(Congannghean.vn)-Tình trạng viết, vẽ, khắc chạm nham nhở lên di tích ở nước ta đã từng được giới chuyên gia và dư luận báo chí lên án rất gay gắt, song sau đó, mọi chuyện lại đâu vào đấy. Hành vi thiếu văn hóa này không chỉ làm méo mó, biến dạng những giá trị văn hóa, nét đẹp truyền thống văn hiến của quốc gia, dân tộc mà còn tạo hình ảnh xấu trong mắt du khách quốc tế.
Cuối tháng 10 vừa qua, giới chức thành phố Yonago, tỉnh Tottori, Nhật Bản đã vào cuộc ráo riết truy tìm người đã viết, vẽ các ký tự tiếng Latinh lên tường, bệ đá cổ thuộc khu di tích thành cổ Yonago, tòa thành có niên đại hàng trăm năm, khiến người dân nơi đây rất bức xúc, phẫn nộ. Cụ thể, trên 1 phiến đá có chiều dài 70 cm, rộng 40 cm là dòng chữ “A”, “HÀO” cùng 2 ký hiệu hình ngôi sao và trái tim. Ban quản lý di tích cho biết, đây là lần đầu tiên xảy ra việc viết, vẽ bậy tại khu di tích này. Thành phố Yanago, chính quyền tỉnh Tottori và Cục Văn hóa đang xây dựng bản thảo để đề ra phương án phục hồi nguyên trạng tảng đá trong di tích.
Được biết, theo quy định của Luật Bảo tồn di sản văn hóa của Nhật Bản, người vẽ bậy lên các di tích, địa điểm văn hóa, du lịch có thể phải ngồi tù 5 năm và chịu án phạt hành chính 300.000 yen (khoảng 70 triệu đồng) trong trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng. Sự việc trên không chỉ dấy lên sự phẫn nộ ở cộng đồng người Nhật mà còn khiến dư luận trong nước một lần nữa lo ngại về ý thức, thói quen của người Việt Nam khi muốn chứng minh, ghi dấu ấn “tôi đã ở đây” khiến cho nhiều di tích lịch sử - văn hoá, danh lam, thắng cảnh, điểm tham quan trở nên nhem nhuốc, biến dạng…
Mặt trong của chuông chùa Thiên Mụ (Huế) bị viết, vẽ bậy - Ảnh Internet |
Theo thống kê, Việt Nam có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 3.000 di tích quốc gia và hơn 7.000 di tích cấp tỉnh. Thực trạng đáng buồn và báo động khi phần lớn các di tích này đã, đang bị xâm hại bởi tình trạng viết, vẽ, khắc chạm lên các di tích. Và nó thực sự đang là một... vấn nạn. Tại các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên khắp cả nước, không khó để tìm thấy các dòng chữ, hình ảnh phản cảm mà những người đến tham quan muốn ghi dấu ấn rằng “tôi đã ở đây” bằng việc viết, vẽ lên đó. Thậm chí, nhiều trường hợp còn vô ý thức khi dùng dao sắc nhọn để khắc chữ, tạo hình ảnh lên thân cây, dùng sơn, phấn, bút dạ… viết lên bờ tường, cầu thang, những chiếc trống, chuông đồng và cả cành cây tại các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Việc viết, vẽ, khắc chạm lên di tích không chỉ là hành vi xâm hại mà còn làm biến dạng, thậm chí là phá hoại di tích - di sản. Nó thể hiện sự thiếu tôn trọng thành trì của thế hệ ông cha để lại và làm cho hình ảnh của di tích bị xấu xí đi. Đồng thời, làm méo mó những giá trị văn hóa và nét đẹp của đất nước trong mắt du khách.
Hiện nay, Nghệ An có 1.395 di tích đã được kiểm kê, phân cấp quản lý, trong đó có 375 di tích, danh thắng được xếp hạng, gồm 3 di tích Quốc gia đặc biệt, 137 di tích Quốc gia và 235 di tích cấp tỉnh. Tình trạng viết, vẽ bậy lên các di tích không nhiều nhưng vẫn còn xảy ra. Tại các di tích như: Đền Bạch Mã, núi Dũng Quyết - Phượng Hoàng Trung Đô…, không khó để nhận ra tình trạng viết, vẽ bậy lên tường, các phiến đá.
Hiện nay, mặc dù Luật Di sản đã có quy định xử phạt những hành vi xâm phạm các di tích, di sản như viết, vẽ bậy, song ở nước ta vẫn chưa thực sự mạnh tay xử lý nghiêm vấn nạn viết, vẽ bậy lên di tích, danh thắng nói riêng cũng như nơi công cộng nói chung. Thiết nghĩ, để ngăn chặn hành vi thiếu ý thức văn hóa với những người viết, vẽ bậy lên di tích lịch sử dân tộc, rất cần sự vào cuộc quyết liệt từ phía các cơ quan chức năng, các Ban quản lý di tích và sự chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt là khách du lịch.
Viết, vẽ bậy lên di tích là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, Khoản 1, Điều 23, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo: Phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn hoặc làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật. Hình thức xử phạt bổ sung là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1, Điều này.
.