Văn hóa - Giáo dục

Tết cơm mới, nét văn hóa đặc trưng của người Thái

15:25, 24/01/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Lễ mừng cơm mới (chôm khảu mớ) của đồng bào dân tộc Thái ở Nghệ An đã có lịch sử từ lâu đời. Người Thái quan niệm rằng, để có 1 mùa vụ bội thu, ngoài yếu tố con người thì sự phù hộ của đất trời, tổ tiên là rất quan trọng. Lễ mừng cơm mới khép lại 1 chu trình sản xuất, là sự tri ân của gia chủ đối với thần linh, tổ tiên; đồng thời, cầu mong sức khỏe, cầu cho vụ mùa năm sau tươi tốt hơn.

Sau lễ cúng, gia đình quây quần bên nhau, cùng nâng chén rượu nồng
Sau lễ cúng, gia đình quây quần bên nhau, cùng nâng chén rượu nồng

Lễ mừng cơm mới là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái nói chung và người Thái ở Nghệ An nói riêng. Nghi lễ này thường được tổ chức vào 1 lần trong năm, trước mùa gặt. Trước đây, do giống lúa cũ, thời gian sinh trưởng dài nên lúa nương được trồng muộn (khoảng tháng 5 đến tháng 6) và thường gặt vào tháng 10 dương lịch. Vì thế, lễ mừng cơm mới thường được tổ chức vào tháng 10. Hiện nay, giống lúa mới ngắn ngày hơn và do thời tiết thay đổi, khí hậu nóng hơn nên lúa được trồng sớm, khoảng cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 là phải trồng xong (theo đồng bào, nếu trồng muộn hơn thường không được ăn), đến cuối tháng 8 đầu tháng 9 là lúa đã chín. Do đó, lễ mừng cơm mới được tổ chức sớm hơn trước.

Tuy nhiên, vì các nương lúa thường không chín đồng loạt nên những nhà trồng lúa rẫy thường chọn 1 ngày khác nhau để làm lễ mừng cơm mới. Đây là lễ nghi có tính chất gia đình nhưng lại có sức lan tỏa trong cộng đồng, vì nó được tổ chức phổ biến khắp vùng có người Thái sinh sống. Vì vậy, lễ mừng cơm mới thường chỉ diễn ra trong 1 - 2 nhà và cả bản có thể đến chung vui trong ngày này.

Trong 1 chuyến công tác ngược miền núi, chúng tôi có dịp được tham gia lễ mừng cơm mới của gia đình ông Vi Đình Quân trú tại bản Cọc, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương. Gia chủ chia sẻ: “Lễ mừng cơm mới là ngày vui nhất trong năm đối với gia đình và cũng là 1 trong những ngày hội lớn của đồng bào bản địa. Ngoài tên gọi “lễ mừng cơm mới”, người Thái còn gọi tên khác là “Tết cơm mới”, gần giống với Tết Nguyên đán của người Kinh.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tuỳ theo từng gia đình để chọn ngày tổ chức lễ mừng cơm mới cho phù hợp. Đó là những ngày không phải ngày kiêng cữ của gia đình như ngày mất của ông bà, bố mẹ, người thân... Khi thấy lúa trên nương đã chín, gia chủ sẽ chọn thời gian tổ chức lễ mừng cơm mới, sau đó mới tiến hành gặt lúa.

Lễ mừng cơm mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đồng bào Thái, thể hiện ý nguyện bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, trời đất đã che chở, phù hộ cho gia chủ sức khỏe, mùa màng bội thu. Đây là 1 trong những lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc Thái được tổ chức hàng năm vào mùa lúa chín. Nét đặc sắc của lễ hội này là lễ vật dùng để cúng chủ yếu là sản vật sẵn có được trồng từ nương rẫy. Ngoài ra, còn có cá bắt ở suối, thịt thú và các loại thực vật được hái trong rừng...

Ông Lê Hoàng, 1 người am hiểu văn hóa Thái cho hay: Người Thái ăn cái gì, kể cả uống nước mới (chè xanh) cũng phải mời gia tiên, nên ăn cơm mới lại càng không thể bỏ qua. Ngay sau khi lúa bắt đầu chín, các mế, các chị mang gùi ra ruộng (hoặc nương), chọn những bông lúa mẩy nhất gặt hái mang về để chuẩn bị làm lễ mừng cơm mới. Lễ vật dâng cúng là một thành phần đặc biệt không thể thiếu, mỗi lễ vật đều mang những điều thiêng liêng, cao cả, tượng trưng cho lòng biết ơn, tưởng nhớ đến thần linh, tổ tiên.

