Văn hóa - Giáo dục

Câu lạc bộ tranh biện - sân chơi bổ ích cho học sinh

09:03, 26/11/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Việc hình thành các câu lạc bộ (CLB) trong các trường THPT, nhất là CLB tranh biện, tuy còn mới nhưng đã góp phần tạo ra sân chơi bổ ích để mỗi thành viên tự khám phá và thể hiện năng khiếu của bản thân. Không những thế, các em còn được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình trước đám đông; được định hướng, trải nghiệm một phần công việc trong tương lai. Đồng thời, giúp các em tự tin, năng động, hòa đồng hơn và góp thêm sự phong phú cho hành trang tương lai.

1 buổi tranh biện của các thành viên trong Câu lạc bộ PDC Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, TP Vinh
1 buổi tranh biện của các thành viên trong Câu lạc bộ PDC Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, TP Vinh

Được thành lập vào năm 2015, CLB Phan Debate Club (PDC) Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, TP Vinh hiện có gần 40 thành viên sinh hoạt thường xuyên 1 - 2 buổi/tuần. Em Trần Hoài Thương, học sinh lớp chuyên Anh 11C5, Chủ nhiệm CLB PDC cho biết: Tranh biện (Debate) là quá trình tư duy và biểu đạt tư duy bằng cách thu thập, phân tích xử lý thông tin đến xây dựng, hệ thống sắp xếp các lập luận để ra quyết định. Debate được chia làm nhiều loại như: Academic Debate (Tranh biện học thuật), Public Forum (Tranh biện mở), Presidential Debate (Tranh biện Tổng thống Mỹ), Informal Debate (Tranh biện không chính thức) và Debate trong MUN (Một dạng mô phỏng các hội nghị trong Liên hợp quốc). Hiện tại, hoạt động tranh biện của CLB PDC là loại Tranh biện học thuật.

Tìm hiểu và đam mê với tranh biện từ những năm học THCS, Hoài Thương cho biết: Khi nhắc tới tranh biện, không ít người sẽ đánh đồng khái niệm tranh biện với tranh luận, tranh cãi và điều này hoàn toàn không chính xác. Nếu như tranh luận, tranh cãi, các chủ thể, các bên có thể đưa ra ý kiến một cách tùy thích miễn sao ủng hộ quan điểm của mình dù cho thông tin đưa ra có thể đúng, có thể sai. Trong khi với tranh biện, người nói nếu đưa ra ý kiến của mình thì phải giải thích cụ thể và đưa ra dẫn chứng rõ ràng, thông tin chính xác. Mục đích cuối cùng của tranh biện và tranh cãi cũng khác nhau. Nếu tranh cãi là liên tiếp đưa ra các ý kiến, quan điểm để lấn át đối phương, dành chiến thắng cho cá nhân thì tranh biện là nhằm tìm ra giải pháp tối ưu nhất thuyết phục mọi người tin, làm theo vì lợi ích chung.

Hoài Thương chia sẻ: “Cốt lõi của tranh biện là dựa trên cuộc đấu trí, đưa ra các kiến nghị nhằm tìm ra một phương pháp tốt nhất về một vấn đề chứ không phải đặt nặng vấn đề thắng/thua. Đặc biệt, trong tranh biện tuyệt đối không đưa ra các quan điểm “lý sự cùn” và theo lối “ngụy biện””.

Với mong muốn đưa CLB không chỉ phát triển về số lượng mà còn về chất lượng, việc tuyển chọn thành viên hàng năm của CLB PDC được Ban chủ nhiệm thực hiện rất chặt chẽ, thậm chí “khắt khe”. Để được tham gia và trở thành thành viên của CLB PDC, mỗi thành viên phải vượt qua 3 vòng “casting”: Sau khi được tuyển chọn từ vòng nộp đơn tuyển online, các ứng viên sẽ được Ban chủ nhiệm CLB trực tiếp phỏng vấn để kiểm tra “đầu vào” khả năng, tư duy tranh luận và kiến thức nền, sự tương tác của ứng viên đó về một vấn đề xã hội bất kỳ được đưa ra. Và những ứng viên xuất sắc nhất sẽ tiếp tục tranh tài ở vòng làm việc nhóm. Tại vòng cuối cùng này, các ứng viên sẽ được “đấu một trận đấu thực thụ của tranh biện” để tìm ra những “tân binh” mới cho CLB.  

