Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201808/niem-tu-hao-vun-nat-amp-nhung-lua-chon-cho-doi-moi-808884/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201808/niem-tu-hao-vun-nat-amp-nhung-lua-chon-cho-doi-moi-808884/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Niềm tự hào vụn nát & những lựa chọn cho đổi mới - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 13/08/2018, 08:32 [GMT+7]

Niềm tự hào vụn nát & những lựa chọn cho đổi mới

Kỳ thi đại học "3 chung" trước kia và kỳ thi "2 trong 1” từ 2015 đến nay vốn là niềm tự hào của những người làm giáo dục chúng tôi. Nhưng kỳ thi năm nay, niềm tự hào đó đã vỡ vụn, chỉ trong “6 nốt nhạc” - tương đương với 6 giây mà ông Vũ Trọng Lương ở Hà Giang dùng để sửa 1 bài kiểm tra.
 
Không tự hào sao được khi mà trong một xã hội rất nhiều giá trị cơ bản và truyền thống trở nên quá dễ dàng bị phá vỡ hoặc bóp méo, giá trị về mức độ khả tín và trung thực của một kỳ thi tầm cỡ quốc gia như “2 trong 1” vẫn luôn được giữ ở mức cao. 
 
Chúng tôi cũng không quá chủ quan hay ngạo mạn khi cho rằng ngành của mình tất cả đều sạch. Vẫn có những hiện tượng như mua điểm hay bán bằng, nhưng chúng tôi vẫn luôn tự tin rằng, kỳ thi “2 trong 1” là “pháo đài bất khả xâm phạm” cuối cùng, không thể bắn phá. 
 
Vậy mà tại kỳ thi năm nay, niềm tự hào đó đã vỡ vụn, chỉ trong “6 nốt nhạc” - tương đương với 6 giây mà ông Vũ Trọng Lương ở Hà Giang dùng để sửa 1 bài kiểm tra.
 
Từ cái lý của "2 trong 1"
 
Tôi tìm lại những bài báo viết về kỳ thi THPT và thi “3 chung” trong năm 2014; là năm cuối cùng còn tổ chức 2 kỳ thi THPT và ĐH độc lập trước khi chuyển sang “2 trong 1” như hiện nay, những từ khóa dễ thấy nhất trong các bài báo này là “căng thẳng”, “áp lực”, “mệt mỏi”, “tốn kém”. 
 
Ngày 6-6-2014, Báo Dân trí đăng bài với tiêu đề Nhìn lại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014: cải tiến sao vẫn nhiều áp lực; ngày 4-7-2014, khi tường thuật về kỳ thi đại học, Báo Zing News đăng bài Sỹ tử căng thẳng bên trong, phụ huynh hồi hộp bên ngoài. 
 
Ngày 7-9-2014, trả lời báo chí khi tổng kết mùa thi 2014, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khi đó đã cam kết: “kỳ thi THPT quốc gia sẽ giảm áp lực xã hội”. 
Chỉ nên bỏ kỳ thi THPT khi xây dựng được một hệ thống kiểm tra, đánh giá đủ mức độ tin cậy, chính xác, thực hiện ngay trong chương trình đào tạo hằng ngày tại địa phương. Ảnh: L.G
Chỉ nên bỏ kỳ thi THPT khi xây dựng được một hệ thống kiểm tra, đánh giá đủ mức độ tin cậy, chính xác, thực hiện ngay trong chương trình đào tạo hằng ngày tại địa phương. Ảnh: L.G
Quả thực, suốt cả một thời gian dài, bức xúc nhất của xã hội đối với các kỳ thi kể trên không phải là tin cậy hay minh bạch mà là quá mệt mỏi, tốn kém và căng thẳng: thường khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6, các em học sinh sẽ phải trải qua 2-3 ngày thi tốt nghiệp THPT và sau đó khoảng 1 tháng là kỳ thi “3 chung” (những em thi 2 khối thì còn phải thi 2 lần “3 chung” theo các khối đã lựa chọn). 
 