Trong mâm cúng cơm mới bắt buộc phải có con gà, 2 bát xôi mới hoặc cơm mới, 1 đĩa trầu cau, 1 chai rượu, đặc biệt là phải có gói "moọc". Người Thái có câu: "Lực lan bỏ tàm kin cón, bỏ hón kin cai đằm pang" (Con cháu không dám ăn trước, không thể ăn qua mặt gia tiên). Do vậy, mới có lễ này kính mời gia tiên ăn trước để phù hộ cho con cháu sức khỏe, mùa sau bội thu.

Lúa được hong khô trên bếp lửa
Lúa được hong khô trên bếp lửa

Sau khi lễ vật được chuẩn bị xong, gia chủ sẽ mời thầy mo đến làm lễ. Lễ cúng cơm mới thường diễn ra vào lúc chiều tối, khi mọi người đã đi làm về đông đủ. Lý giải về điều này, các thầy mo cho biết, về ban đêm, “con ma” mới nghe thấy những lời thầy mo truyền tải lòng thành và ý nguyện của gia chủ, bởi vậy cúng ban ngày không thể được.

Lời khấn lễ của thầy mo thường bắt đầu: “Hôm nay ngày lành tháng tốt, gia chủ chúng con có một ít lễ dâng lên các vị thần linh cai quản đất này, cai quản nương rẫy. Kính dâng lên ông bà, tổ tiên đã phù hộ độ trì cho con cái bình yên, khỏe mạnh, trồng nương rẫy được thêm nhiều mùa vụ tốt tươi... Gia tiên được ăn cơm mới cùng với con cháu, kính mong gia tiên phù hộ con cháu sức khỏe để làm ra của cải bằng người, trồng lúa đầy đồng khắp ruộng, mỗi bụi được 1 bó, mỗi bó được 1 gánh, trong nhà có lúa mọc mậm, ngoài nhà có cơm nguội...”. Lời khấn trong lễ cơm mới mỗi nơi có thể khác nhau về câu từ nhưng 2 chủ thể không thể thiếu là tổ tiên và thần linh.

Sau khi phần lễ thành kính được thực hiện xong, người Thái thường dùng từ “Đắng” để thử hạt nếp với dụng ý nói tránh, đánh lừa những con vật như chim, chuột đồng để chúng không phá hoại mùa màng. Khi nếm thử, thầy mo thường mời những người tuổi mèo ăn trước rồi mới đến chủ nhà và người cao tuổi. Sau đó, gia chủ sẽ mời khách ở lại giao lưu, ăn mừng cơm mới với cuộc rượu đang nồng, mâm hát được khơi lên. Các cây hát (khắp) nam, hát (khắp) nữ hát đối nhau cho đến tận sáng.

Ông Vi Văn Mằn trú tại thị trấn Hòa Bình, huyện Tương Dương cho biết: “Mặc dù lễ mừng cơm mới chỉ diễn ra 1 ngày, 1 đêm và gói gọn trong sự quần tụ của 1 dòng họ, nhưng ngày đó là niềm vui trọn vẹn nhất của mọi nhà trong họ, trong bản sau 1 năm làm ăn vất vả để nghỉ ngơi, vui chơi, chế biến sản phẩm nông nghiệp và tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Đó cũng là khoảnh khắc giao cảm của mùa cũ và mùa mới, giữa trời và đất, giữa cõi sống và cõi chết”.

Lễ mừng cơm mới được người Thái coi trọng và gìn giữ từ đời này sang đời khác, bởi nó vừa phản ánh tín ngưỡng tâm linh, vừa biểu hiện nét văn hóa truyền thống đặc trưng, mang tính nhân văn sâu sắc. Đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, thông gia, làng xóm hội ngộ, chung vui, chia sẻ công việc làm ăn, xây dựng gia đình và thắt chặt thêm tình đoàn kết thôn bản, hướng đến 1 cuộc sống đủ đầy. Vì thế, dù công việc bận rộn đến đâu, con cháu vẫn cố gắng sắp xếp thời gian về sum vầy cùng gia đình trong lễ mừng cơm mới. Đặc biệt, người Thái không làm giỗ người đã khuất vào ngày mất. Hằng năm, nhân ngày làm lễ mừng cơm mới, ngày làm vía cũng như các ngày lễ khác, gia chủ sẽ mời người đã khuất về chia vui cùng con cháu.

Đức Thắng

Các tin khác