(Congannghean.vn)-Đầu thế kỷ 20, dân tộc Việt Nam còn phải sống trong sự thống trị tàn bạo của chủ nghĩa thực dân Pháp và chế độ phong kiến suy tàn. Khát vọng độc lập dân tộc và phát triển đất nước đã thúc đẩy nhiều phong trào đấu tranh của nhân dân ta nổi dậy chống chủ nghĩa thực dân. Nhưng những phong trào đấu tranh đó đều không thành công vì thiếu một đường lối đúng. Mùa xuân 1930, kế thừa Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và các tổ chức tiền thân, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời, đánh dấu bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Đó là Đảng cách mạng chân chính do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, đã kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, đề ra cương lĩnh đúng đắn đưa cách mạng Việt Nam ra khỏi sự bế tắc, khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo.
89 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong lãnh đạo của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam - đã lãnh đạo nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử và thời đại; từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và thế giới. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đất nước ta từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, vượt khỏi ngưỡng 1 quốc gia còn mức thu nhập trung bình.
Mừng Xuân Kỷ Hợi 2019, mừng Đảng ta 89 mùa xuân, mỗi người dân Việt Nam vô cùng tự hào về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, về dân tộc Việt Nam anh hùng dưới sự lãnh đạo và dẫn dắt của một Đảng Cộng sản không sợ kẻ địch nào dù cho chúng hung tợn đến mấy, không sợ nhiệm vụ nào dù nặng nề, nguy hiểm đến mấy, sẵn sàng vui vẻ làm tôi tớ trung thành của nhân dân, một lòng phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc và đã làm nên những kỳ tích trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ năm 1930 đến nay và mãi về sau, ngày 3/2 hàng năm đã trở thành ngày lịch sử trọng đại của dân tộc. Hướng tới ngày này, mọi người dân Việt Nam từ miền ngược đến miền xuôi, từ đất liền đến biên giới hải đảo, từ trong nước đến kiều bào ta ở nước ngoài đều thi đua lập công mừng sinh nhật của Đảng. Mọi người dân luôn khắc dạ ghi lòng, biết ơn sâu sắc các chiến sỹ cộng sản tiền bối đã hy sinh xương máu trong lao tù, trong các chiến tuyến để mang lại độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Mỗi kỳ đại hội Đảng các cấp đến Đại hội Đảng toàn quốc, toàn dân luôn hướng về với tất cả niềm tin và hy vọng từ những quyết sách của Đại hội, đưa đất nước ngày càng phát triển, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh để gánh vác trọng trách trước sứ mệnh lịch sử của dân tộc.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Trước lúc đi xa, trong di chúc thiêng liêng, Người đã viết: “Trước hết nói về Đảng - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Người căn dặn: “Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng luôn chăm lo đến công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta đã triển khai mạnh mẽ, quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng. Nó là quốc nạn, là hiểm họa làm băng hoại quốc gia, là kẻ thù làm suy vong dân tộc. Cách đây gần 300 năm, nhà bác học Lê Quý Đôn từng viết trong tác phẩm danh tiếng “Quần thư khảo biện” của ông rằng: Tham nhũng là một trong những nguy cơ làm mất nước: Một là trẻ không kính già, hai là trò không trọng thầy, ba là binh kiêu tướng thoái, bốn là tham nhũng tràn lan, năm là sĩ phu ngoảnh mặt. Hơn 70 năm trước, khi chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta chưa đầy 5 tháng, vào ngày 26/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Quốc lệnh” thư kết tinh quyết tâm của Người, tại 8 điều phạt rằng: “Trộm cắp của công sẽ bị xử tử”. Có thể nói như ông cha từ ngàn xưa rằng, nếu có cái gì đó làm chúng ta tiêu vong, thì trước hết không phải là cái gì khác mà chính là nạn tham nhũng, lãng phí.
Để tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở rộng hội nhập, đưa đất nước phát triển bền vững thì việc tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một trọng trách cấp bách, to lớn và nặng nề, một vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với Đảng, Nhà nước, một mệnh hệ sinh tử đối với chế độ xã hội ta. Trong tình hình đó, nghị quyết “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” được Hội nghị Trung ương 3 khóa X thông qua và các nghị quyết tiếp theo, thể hiện quyết tâm chính trị không thể lay chuyển, một quyết định mạnh mẽ và triệt để của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, vì sự phát triển phồn vinh và bền vững của đất nước trên con đường xã hội chủ nghĩa. Thực hiện các nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa IX và việc ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong những năm qua, cuộc đấu tranh này đã được tăng cường và đạt một số kết quả nhất định. Nhiều vụ tham nhũng lớn phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng bị phát hiện, xử lý kiên quyết; những cán bộ sai phạm, trong đó có những cán bộ cấp cao đã bị xử lý nghiêm minh theo kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước, bước đầu tạo được niềm tin trong nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Mặc dù vậy, phải thừa nhận rằng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, chưa tạo được chuyển biến cơ bản tình hình. Điều đáng nói là, một số cấp ủy, đơn vị buông lơi, coi nhẹ cuộc đấu tranh này. Tệ tham nhũng, lãng phí vẫn còn rất nghiêm trọng, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn, tính chất rất phức tạp, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm. Thậm chí, đáng báo động và nguy hiểm hơn là, tệ tham nhũng, lãng phí còn xảy ra cả trong lĩnh vực thực hiện chính sách xã hội, trợ giúp người nghèo, vùng nghèo, những người thuộc diện chính sách xã hội... với những thủ đoạn tinh vi, hậu quả hết sức nghiêm trọng, khôn lường. Tất cả những điều đó đã làm thất thoát một lượng tài sản lớn của Nhà nước và nhân dân, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng các dự án, các công trình xây dựng, làm xấu đi môi trường kinh tế, xã hội...
Bất luận trong hoàn cảnh nào, nhân dân ta vẫn một lòng trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, một lòng đi theo Đảng, ý Đảng là lòng dân, giữ vững ý chí chiến đấu, đánh thắng cả ngoại xâm và nội xâm, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đất nước, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, xây dựng đất nước giàu mạnh, sánh vai các cường quốc năm châu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.