Tôi vẫn nhớ những ngày thi “3 chung” thường là những ngày đầu tháng 7 nắng đổ lửa, đường phố các đô thị lớn thì luôn rơi vào cảnh tắc nghẽn vì đoàn phụ huynh và thí sinh đổ từ các tỉnh về quá đông; các ngày thi, trước cổng các trường học, phụ huynh đứng ngồi la liệt, chờ đợi con thi đủ 3 môn; tạo nên một cảnh tượng rất mệt mỏi cho toàn xã hội.
 
Trong bối cảnh “căng thẳng”, “áp lực”, “mệt mỏi”, “tốn kém” kể trên, Nghị quyết 29 của Trung ương ban hành vào cuối năm 2013, đã có hẳn một nội dung về đổi mới thi cử; trong đó riêng phần về thi tốt nghiệp THPT và ĐH được viết như sau: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”. 
 
Khi nghị quyết này ra đời, một tỉ lệ hưởng ứng khá cao về những đường hướng đổi mới thi cử như trên của tất cả các thành phần trong xã hội. 
 
Đến lựa chọn cho đổi mới
 
Thực tế, nội dung của cải cách thi THPT và ĐH từ 2015 đến nay về cơ bản đã cố gắng bám khá sát mục tiêu của Nghị quyết 29 là (i) giảm áp lực; (ii) giảm tốn kém; (iii) đảm bảo độ tin cậy, trung thực; (iv) đảm bảo đánh giá đúng năng lực học sinh và (v) làm cơ sở cho việc tuyển sinh CĐ, ĐH. 
 
Từ 2 kỳ thi THPT và ĐH tách biệt, chúng ta đã ghép lại thành 1 kỳ thi; từ thi tự luận kéo dài, chúng ta đã chuyển sang thi trắc nghiệm (trừ môn ngữ văn) với thời gian thi giảm đáng kể; từ việc tổ chức kỳ thi ĐH ở các trường ĐH; đã chuyển sang thi theo cụm ở gần nhà thí sinh và cuối cùng là thi tại địa phương; từ việc các trường ĐH chấm thi sang việc các sở chủ trì việc chấm thi.
 
Nếu xét 5 mục tiêu kể trên theo thứ tự ưu tiên giảm dần; thì rõ ràng, qua 4 năm triển khai “2 trong 1”, có vẻ như 2 mục tiêu (i) giảm áp lực và (ii) giảm tốn kém đã được ưu tiên hướng tới và thực tế thì phần lớn cũng đã đạt được. Trong khi đó, với những gì đã diễn ra tại kỳ thi năm nay, thật khó có thể nói là 3 mục tiêu còn lại đã được thỏa mãn.
 
Trong những ngày qua, trên phương tiện thông tin đại chúng cũng như trên mạng xã hội, các phương án cải cách kỳ thi “2 trong 1” đã được bàn thảo khá kỹ. Trở lại tổ chức 1 năm 2 kỳ thi (THPT và thi ĐH) như trước kia chắc chắn là phương án mà ai cũng phản đối. 
 
Có 2 phương án mà nhiều người đã nói rất nhiều: một là, bỏ thi THPT (dùng điểm học bạ để xét tốt nghiệp THPT) và tổ chức 1 kỳ thi ĐH chung và hai là, tổ chức kỳ thi THPT và các trường có thể sử dụng một phần hoặc toàn bộ kết quả kỳ thi này để xét tuyển ĐH, CĐ.
 
Những người ủng hộ phương án một có lý lẽ phổ biến là nếu thi THPT mà tốt nghiệp đến 97-98% thì không nên tổ chức làm gì; còn những người ủng hộ phương án hai thì cho rằng thi THPT đã được luật hóa trong Luật Giáo dục nên không thể bỏ. Vì những lý do dưới đây, tôi không ủng hộ phương án một và có phần nghiêng về phương án hai.
 
