Văn hóa - Giáo dục
Sự kiện và suy ngẫm
Nêu gương phải đi vào thực chất để không ngừng nâng cao lòng tin
07:59, 26/11/2018 (GMT+7)
Quy định số 08–QĐ/TW, ngày 25-10-2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng đã được ban hành gần tháng nay.
Quy định ra đời trong thời điểm công tác xây dựng Đảng nói chung, xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược cũng như cán bộ các cấp nói riêng đang đặt ra những yêu cầu quan trọng và cấp bách, liên quan đến bảo vệ thành quả cách mạng, đến sự vượng suy của Đảng ta. Đó là điều mà toàn Đảng, toàn dân ta mong chờ.
Qua gần một tháng triển khai thực hiện đã đem lại những kết quả bước đầu rất đáng phấn khởi. Điểm nổi lên là những kết quả bước đầu ấy đã nói lên rằng so với những quy định trước đây có liên quan đến vấn đề nêu gương của cán bộ đảng viên thì quy định lần này thể hiện một tinh thần mới là: Toàn diện, cụ thể, quyết liệt và thực chất hơn, khiến cán bộ đảng viên cũng như quần chúng nhân dân tin tưởng tính khả thi cao hơn. Ban Chấp hành Trung ương đã thể hiện là vai trò đi đầu của mình với việc ra đời Ban chuẩn bị cho công tác nhân sự Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp tới. Với mục tiêu là lựa chọn, bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ chiến lược đủ đức, đủ tài, thực sự gương mẫu. Kiên quyết không đưa vào những người có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, tham nhũng.
Đó là những tiêu chí rất rõ ràng. Lựa chọn được đội ngũ cán bộ chiến lược như vậy sẽ bảo đảm tính nêu gương như Quy định 08 của Trung ương đã đề ra.
Các đoàn cán bộ của Bộ Chính trị cử đã lần lượt đi về các địa phương, các bộ, ngành để kiểm tra việc thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và kiểm tra về công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, đấu tranh chống suy thoái, tham ô, tiêu cực. Sự kiểm tra thường xuyên đó đã giúp cho việc nắm tình hình, phát hiện những cách làm hay và xử lí kịp thời những sơ hở, yếu kém ở các cấp từ đó rút ra được những bài học cho công tác xây dựng Đảng nói chung, cho vấn đề nêu gương của cán bộ đảng viên nói riêng.
Ban chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng của Trung ương tiếp tục chỉ đạo việc phát hiện, điều tra, xác minh, kết luận và xử lí những vụ án lớn. Nhất là những vụ án tham nhũng kinh tế, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn đề tham ô, tiêu cực, vụ lợi gây thất thoát lớn cho Nhà nước, trong đó có nhiều vụ án liên quan đến cán bộ cao cấp của Trung ương và địa phương, thể hiện rõ không có vùng cấm trong đấu tranh với loại tội phạm này.
Trung ương đã kiên quyết xử lí kỉ luật nghiêm khắc đối với đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đi ngược lại với quan điểm và đường lối của Đảng. Các vụ án lớn được thông tin công khai từ khâu phát hiện, điều tra đến xét xử đã khiến cho đảng viên và quần chúng nhân dân thấy rằng chưa lúc nào như lúc này kỷ luật Đảng, kỉ cương phép nước được đưa lên đúng mức. Điều này đã có tác động lớn đến tình hình chung, đó là “lò” chống suy thoái, tham nhũng tiêu cực đã được “đun nóng” ở cấp cơ sở, bước đầu khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.
Nhiều vụ án tiêu cực tham nhũng ở cơ sở, ở các địa phương đã được phát hiện, nhiều cán bộ quan chức cấp tỉnh, thành phố, huyện, thị có liên quan đã bị kỷ luật Đảng và pháp luật nhà nước sờ gáy. Nhất là những vụ tham ô, vụ lợi qua đấu thầu dự án, quản lí đất đai, thực hiện chính sách xã hội. Sự nghiêm minh của kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước thể hiện trong việc xử lí các vụ án trên đang tạo niềm tin lớn trong cả nước.
Công tác tuyên truyền cũng đã góp phần vào kết quả bước đầu đáng phấn khởi ấy. Báo chí, truyền hình và các phương tiện truyền thông khác đã chú ý tuyên truyền đi vào thực chất hơn, góp phần khắc phục yếu điểm trước đây là nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm thậm chí có nơi còn ngược chiều nhau, quần chúng giảm lòng tin.
Lần này tuyên truyền đi thẳng vào những việc làm cụ thể, những gương sáng cụ thể, chẳng hạn một đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy mà tận tâm với công tác, sinh hoạt lại rất giản dị, đời thường. Tuy là chuyện cũ nhưng gương sáng thì không bao giờ mờ. Nhiều gương tận tụy với công tác, vượt qua những khó khăn về cuộc sống như những giáo viên ở vùng cao, hiểm hóc đèo dốc đã hết lòng vì công việc trồng người, gương những cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội truy bắt tội phạm, cứu dân trong hoạn nạn thiên tai, những tấm lòng nhân ái trong xóa đói giảm nghèo, trong trị bệnh cứu người…
Những tin tức và hình ảnh được tuyên truyền hằng ngày và kịp thời đã góp phần tạo nên sức bật của sự nêu gương trong xã hội. Cần phải tuyên truyền nhiều hơn nữa, tôn vinh cao hơn phẩm chất nêu gương để nó trở thành điểm sáng đối với cuộc sống hằng ngày.
Mặt khác chúng ta đã chú ý tuyên truyền về kết quả đấu tranh chống suy thoái, tiêu cực, tham nhũng. Đưa tin kịp thời các vụ việc tiêu cực, khắc phục tình trạng dư luận đi trước báo chí. Đi sâu phân tích về sự dắt dẫn của những sai phạm đó. Những lời xin lỗi, những bộc bạch về nguồn gốc phạm tội của những người trong cuộc đã được các phương tiện truyền thông chuyển tải đầy đủ. Tuy nhiên nhấn mạnh tính sâu sắc về sự nêu gương của cán bộ đảng viên vẫn còn thiếu, còn dàn trải và có lúc lẫn với việc tuyên truyền người tốt việc tốt.
Nhìn nhận kết quả trên là bước đầu. Triển khai thực hiện quy định về nêu gương của cán bộ đảng viên là việc khó, phải được tích lũy trong một quá trình. Đòi hỏi toàn Đảng phải thực hiện quyết liệt hơn. Công tác tuyên truyền vì thế cũng cần quyết liệt hơn để quy định về nêu gương ngày càng đi vào thực chất ở mức độ cao hơn góp phần không ngừng nâng cao lòng tin của toàn xã hội.
Nguồn: Phạm Văn Thạch/CAND