Văn hóa - Giáo dục

Chuyện nhà báo Biên phòng 'kéo' cô học trò nghèo trở lại trường

09:22, 05/07/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trong chuyến công tác lên bản Piêng Coọc, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, tình cờ nghe được câu chuyện em Và Y Mại, học sinh lớp 8 phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn, nhà báo, Thượng úy Nguyễn Viết Lam, Báo Biên phòng đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ 300.000 đồng/tháng để “kéo” cô học trò nghèo trở lại trường.

Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mai Sơn trao số tiền hỗ trợ của nhà báo Nguyễn Viết Lam cho em Và Y Mại
Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mai Sơn trao số tiền hỗ trợ của nhà báo Nguyễn Viết Lam cho em Và Y Mại

Năm 2007, tốt nghiệp ngành Báo chí, Đại học Khoa học Huế, chàng trai trẻ Nguyễn Viết Lam (SN 1984) trú tại xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn không đi làm báo ngay mà viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào lực lượng BĐBP. Trải qua 4 tháng huấn luyện tân binh, Viết Lam được phân công nhận nhiệm vụ tại Tiểu khu 50, BĐBP Nghệ An (Kỳ Sơn) và vẫn luôn đau đáu về những gì đã học được trên giảng đường. Để thỏa mãn cơn “thèm được đi, thèm được viết”, vào những ngày nghỉ cuối tuần, anh lính Binh nhất xin phép chỉ huy đơn vị ra ngoài để theo chân các anh chị ở Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Kỳ Sơn đi tác nghiệp.

Trong thời gian ở huyện biên giới Kỳ Sơn, anh đã có nhiều tin, bài được đăng trên Báo Quân đội nhân dân, Báo Biên phòng, Báo Dân trí… Đến năm 2009, Nguyễn Viết Lam được cấp trên điều động ra Hà Nội công tác tại Báo Biên phòng. Từ đây, dấu chân anh đã in trên khắp mọi miền biên giới của đất nước. Năm 2013, anh được Toà soạn phân công làm phóng viên thường trú tại địa bàn Nghệ An và các tỉnh Bắc Miền Trung.

Được biết hiện tại, nhà báo, Thượng úy Nguyễn Viết Lam đang trực tiếp nhận đỡ đầu em Và Y Mại, học sinh lớp 8A, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mai Sơn, huyện Tương Dương. Theo đó, tháng 9/2017, trong chuyến công tác tại xã Mai Sơn, anh cùng giáo viên và BĐBP lên bản Piêng Coọc vận động 11 em học sinh đồng bào Mông bỏ học trở lại trường. Trong đó, trường hợp của Và Y Mại khiến anh day dứt nhiều nhất. Bởi khi các bạn đã trở lại trường thì cô học trò lớp 8 vẫn không thể thực hiện được ước mơ, lý do chỉ vì gia đình quá khó khăn. Y Mại  là con thứ 5 trong gia đình có 9 người con, 4 anh chị lớn đã lập gia đình, sau em còn có 4 em nhỏ. Trước đây, Y Mại từng được gia đình cho ra trung tâm xã theo học, nhưng từ khi mẹ sinh thêm em bé, cô học trò lớp 8 buộc phải bỏ học để ở nhà trông em.

“Hôm chúng tôi đến nhà, mẹ của Y Mại đang nằm trên võng nhưng không xuống tiếp chuyện vì biết giáo viên, trưởng bản và BĐBP đến để vận động cho con gái trở lại trường. Mọi người đành ra hiên nhà, chờ gặp bố của Y Mại đi rừng trở về. Khi gặp mới biết, bản thân ông cũng rất muốn con đi học nhưng vợ không cho cũng đành chịu. Tôi nhìn thấy câu chuyện đến với Y Mại xuất phát từ gia đình quá khó khăn nên đã nhờ Trưởng bản nói lại với mẹ cô bé là sẽ nhận đỡ đầu, hỗ trợ Y Mại mỗi tháng 300.000 đồng nếu em được đi học trở lại. Tuy nhiên, bà không chấp nhận vì nói “cán bộ” lừa”, nhà báo Viết Lam nhớ lại.

Đề nghị của mình không được chấp nhận nên khi rời bản làng, nhà báo Viết Lam vẫn còn rất day dứt. Tuy nhiên, anh vẫn tin rằng cô bé sẽ được trở lại trường. Anh khuyên cô giáo chủ nhiệm kiên trì thuyết phục gia đình của học trò và cho biết sẽ thực hiện lời hứa của mình. Và rồi niềm tin của anh đã được đền đáp khi Y Mại trở lại trường sau gần 1 tháng việc học tập bị gián đoạn. Từ đó, hàng tháng, nhà báo Viết Lam đều đặn gửi số tiền 300.000 đồng nhờ giáo viên chuyển tận tay cô học trò nghèo để mang về hỗ trợ bố mẹ.

Cô giáo Nguyễn Thị Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Mai Sơn cho biết: “Tổng kết năm học vừa qua, Và Y Mại đã có kết quả học tập khá hơn, đặc biệt em cũng đã cho thấy sự tiến bộ trong giao tiếp và các hoạt động ngoại khóa”. Còn nhà báo Viết Lam chia sẻ rằng, mặc dù cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nhưng anh vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ em Và Y Mại trong những năm học tiếp theo.

Thu Thủy

Các tin khác