Thứ nhất, nói rằng vì có đến 97-98% đỗ tốt nghiệp, nên bỏ kỳ thi THPT không phải là lý lẽ phù hợp. Kỳ thi lấy bằng xe máy cũng là một kỳ thi có tỷ lệ đỗ rất cao, chả nhẽ cũng vì lý do đó mà chúng ta không tổ chức thi lấy bằng lái xe nữa? 
 

Theo tôi, chúng ta chỉ nên bỏ kỳ thi THPT khi xây dựng được một hệ thống kiểm tra, đánh giá đủ mức độ tin cây, chính xác, thực hiện ngay trong chương trình đào tạo hằng ngày tại địa phương. 

Bảng so sánh cách thức tổ chức kỳ thi "2 trong 1" 

giai đoạn 2015 - 2018
 
Đó có lẽ là nhiệm vụ của GS. Nguyễn Minh Thuyết và nhóm xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới đang làm. Với với chương trình hiện nay, chúng ta không có cơ sở nào để đảm bảo ngay cả khi có chung một bộ sách giáo khoa, một chương trình thì điểm 8 của một học sinh ở Khánh Hòa do giáo viên chấm là tương đương với điểm 8 của một học sinh khác ở Bắc Ninh.
 
Thứ hai, việc đặt ra 5 mục tiêu cùng lúc như đã nói ở trên cho một kỳ thi dường như là một nhiệm vụ bất khả thi. Bởi có những bối cảnh, có thể mục tiêu này thậm chí còn mâu thuẫn với mục tiêu kia. Ví dụ như trong kỳ thi năm nay, việc để các Sở GD&ĐT chủ trì việc chấm thi đã giúp giảm tốn kém; nhưng lại làm ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo độ tin cậy, trung thực. 
 
Theo cá nhân tôi, 5 mục tiêu của kỳ thi mới thì mục tiêu ((i) giảm áp lực; (iii) đảm bảo độ tin cậy, trung thực; (iv) đảm bảo đánh giá đúng năng lực học sinh cần giữ nguyên. Trong khi đó, mục tiêu (ii) giảm tốn kém, cần được bỏ.
 
Một kỳ thi tầm cỡ quốc gia thì không thể nào tiết kiệm được, việc gì cần phải tốn nguồn lực vẫn phải đầu tư thỏa đáng nhằm đảm bảo mức độ tin cậy, trung thực và chính xác. 
 
Với mục tiêu thứ (v) làm cơ sở cho việc tuyển sinh CĐ, ĐH cần điều chỉnh thành làm cơ sở cho một số trường thực hiện tuyển sinh CĐ, ĐH. Điều này là bởi, về góc độ khoa học, một kỳ thi chung đề cho cả nước sẽ không thể nào đáp ứng được mục tiêu làm căn cứ cho hàng trăm chương trình đào tạo, với nhiều phân khúc từ trình độ thấp đến cao trong cả nước. 
 
Vì vậy, một mục tiêu khiêm tốn hơn, đáp ứng một bộ phận các trường có xu hướng đại trà, đào tạo các ngành phổ biến; còn các chương trình đào tạo khoa học cơ bản, ngành nghề đặc biệt hoặc dành cho đối tượng sinh viên giỏi, thì rõ ràng trường đại học phải có nghĩa vụ tổ chức thêm các hình thức kiểm tra, đánh giá khác, mà chỉ có đội ngũ giảng viên và chuyên gia tại trường mới có thể biết là cần thực hiện nó như thế nào.
 
Phạm Hiệp tốt nghiệp tiến sĩ về quản trị kinh doanh tại Đại học Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan, năm 2017. Năm 2013, Phạm Hiệp từng nhận Giải khuyến khích Giải thưởng báo chí dành cho các nước đang phát triển tại châu Á (DAJA). 
 
Từ năm 2017, cùng một số đồng nghiệp, Phạm Hiệp khởi xướng dự án Mạng lưới các nhà khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam (NVSSH) hướng đến mục tiêu phổ biến các kiến thức cập nhật về khoa học xã hội nhân văn từ các tạp chí khoa học chuyên ngành tới đại chúng.
.

Nguồn: Phạm Hiệp/CAND

.