Văn hóa - Giáo dục
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Lễ hội đền Thanh Liệt
(Congannghean.vn)-Là lễ hội dân gian giàu bản sắc văn hóa, mang đậm dấu ấn của ngư dân miền sông nước khu vực hạ nguồn sông Lam, vừa qua, Lễ hội đền Thanh Liệt, xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên vinh dự được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2018.
Lễ hội đền Thanh Liệt gắn liền với ngư dân miền sông nước |
Hưng Lam là xã ven sông Lam, là một trong những địa phương có nhiều lễ hội dân gian truyền thống, trong đó phải kể đến Lễ hội đền Thanh Liệt (hay còn gọi là Lễ hội rước hến). Đây là lễ hội cầu ngư của dân làng Thanh Liệt gắn bó với ngư dân sông nước nơi hạ nguồn sông Lam. Lễ hội hình thành và phát triển tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đền Thanh Liệt. Tương truyền, đền được xây dựng vào thời Lê Thánh Tông. Trong đền có các hiện vật giá trị như thuyền rồng bằng gỗ sơn son thiếp vàng, được chạm trổ hoa văn rất sống động, kỹ thuật tinh xảo. Chiếc thuyền là biểu tượng của ngư dân vùng sông nước Lam giang và là cổ vật độc đáo, đẹp nhất còn lại ở các đền, chùa xứ Nghệ. Năm 1990, đền được công nhận di tích lịch sử Quốc gia.
Hàng năm, vào ngày 6/2 Âm lịch, người dân vạn chài làng Thanh Liệt trên khắp mọi miền Tổ quốc dù đi đâu, làm gì cũng dành thời gian trở về với cội nguồn quê hương để vui hội làng. Họ luôn có một niềm tin mãnh liệt vào sự linh thiêng của thủy thần và xem đây là vị thần phò trợ, giúp họ vượt qua những nguy hiểm trên sông nước và có được vụ mùa bội thu.
Lễ hội đền Thanh Liệt được chia làm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Ngay từ sáng sớm, Lễ hội chính thức được khai mạc với màn rước kiệu trên bộ từ ngôi đền thiêng của làng ra bãi bồi ven sông Lam. Sau đó, đoàn rước tiến hành rước thủy trên 1 đoàn thuyền lớn của người dân vạn chài được kết lại với nhau thành 1 dãy dài, trang trí cờ hoa rực rỡ cùng với đồ tế khí, các mâm lễ vật… Đi đầu đoàn rước là thuyền chủ có trang trí án thờ thủy thần, trên thuyền chở các bô lão lớn tuổi của làng, tiếp theo là thuyền chở kiệu của các thần như: Nguyễn Biểu, Đức vua thủy Quốc, Đức vua Thiên vương…, sau cùng là các thuyền của nhân dân. Tiếp theo lễ rước trên sông Lam là lễ tế thủy thần ở ngã 3 sông nơi giao lưu với 2 dòng sông Lam và sông La (Hà Tĩnh) để cầu cho ngư dân được mùa tôm, cá. Đoàn thuyền vừa rước vừa tế khoảng hơn 5 giờ đồng hồ.
Sau phần lễ linh thiêng, Lễ hội đền Thanh Liệt xưa mang những nét văn hóa truyền thống của hội làng với các trò chơi, trò diễn tưng bừng. Tham gia lễ hội, người dân được hòa mình trong các trò chơi dân gian mang đậm màu sắc sông nước, được tham gia thi bơi trải, cướp giải, thi lặn, đua chèo lộn tiêu, thi cào hến… Mỗi dịp lễ hội thường có 8 thuyền, trong đó có 4 thuyền đua, 4 thuyền đạo. Nếu như thuyền đua được trang trí lộng lẫy hoa văn, họa tiết hình rồng thì thuyền đạo chở các bà, các chị bơi theo thuyền đua để hát ví, giặm nhằm khích lệ đoàn đua.
Lễ hội đền Thanh Liệt có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ta, đặc biệt là mang đậm dấu ấn của ngư dân miền sông nước. Để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể này, cần tăng cường tuyên truyền nét đẹp văn hóa lễ hội cho du khách thập phương thông qua các trò chơi dân gian. Việc duy trì, tổ chức tốt lễ hội không những giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa, nét đẹp phong tục tập quán nơi đây mà còn là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách thập phương mỗi khi tìm về với lễ hội. Thông qua các hoạt động du lịch tâm linh, văn hóa, lễ hội góp phần nâng cao nhận thức của du khách và cộng đồng về việc giữ gìn, bảo vệ, phát triển các di sản văn hóa của dân tộc.
Phan Tuyết