Văn hóa - Giáo dục
Xung quanh việc luân chuyển giáo viên ở huyện Diễn Châu
(Congannghean.vn)-Vừa qua, UBND huyện Diễn Châu quyết định luân chuyển 117 giáo viên dôi dư bậc THCS xuống dạy ở bậc Tiểu học. Xung quanh vấn đề này đã nhận được sự quan tâm của dư luận cũng như một số giáo viên đang công tác trên địa bàn. Nhiều ý kiến cho rằng, việc luân chuyển giáo viên giữa hai cấp học nói trên là không phù hợp, không khoa học… Tuy nhiên, xét một cách toàn diện trong bối cảnh hiện nay thì đây lại là giải pháp tinh giản biên chế hữu hiệu, vừa giải quyết vấn đề dôi dư, thừa - thiếu giáo viên và đặc biệt nhất là quyền lợi của giáo viên được đảm bảo.
Kế hoạch luân chuyển giáo viên tại huyện Diễn Châu năm học 2018 - 2019 |
Theo tìm hiểu của phóng viên, do vấn đề dôi dư giáo viên ở các bậc học, từ năm 2008 đến nay, huyện Diễn Châu không tổ chức bất kỳ đợt tuyển dụng giáo viên nào. Như vậy, trong 10 năm qua, hàng trăm cử nhân sư phạm của địa phương này buộc phải làm các công việc khác kiếm sống, hoặc phải đến địa phương khác để tìm kiếm việc làm, vừa lãng phí thời gian học tập, vừa lãng phí nguồn nhân lực cho ngành giáo dục. Mặc dù vậy, cho đến nay, toàn huyện vẫn đang dư 234 giáo viên ở bậc THCS (trong đó có nhiều giáo viên dạy môn Văn, Toán). Trong khi đó, bậc Tiểu học ở địa phương này lại đang thiếu 104 giáo viên và bậc Mầm non thiếu 209 giáo viên.
Trước thực trạng trên, ông Mai Ngọc Long, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Diễn Châu cho biết: Từ năm 2015, UBND huyện đã xây dựng đề án giải quyết vấn đề dôi dư, thừa - thiếu giáo viên ở các cấp học. Trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, động viên giáo viên thừa cấp học này sang dạy cấp học khác cùng lĩnh vực. Do đó, thời gian qua, ở Diễn Châu đã thực hiện luân chuyển 57 giáo viên dạy môn Ngoại ngữ và 22 giáo viên dạy môn Thể dục từ THCS xuống dạy bậc Tiểu học. Riêng năm học này (2018 - 2019), qua cân đối các bậc học cho thấy, tình trạng dôi dư giáo viên THCS vẫn còn nhiều, trong khi giáo viên Tiểu học lại thiếu trầm trọng. Do vậy, Phòng GD&ĐT và UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, thực hiện luân chuyển giáo viên giữa 2 cấp học này, đảm bảo số lượng giáo viên đứng lớp mỗi cấp học. Theo lời Trưởng phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu thì đây là một giải pháp “tinh giản biên chế”, giải quyết việc làm phù hợp, đồng thời từng bước giao quyền tự chủ cho các trường.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trước khi thực hiện việc luân chuyển giữa các cấp học, UBND huyện và Phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu đã nhiều lần làm việc, xin ý kiến của các cấp, ngành có liên quan như Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT. Khi được chấp thuận chủ trương, UBND huyện Diễn Châu bắt đầu triển khai các bước luân chuyển theo đúng kế hoạch, phương pháp đề ra, đảm bảo tính khách quan, khoa học.
Theo đó, đối tượng giáo viên đang công tác ở bậc THCS không thuộc diện luân chuyển, bao gồm: Phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng, người đang mang bệnh hiểm nghèo, người có vợ hoặc chồng đang công tác ở biên giới, hải đảo; phụ nữ trên 50 tuổi và nam trên 55 tuổi có 2 năm xếp loại liên tục xuất sắc và 1 xếp loại chuyên môn khá, tốt; giáo viên dạy Văn, Toán có 2 năm liên tục xếp loại xuất sắc và 1 năm xếp loại khá, tốt; giáo viên là con đẻ của liệt sĩ. Tất cả giáo viên còn lại thuộc diện luân chuyển.
Ông Mai Ngọc Long khẳng định: Việc luân chuyển giáo viên trên địa bàn đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện và các sở, ngành liên quan, công tác luân chuyển được thực hiện nghiêm túc, khách quan, minh bạch... Đến nay, UBND huyện Diễn Châu đã ra quyết định luân chuyển 117 giáo viên ở bậc THCS xuống dạy bậc Tiểu học, số còn lại, căn cứ Kế hoạch 109 của UBND huyện để tiếp tục điều động.
Cũng theo ông Mai Ngọc Long, các giáo viên được luân chuyển đợt này đã được UBND huyện Diễn Châu phối hợp với Trường Đại học Vinh bồi dưỡng kiến thức về chương trình giáo dục Tiểu học, tâm lý lứa tuổi học sinh, cách đánh giá học sinh. Các giáo viên mới được luân chuyển về bậc Tiểu học sẽ được các trường bố trí dạy các môn học phù hợp, tương đồng với chuyên ngành đã được đào tạo. Đồng thời, Phòng GD&ĐT cũng hướng dẫn các trường làm công tác tự bồi dưỡng cho giáo viên mới luân chuyển về; thông qua các chuyên đề, các tiết dạy, sinh hoạt chuyên môn để từng bước nâng cao năng lực chuyên môn.
Về quyền lợi, các giáo viên thuộc diện luân chuyển được giữ nguyên ngạch, bậc lương hạng THCS, được hưởng phụ cấp giảng dạy bậc Tiểu học; khi ngành có nhu cầu điều động giáo viên trở lại giảng dạy bậc THCS thì số giáo viên này sẽ được ưu tiên… Điều này chắc chắn sẽ xảy ra, vì số lượng học sinh Tiểu học hiện nay đang tăng mạnh (năm 2017 bậc Tiểu học ở Diễn Châu tăng 19 lớp, năm 2018 tăng 46 lớp).
Theo ông Mai Ngọc Long, ngoài số lượng giáo viên dôi dư, hiện tại Diễn Châu có hơn 300 nhân viên phục vụ tại các trường, thời gian tới nếu sáp nhập các xã, các trường thì số nhân viên này tiếp tục dôi dư. Theo tính toán, sau khi sáp nhập các xã, các trường chỉ có khoảng 170 nhân viên được bố trí việc làm, trừ một số người nghỉ hưu theo chế độ có khoảng 100 nhân viên thiếu việc làm. Do vậy, ngay từ bây giờ, Phòng GD&ĐT đang tạo điều kiện cho các nhân viên phục vụ học thêm Trung cấp sư phạm Mầm non, tương lai sẽ có kế hoạch tuyển dụng giáo viên giảng dạy bậc học này.
Ông Phạm Xuân Sánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu khẳng định: Việc luân chuyển giáo viên được chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự tham mưu ý kiến của các ngành liên quan, xây dựng kế hoạch cụ thể, xem xét từng đối tượng… Các giáo viên được luân chuyển sẽ cố gắng bố trí vị trí công tác phù hợp lĩnh vực chuyên môn, đảm bảo tính khoa học. Phó Chủ tịch huyện Diễn Châu cũng khẳng định, nếu không thực hiện luân chuyển giáo viên dôi dư, nhiệm vụ năm học sẽ không hoàn thành.
V. Thành