Để đảm bảo việc công bố điểm thi THPT quốc gia 2018 đúng tiến độ, hiện các địa phương trên cả nước đều đang “tăng tốc” chấm thi, đặc biệt là Ngữ văn, môn thi tự luận duy nhất trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Kết quả chấm thi ban đầu môn Ngữ văn cho thấy, nhiều địa phương đã xuất hiện bài thi đạt điểm 9 nhưng cũng có những bài thi bị điểm liệt.
Nhằm đảm bảo việc chấm thi THPT quốc gia 2018 tại các địa phương diễn ra đúng quy chế, an toàn, nghiêm túc, từ ngày 3 đến 5-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức các đoàn công tác đi thanh tra, kiểm tra. Ngày 4-7, Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Hữu Độ đã kiểm tra công tác chấm thi tại Hưng Yên.
Ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD & ĐT Hưng Yên cho biết, đến thời điểm này, việc làm phách được thực hiện tốt, không có trục trặc, nhầm lẫn; công tác bảo mật trong làm phách cũng được thực hiện đúng quy chế. Dự kiến thời gian chấm thi đến ngày 5-7. Hưng Yên chia thành 4 tổ chấm, chấm chéo, đảm bảo giáo viên không chấm bài học sinh trường mình.
Cụ thể, chấm bài tự luận gồm 4 Trưởng môn, 4 Phó trưởng môn và 88 cán bộ chấm thi. Chấm trắc nghiệm gồm 1 Tổ trưởng 10 thành viên, huy động 3 máy quét. Chấm Kiểm tra gồm 1 Tổ trưởng, 8 thành viên, chấm khoảng 6,8% số bài. Bước đầu các giám khảo tại Hưng Yên cũng phản ánh đề thi, điểm thi phân hóa tốt, đáp án của Bộ GD&ĐT rõ ràng, khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chấm thi.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý những quy định cần phải được quán triệt nghiêm túc nhằm đảm bảo công tác chấm thi chặt chẽ chính xác, khách quan, trong đó có việc đảm bảo tính bảo mật bài thi; bên ngoài túi bài thi phải ghi đầy đủ các thông tin…
Các giáo viên đang miệt mài chấm thi môn Ngữ văn để đảm bảo tiến độ công bố điểm thi.
Từ ngày 3 đến ngày 5-7, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng dẫn đầu đi kiểm tra công tác chấm tại 4 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Trao đổi với PV Báo CAND về công tác chấm thi tại các địa phương, ông Mai Văn Trinh đánh giá: Các địa phương làm rất nghiêm túc, đặc biệt những giải pháp kỹ thuật năm nay áp dụng đã phát huy tác dụng, như khâu niêm phong túi đựng bài thi bằng tem chuyên dụng, mỏng, dễ rách, có chữ ký và họ tên của phó trưởng điểm thi đến từ đại học, cao đẳng; khâu cách ly trong việc làm phách cũng được các địa phương triển khai rất chặt chẽ.
Cũng theo ông Mai Văn Trinh, việc triển khai quy định về chấm thi được các tỉnh nói trên triển khai nghiêm túc, đúng quy chế, thậm chí có địa phương như Hòa Bình, Sơn La còn làm “kỹ” hơn quy chế yêu cầu. Chấm trắc nghiệm được địa phương cách ly như khi làm phách, làm đề.
Ở mỗi địa phương, có một lãnh đạo Sở GD & ĐT phụ trách khâu làm phách và một lãnh đạo Sở GD & ĐT phụ trách khâu chấm thi, hai khâu độc lập nhau. Trong phòng chấm thi đều có cán bộ của Công an tỉnh, Thanh tra Sở GD & ĐT và Thanh tra của các trường đại học tham gia giám sát.
Về đội ngũ chấm thi môn Ngữ văn (môn duy nhất thi theo hình thức tự luận), theo ông Trinh, các Sở GD & ĐT đã lựa chọn những giáo viên có năng lực, có trách nhiệm và giàu kinh nghiệm của các trường phổ thông tham gia chấm thi. Do đề thi có những câu hỏi mở nên đáp án cũng phải mở. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT luôn nhấn mạnh, các địa phương tiến hành chấm thi thì đặt chất lượng chấm lên trên hết, không vì sức ép về mặt thời gian làm ảnh hưởng.
Nếu sau này công bố kết quả thi, địa phương nào có những kết quả bất thường thì theo quy chế, chúng tôi sẽ tiến hành chấm thẩm định để từ đó có căn cứ xử lý.
Về chất lượng điểm thi, PGS.TS Mai Văn Trinh cho hay, môn trắc nghiệm thì máy chấm hiện chưa biết điểm, nhưng môn Ngữ văn các địa phương đã chấm được 70% -80% số lượng bài thi. Nhiều giáo viên nhận định, hướng dẫn chấm rõ ràng, dễ vận dụng, kể cả với câu hỏi mở, do đó, việc chấm thi khá thuận lợi. Với những bài thi đã chấm, điểm thi phân hóa khá tốt, bước đầu phản ánh được chất lượng của học sinh.Với môn tự luận, đã đảm bảo chấm hai vòng độc lập và kiểm tra theo tiến độ.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo CAND, tính đến thời điểm ngày 5-7, tại một số địa phương, môn Ngữ văn đã xuất hiện nhiều điểm 9; tuy nhiên điểm liệt (dưới 1) cũng khá nhiều. Theo ông Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, đến thời điểm này đã chấm được khoảng 400 trên tổng số hơn 8.800 bài thi THPT quốc gia môn Ngữ văn. Trong số này, khoảng 63% bài thi đạt trên 5 điểm, có bài đạt 9. Còn theo thống kê ban đầu của một số địa phương như Quảng Trị, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Kạn, Hưng Yên, bên cạnh những bài thi Ngữ văn đạt điểm 9, cũng đã xuất hiện nhiều bài thi bị bị điểm liệt. Phần lớn bài thi này, thí sinh để giấy trắng hoặc không viết được đúng ý gì.
.