Văn hóa - Giáo dục
Cơ hội việc làm của các ngành báo chí, sư phạm, du lịch?
09:26, 22/01/2019 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Đó là một trong những câu hỏi của các em học sinh lớp 12 tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2019 tại Trường THPT chuyên ĐH Vinh vừa qua. Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học- Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Sở GD&ĐT và Tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.
Tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2019 có TS Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT); Ths Hoàng Thúy Nga, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT); ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cùng đại diện khối trường Công an - Quân đội và sự góp mặt của các chuyên gia đến từ nhiều trường đại học lớn đã trực tiếp cung cấp những thông tin chính thức và mới nhất về Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019. Đặc biệt, năm nay có sự tham gia của 25 học viện, các trường đại học với 40 gian tư vấn riêng.
Đại úy Nguyễn Mạnh Tuấn, Trợ lý tuyển sinh, Cục Đào tạo Bộ Công an giải đáp những câu hỏi của các em học sinh về công tác tuyển sinh vào các trường Công an |
Phát biểu tại chương trình, GS.TS Thái Văn Thành, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh mong muốn học sinh đặt nhiều câu hỏi, nêu nhiều thắc mắc để trên cơ sở giải đáp của các thầy, cô, các em sẽ có đủ thông tin, hiểu rõ các quy định về Kỳ thi THPT quốc gia, những kiến thức cần thiết để chuẩn bị lựa chọn ngành nghề đăng ký vào đại học, cao đẳng, chọn công việc tương lai phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân và điều kiện gia đình.
Tại chương trình, rất nhiều câu hỏi thể hiện nỗi băn khoăn, lo lắng của các em học sinh cuối cấp như: Về chỉ tiêu các ngành nghề, cơ hội việc làm sau khi ra trường sẽ như thế nào? Học nghề hay học đại học, lương bên nào cao hơn? Mức lương sau tốt nghiệp của sinh viên trường nghề có bị “lép vế” quá so với người có bằng đại học? Trả lời những câu hỏi này, ông Đỗ Văn Giang khẳng định, học nghề hay học đại học thì mỗi học sinh đều phải trang bị kiến thức, kỹ năng, tâm thế và phù hợp với năng lực, đam mê của mình. Tại các trường nghề, đào tạo nghề có đặc trưng nổi bật gắn kết với doanh nghiệp, gần với yêu cầu nhân lực của doanh nghiệp.
Vì vậy, giúp học sinh, sinh viên chủ động trong việc gia nhập thị trường lao động. Thực tế, nhiều học sinh, sinh viên trường nghề đã được doanh nghiệp nhận vào làm việc ngay khi chưa tốt nghiệp ra trường. Còn về mức lương, tại các cơ quan Nhà nước sẽ theo quy định về thang bảng lương; còn tại các doanh nghiệp tư nhân, mức lương thường được trả theo khả năng đáp ứng vị trí việc làm của mỗi người. Năm 2018, tổng kết hệ thống giáo dục nghề nghiệp cho thấy, gần 80% sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay. Mức lương của các em sau tốt nghiệp trung bình từ 7 - 9 triệu đồng, có trường hợp mức lương từ 15 - 20 triệu đồng. “Việc lựa chọn nghề đúng với đam mê, năng lực sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc mở ra các cơ hội nghề nghiệp phù hợp”, ông Giang nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cơ hội việc làm của các khối ngành báo chí, nhân văn và du lịch cũng được các em học sinh quan tâm. Đáp lại những thắc mắc, lo lắng này, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Trung bình 1 năm cần 40.000 nhân lực ngành du lịch, trong khi hiện các trường đào tạo về du lịch bậc đại học (gồm học hệ liên thông) chỉ chiếm khoảng 1.800 sinh viên/năm, tính cả hệ cao đẳng khoảng 4.000 sinh viên/năm.
Do đó, nhân lực ngành du lịch chủ yếu tuyển ngang từ ngành khác. Nếu sinh viên chọn ngành du lịch khách sạn thì cơ hội việc làm rất cao. Trong khi đó, 1 học sinh hỏi học báo chí hiện nay chỉ có “con ông cháu cha” mới xin được việc làm? PGS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết, học báo chí không phải chỉ làm việc trong các tòa soạn báo mà còn làm việc ở nhiều lĩnh vực khác, ví dụ như làm lĩnh vực truyền thông, tổ chức sự kiện cho các công ty, doanh nghiệp… Vì thế “chỉ cần có năng lực chuyên môn và kỹ năng mềm cần thiết thì vẫn có thể có công việc tốt và thành công”.
Một số thí sinh tỏ ra lo lắng về cơ hội việc làm của các ngành sư phạm, TS Trần Bá Tiến, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Vinh cho biết, hiện nay ở nhiều tỉnh, thành đang có tình trạng thừa, thiếu giáo viên. Song trên thực tế, nhiều môn học, bậc học vẫn thiếu nhiều giáo viên. Trong thời gian tới, khi các trường thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, một số môn học mới cũng sẽ cần mở rộng đào tạo. Việc thu hút người giỏi vào ngành sư phạm cũng sẽ được các trường chú trọng hơn. “Giáo viên đào tạo cho bậc mầm non, tiểu học hiện vẫn thiếu nhiều, sinh viên ra trường hầu hết đều được nhận hết”, thầy Tiến khẳng định.
Ngoài ra, rất nhiều thí sinh quan tâm và đặt các câu hỏi tới các trường Công an như: Mắt cận thì có được thi vào khối ngành Công an hay không? “Sơ tuyển vào trường An ninh như thế nào? Đại úy Nguyễn Mạnh Tuấn, Trợ lý tuyển sinh, Cục Đào tạo Bộ Công an thông tin rằng, năm 2019, Bộ Công an tiếp tục cho phép thí sinh cận thị được phép khám sức khỏe để xét tuyển vào các trường Công an nhân dân.
Tuy nhiên, thí sinh phải cam kết chữa trị nếu trúng tuyển. Vào khoảng đầu tháng 3/2019, Bộ Công an sẽ tổ chức Hội nghị tuyển sinh Công an nhân dân và thông tin lên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp các thí sinh nắm được thời gian cụ thể, liên hệ với Công an thành phố, huyện, thị trấn, thị xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để làm các thủ tục đăng ký, sơ tuyển. Giải đáp câu hỏi “Các trường Công an tuyển bao nhiêu chỉ tiêu và bao nhiêu chỉ tiêu dành cho nữ?”, Đại úy Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, chỉ tiêu từng trường, từng ngành cụ thể và chỉ tiêu dành cho nữ của các trường Công an nhân dân hiện nay đang trình lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, chúng tôi sẽ chính thức công bố về chỉ tiêu trên các phương tiện thông tin đại chúng để học sinh có thể cập nhật thông tin.
THU THỦY