CLB PDC được chia thành 3 Ban: Ban chuyên môn phụ trách xây dựng kho kiến nghị, tìm hiểu tài liệu, chuẩn bị nội dung cho các cuộc tranh biện; Ban truyền thông phụ trách thông tin, poster các cuộc tranh biện cho các thành viên trong CLB và các bạn khác trong trường muốn tham gia và Ban sự kiện. Hoài Thương cho biết, trong một trận tranh biện sẽ có 3 bên gồm: Ban giám khảo, 2 đội tham gia (mỗi đội có 3 người) chia làm đội ủng hộ và đội phản đối, khán giả. Khi bước vào trận đấu, mỗi đội có 2 nhiệm vụ chính là trình bày quan điểm (3 quan điểm tương ứng với 3 lượt nói của 3 thành viên, quan điểm của thành viên thứ 2 và thứ 3 không được trùng vào quan điểm của thành viên thứ nhất đã trình bày) và hỏi đáp thông tin giữa các lượt nói. Mỗi lượt trình bày chỉ kéo dài 7 - 10 phút. Sau khi kết thúc tranh biện, 2 đội sẽ chờ ban giám khảo đưa ra kết quả cuối cùng. Trung bình một trận tranh biện kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ.

“Muốn trở thành người tranh biện thông minh cần phải hiểu rằng tùy từng nhận định, trích dẫn, con số mới có thể được đưa ra để phản biện. Bên cạnh đó, tranh biện là một bộ môn đòi hỏi phải có hiểu biết rộng. Vì thế, khi đến với tranh biện, mỗi người sẽ có cơ hội trau dồi thêm kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tranh biện tạo ra những bối cảnh thường xuyên thay đổi bởi những ý tưởng mới do những người tranh biện liên tục đưa ra, người tham gia cần chuẩn bị sẵn sàng để phản hồi, từ đó, rèn luyện được khả năng thích nghi nhanh. Hơn thế nữa, tranh biện còn giúp có được khả năng tư duy và diễn đạt tốt và sự kết nối, tương tác nhịp nhàng giữa các thành viên trong đội với nhau. Người tranh biện không chỉ phản biện lại quan điểm của đội khác mà còn trên tinh thần củng cố và tiếp thu thông tin”, Hoài Thương cho biết thêm.

Được biết, hiện nay, trên địa bàn TP Vinh còn có thêm các CLB tranh biện mới như Thunder Debate Club của Trường THPT chuyên Đại học Vinh hay CLB tranh biện trường THPT Huỳnh Thúc Kháng.

Mặc dù tranh biện là hoạt động mang lại rất nhiều mặt tích cực cho học sinh và được sự bảo trợ trực tiếp từ nhà trường, song các hoạt động của CLB tranh biện hiện nay đều do học sinh tự điều hành, từ cách thành lập CLB cho đến tổ chức các cuộc tranh biện với nhau. Vì vậy, để phong trào tranh biện ngày càng được phát triển, chất lượng, bền vững hơn và đặc biệt lan tỏa ở TP Vinh và các huyện, thị xã trong toàn tỉnh, góp phần giúp các bạn trẻ Nghệ An có thêm nhiều cơ hội rèn luyện tư duy suy nghĩ đa chiều, tư duy phản biện không chỉ trong học tập mà còn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, rất cần sự quan tâm của các tổ chức, đoàn thể, đặc biệt là ở các trường nơi các em theo học.

Thu Thủy

Các tin khác