Còn nhớ, khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật An ninh mạng, đã có không ít cá nhân, tổ chức, đặc biệt là các nhà “dân chủ mạng” hùa theo, răn đe rằng, nếu đưa quy định đặt máy chủ hay văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam thì các hãng như Google, Facebook… sẽ rút chạy, bỏ người tiêu dùng “bơ vơ”!?
Có thông tin truyền thông còn trích dẫn ý kiến nói rằng, GDP cũng sẽ bị thâm hụt tới 1,7% - một con số khiến nhiều người choáng!
Đến nay, khi Luật đã được Quốc hội thông qua và sắp có hiệu lực từ đầu năm tới, những luận điệu này vẫn chưa phải đã dừng, nhiều trang mạng vẫn viện dẫn những ý kiến kêu gọi tẩy chay đạo luật, phê phán các nhà làm luật đã “kéo lùi lịch sử”.
Giữa an ninh mạng, quyền con người trên không gian mạng và việc đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông dù lợi ích khác nhau song luôn có mối quan hệ biện chứng. Không thể có đầu tư làm ăn mà chỉ chạy theo thị trường, chạy theo lợi nhuận, bất chấp luật pháp, lợi ích người dân.
Google, Facebook... không lạc điệu như cách nghĩ của các nhà “dân chủ mạng” |
Dù là không gian mạng hay trong đời sống xã hội sản xuất kinh doanh thường ngày, đây là vấn đề có tính nguyên tắc, không có sự ngoại lệ nào trên không gian mạng để đưa cái mũ nhân quyền, tự do internet lên che đậy cả.
“Dân chủ mạng” lên tiếng lo thay cho doanh nghiệp, lo thay cho đất nước “sẽ sụt giảm GDP 1,7%”, vậy kỳ thực thì doanh nghiệp nghĩ gì? Những diễn biến vừa qua cho thấy, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông không hề nghĩ như các nhà “dân chủ mạng”, không lạc điệu như vậy.
Dẫn chứng là, chiều 11-12-2018, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp ông Kent Walker, Phó Chủ tịch Tập đoàn Google (Mỹ) sang thăm và làm việc với các bộ, ngành và địa phương của Việt Nam. Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Tập đoàn Google Kent Walker cho biết đã được tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ tại Việt Nam, thấy khích lệ về mức độ ứng dụng công nghệ của họ và tham vọng của Chính phủ trong đào tạo 1.000 kỹ sư công nghệ chất lượng quốc tế.
“Đây là thông tin rất thú vị với chúng tôi và chúng tôi coi Việt Nam là đối tác tốt của Google trong khởi nghiệp sáng tạo”- ông Walker nói. Trái với các luận điệu nói rằng, Google đang “rất lo lắng” khi Luật An ninh mạng sắp có hiệu lực, Phó chủ tịch Google đánh giá cao cách tiếp cận của Chính phủ Việt Nam trong phát triển ở hai phương diện tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi và thúc đẩy hợp tác đa phương.
Về việc triển khai Luật An ninh mạng tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đánh giá cao sự hợp tác của Google với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bên liên quan trong đảm bảo an toàn, an ninh mạng và góp ý xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành luật.
Đây là điều kiện cần và đủ để tạo môi trường phát triển thuận lợi không chỉ cho lĩnh vực công nghệ thông tin mà còn cho các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, góp phần xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi của Việt Nam.
“Tôi cho rằng, với lợi thế về thị trường và khả năng thích ứng của nguồn nhân lực trẻ đủ để tạo nên sức hấp dẫn cho Google mở văn phòng đại diện tại Việt Nam”- Phó Thủ tướng khẳng định. Phó Chủ tịch Kent Walker cho biết, Google đang tìm hiểu các bước để mở văn phòng đại diện tại Việt Nam trên nguyên tắc chung của tập đoàn này là bảo đảm các quy định ở các nước sở tại không trái với cam kết quốc tế.
Ông Kent Walker cũng bày tỏ đồng tình với Chính phủ Việt Nam trong việc bảo đảm an ninh mạng, góp phần xây dựng một xã hội ổn định, chan hoà và khẳng định Google sẽ phối hợp với các cơ quan, hướng tới đáp ứng các mục tiêu này.
Google khẳng định quan điểm rõ ràng như vậy, còn Facebook? Hồi tháng 9-2018, bên lề Hội nghị WEF ASEAN 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Phó Chủ tịch về chính sách công tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Facebook, ông Simon Milner.
