Văn hóa - Giáo dục

Đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dạy và học

08:50, 18/12/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Với mục tiêu phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm tăng cường đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
 
Huy động xã hội hóa giáo dục
 
Trong điều kiện kinh tế khó khăn, ngân sách chi cho giáo dục còn khiêm tốn thì việc huy động nguồn lực từ nhân dân được xem là giải pháp đem lại hiệu quả tích cực. Để làm được điều đó, thời gian qua, Nghệ An luôn chú trọng tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành về quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện tại các cơ sở giáo dục; vận động xã hội hóa giáo dục bằng nhiều biện pháp sáng tạo thông qua nhiều kênh, trong đó chú trọng hoạt động giao lưu, trực tiếp tìm kiếm, thu hút nguồn đầu tư, đối tác đầu tư, kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân. 
Niềm vui của lãnh đạo tỉnh, giáo viên và học sinh Trường THPT chuyên                 Phan Bội Châu trong ngày đón học sinh đạt giải tại Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế trở về
Niềm vui của lãnh đạo tỉnh, giáo viên và học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu trong ngày đón học sinh đạt giải tại Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế trở về
Hiệu quả từ hoạt động xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã được khẳng định, với việc hệ thống trường lớp ngày càng được quan tâm đầu tư, xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và nhân dân, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh đến trường học tập. Theo đó, trong năm học 2017 - 2018 đã có 17 dự án tại các nhà trường hoàn thành, chờ bàn giao đưa vào sử dụng, với tổng mức đầu tư 50,914 tỉ đồng; đã triển khai khởi công thêm 46 trường, với tổng mức đầu tư 28,568 tỉ đồng. Bên cạnh đó, sử dụng nguồn xã hội hóa để bổ sung trang thiết bị dạy học, xây dựng cảnh quan trường học. Đặc biệt, chỉ đạo toàn ngành triển khai rà soát, đánh giá thực trạng các công trình vệ sinh trường học để xây dựng phương án bổ sung, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu trong dịp hè 2018.  Ngoài ra, chỉ đạo sử dụng các nguồn lực đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia, từ xã hội hóa giáo dục được ưu tiên cho mục tiêu xóa phòng học tạm, bổ sung phòng học thiếu ở các cấp học. Đến nay, toàn tỉnh có tổng số 30.015 phòng học, trong đó có 22.279 phòng học kiên cố, 6.521 phòng bán kiên cố, 1.215 phòng tạm, mượn.
 
Nâng cao chất lượng dạy và học
 
Năm 2018, tranh thủ mọi nguồn lực, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục, chăm sóc của từng cơ sở giáo dục. Theo đó, công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp, dạy nghề có tiến bộ vượt bậc. Chất lượng phổ cập, xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh đã được khẳng định bền vững. Đến nay, có 21/21 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn xóa mù chữ.
 
Về giáo dục mầm non: Ổn định quy mô số trường công lập; phát triển quy mô nhóm lớp mầm non ngoài công lập ở vùng thuận lợi. Năm học 2017 - 2018, có 40 trường mầm non ngoài công lập đã hoạt động và 8 trường đang trong giai đoạn đầu tư, tăng 5 trường so với năm học 2016 - 2017. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ tiếp tục được củng cố; giáo viên đã quan tâm tổ chức các hoạt động ở khu sân chơi, khu vực trải nghiệm ngoài trời, các góc phòng học sinh động, hấp dẫn đối với trẻ.
 
Với giáo dục tiểu học: Tích cực chỉ đạo mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày, có 258.715 học sinh được học 2 buổi/ngày, đạt tỉ lệ 98,9% học sinh toàn tỉnh. Chuẩn bị các điều kiện để mở rộng quy mô dạy học ngoại ngữ chương trình phổ thông 10 năm, có 432 cơ sở giáo dục thực hiện, đạt tỉ lệ 80,0%; có 126.855 học sinh học ngoại ngữ chương trình phổ thông 10 năm từ lớp 3, đạt tỉ lệ 82,8%; duy trì và phát huy việc dạy học theo tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, với 561/562 cơ sở giáo dục tiểu học tham gia. Ngoài ra, tại các trường học đã tổ chức được các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh như: Tổ chức cho học sinh đi tham quan các di tích lịch sử, văn hóa; đẩy mạnh các hoạt động đưa dân ca vào trường học; tích cực tham gia Hội khỏe Phù Đổng các cấp.
 
Năm qua, giáo dục trung học đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Trong đó, thực hiện các chủ đề dạy học tích hợp, liên môn; dạy học lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống trong các môn học; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, ứng dụng thực tế, triển khai mô hình giáo dục trong nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh của địa phương; tích cực tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật; sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào dạy học, tham gia tốt các hoạt động chuyên môn trên trang mạng “Trường học kết nối” với 512 trường. Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả nhiều dự án, mô hình, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học; quan tâm đúng mức dạy học ngoại ngữ, tin học; chú trọng việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. 
 
Năm học 2017 - 2018, Nghệ An tiếp tục giữ vững thành tích là một trong những tỉnh tốp đầu cả nước về chất lượng học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế. Theo đó, có 89 em đạt học sinh giỏi quốc gia, 9 học sinh được tham gia thi vòng 2 và có 1 học sinh môn Hóa được chọn vào đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế. Là đơn vị chủ nhà, Nghệ An đã chọn được 18 dự án xuất sắc (14 dự án thuộc bậc THPT và 4 dự án bậc THCS) tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Kết quả, có 9 dự án đạt giải, đoàn Nghệ An được xếp thứ 2 khu vực phía Bắc. Tại Hội thi giải toán bằng tiếng Anh, Hà Nội mở rộng, với 4 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc và 4 Huy chương Đồng, Nghệ An là tỉnh xếp thứ 2 toàn quốc ở khối THPT. Ngoài ra, Nghệ An là 1 trong 10 tỉnh xuất sắc được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen tại cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”. 
 
Như vậy, có thể khẳng định, với nhiều đổi mới mang tính đột phá và sáng tạo, năm 2018, ngành GD&ĐT Nghệ An đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ghi dấu những thành công nổi bật trong việc đổi mới quản lý, huy động nguồn xã hội hóa, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Phan Tuyết

Các tin khác