoa danh trong thiên hạ thì ai cũng có thể, nhưng 2 cha con cùng đỗ 1 khoa thì chưa thấy bao giờ. Điều này cũng được ghi tại văn bia số 21 ở Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ngoài ra, Đệ tam giáp tiến sĩ Ngô Sỹ Vinh là con trai thứ 2 của cụ Ngô Trí Hòa. Hiếm thấy 1 gia đình nào mà có đến 3 đời cha con, ông cháu đều đỗ tiến sĩ. Điều này thêm một lần nữa khẳng định truyền thống hiếu học của 1 dòng họ khoa bảng đã lưu danh sử sách. Năm 2013, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục tôn vinh “Cha và con cùng đỗ tiến sĩ lần đầu tiên trong 1 khoa thi”.
Cụ Ngô Trí Hòa là người mở đầu cho truyền thống khoa bảng của dòng họ. Sau khi đỗ đạt làm quan, cụ giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều và được phong chức Hoàng Giáp hộ bộ Thượng thư Thái Bảo Xuân Quận công. Ông Ngô Sỹ Vinh được phong chức Lý Hải Hầu. Dưới triều vua Lê Thần Tông, ông được xem là trụ cột của triều đình, hiến nhiều kế hay trị nước, an dân. Ghi nhận những đóng góp của 2 bậc hiền tài, năm 1992, cụm di tích đền thờ Ngô Trí Hòa - Ngô Sỹ Vinh được công nhân di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Kế thừa truyền thống hiếu học của dòng họ, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, con cháu, hậu duệ của dòng họ Ngô luôn có người đỗ đạt, thành tài; mưu trí, dũng cảm trong kháng chiến như đồng chí Ngô Gườm, đồng chí Ngô Ái có công bắn rơi máy bay Mỹ trong trận đánh ngày 3/4/1965 ở khu vực cầu Bùng, xã Diễn Kỷ, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen; pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên là người lái xe tăng 390 tiến vào Dinh Độc Lập trong trận chiến lừng lẫy ngày 30/4/1975…
Hiện nay, dòng họ Ngô Lý Trai có đến 8 người là tiến sĩ, nhiều vị tướng tài trong lực lượng Công an, Quân đội giữ các chức vụ quan trọng, trong đó có tiến sĩ Ngô Quang Xuân, Đại sứ bậc 2, cũng là bố của hoa hậu thế giới người Việt Ngô Phương Lan; Thiếu tướng, PGS.TS Ngô Sỹ Hiền, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Hình sự Bộ Công an…
Nhằm tuyên dương, khích lệ con cháu, hậu duệ dòng họ Ngô Lý Trai phát huy truyền thống hiếu học, hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, Ban khuyến học của dòng họ đều trao tặng “phần thưởng Ngô Trí Hòa” cho các cháu đỗ đại học điểm cao, học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên cũng như những người có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác. Kinh phí của phần thưởng dựa trên nguồn đóng góp của các hộ gia đình trong dòng họ, mỗi hộ 5.000 đồng. Theo đó, mỗi năm, Quỹ khuyến học của dòng họ Ngô thu được từ 6 - 7 triệu đồng. Ngoài ra, hoa hậu Ngô Phương Lan và những người thành đạt cũng ủng hộ, quyên góp để thúc đẩy phong trào hiếu học của dòng họ. |
.