Tại cuộc gặp này, ông Simon Milner khẳng định Facebook sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trên các lĩnh vực liên quan trong kỷ nguyên số. Ông Simon Milner cho biết, Facebook hiện cũng đang triển khai một số hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam như hỗ trợ doanh nghiệp nữ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, Facebook cũng tham gia hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, công dân số và hoạt động của các công ty khởi nghiệp… Ngoài ra, Facebook cũng hỗ trợ cho cộng đồng lập trình tại Việt Nam.
Ông Simon Milner khẳng định, Facebook sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam về những vấn đề mà nhiều quốc gia đang gặp phải, nhất là an ninh mạng để hai bên cùng thảo luận, định hình những biện pháp khắc phục, xử lý sao cho phù hợp với mỗi quốc gia.
“An ninh mạng là yếu tố quan trọng để bảo đảm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đây cũng là nội dung góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam” – ông nói.
Trao đổi thêm với Facebook tại buổi tiếp, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, hai bên cho rằng, cũng như những doanh nghiệp khác, sự thịnh vượng của Facebook song hành với sự thịnh vượng của Việt Nam. Facebook cũng như bất kỳ doanh nghiệp nào kinh doanh tại Việt Nam thì đều phải tuân thủ luật pháp Việt Nam như nghĩa vụ đóng thuế, tuân thủ các yêu cầu về bảo đảm an ninh, xây dựng không gian mạng lành mạnh.
Như vậy, các nhà lãnh đạo Google, Facebook đều thiện chí và khẳng định việc kinh doanh, đầu tư gắn liền với việc đảm bảo an ninh mạng, tuân thủ luật pháp quốc tế, luật pháp quốc gia. Là những doanh nghiệp cung cấp viễn thông lớn mang tầm quốc tế, rõ ràng họ hiểu nguyên tắc có tính biện chứng giữa lợi nhuận, uy tín và luật pháp mà Việt Nam là thị trường đầy triển vọng.
Rõ ràng, không có sự “rút chạy” nào cả, cũng không có sự “bất hợp tác” hay “kéo lùi lịch sử” nào như luận điệu của những người đang khoác áo “dân chủ”. Xin nhắc lại quan điểm của Tiến sĩ, Luật sư Vũ Văn Tính - Giám đốc Công ty Luật LT & Cộng sự rằng, lo ngại “rút chạy” như vậy là quá thừa.
Với tư cách là tiến sĩ nghiên cứu tại Pháp, ông Tính cho rằng, việc đảm bảo an ninh mạng, trong đó doanh nghiệp ngoài nước phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam là rất cần thiết để hoạt động trên mạng xã hội được đúng hướng hơn. Việc an toàn thông tin, an ninh quốc gia phải được đặt lên hàng đầu, do đó điều luật này là hoàn toàn phù hợp trong tình hình công nghệ phát triển và đất nước hội nhập hiện nay. “Không thể nói mạng xã hội là thế giới thích làm gì thì làm được.
Việc Facebook và Google hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam là hoàn toàn chính xác. Nếu việc dùng mạng xã hội một cách thiếu kiểm soát, rất dễ biến thành công cụ lợi dụng bôi nhọ người khác. Những thông tin bịa đặt, lừa đảo, văn hóa phẩm đồi trụy tràn lan trên các mạng xã hội như vậy không thể không kiểm soát được” – luật sư Tính phân tích.
Thực tế, chính các nước phương Tây đã áp dụng những biện pháp như vậy đối với các mạng xã hội từ lâu, nay Việt Nam mới áp dụng là muộn so với họ nên không thể nói là “quy định riêng biệt”! Trước kia, Đức đã từng phạt Facebook, Google vì vi phạm pháp luật nước này.
Từ những diễn biến như vậy, các doanh nghiệp này đã tìm cách điều chỉnh để phù hợp với luật pháp nước sở tại. Không nước nào làm luật lại “chạy theo” lợi ích doanh nghiệp như vậy.
Theo khảo sát của Công ty Vinalink, năm 2015, Facebook dẫn đầu về doanh thu quảng cáo trực tuyến tại thị trường Việt Nam với 3.000 tỉ đồng, Google thu 2.200 tỉ đồng; phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp Việt với khoảng 1.900 tỉ đồng nhưng trong đó có những doanh nghiệp có vốn FDI, hoặc 100% vốn FDI.
Rõ ràng Google, Facebook xác định Việt Nam là thị trường lâu dài và với uy tín, kinh nghiệm lâu năm của mình, họ biết điều chỉnh cho phù hợp, tuân thủ các nguyên tắc trong kinh doanh giống như ở bất kỳ quốc gia nào, không có chuyện họ “doạ rút” như những kẻ chống phá rêu rao.
.