Văn hóa - Giáo dục
Bảo tồn tài liệu Hán - Nôm: Gìn giữ văn hóa dân tộc
(Congannghean.vn)-Nghệ An là một trong những tỉnh có khối lượng lớn di sản Hán - Nôm như: Sắc phong, lệnh chỉ, bằng cấp, trát lục, lục cấp, hương ước, điều lệ, gia phả, điền bạ, đơn từ, văn tế, mộc bản, câu đối, sách thuốc, sách địa lý, lịch sử... Nhằm mục đích bảo tồn và phát huy các tài liệu Hán - Nôm trên địa bàn tỉnh, năm 2015, Ban Quản lý Di tích Nghệ An phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh thực hiện chương trình số hóa tài liệu Hán - Nôm.
Thực hiện số hóa Hán - Nôm nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa |
Theo số liệu tại Hội nghị tổng kết công tác số hóa tài liệu Hán - Nôm giai đoạn 1 được tổ chức vừa qua cho thấy, qua 4 năm thực hiện chương trình số hóa tài liệu Hán - Nôm, Ban Quản lý Di tích Nghệ An đã tiến hành số hóa tài liệu tại 16 huyện, thành phố, thị xã với 231 xã, phường, thị trấn, 473 dòng họ, đền, chùa, miếu, với 70.573 trang tài liệu đã được số hóa. Qua quá trình số hóa cho thấy, Nghệ An là tỉnh còn lưu giữ được nguồn tài liệu Hán - Nôm khá đồ sộ. Niên đại của tài liệu chủ yếu từ thời Lê Trung Hưng đến thời hiện đại, nhiều nhất là các tài liệu có niên đại thế kỷ 18, 19, 20.
Các tài liệu Hán - Nôm chủ yếu tập trung ở các huyện đồng bằng và trung du nhưng phân bố không đều. Theo kết quả số hóa, Yên Thành là huyện có số lượng tài liệu được số hóa nhiều nhất. Trong số những tài liệu đã số hóa được, nhiều tài liệu có giá trị lớn về mặt nghiên cứu lịch sử, văn hóa dòng họ, phong tục làng xã, chế độ ruộng đất, văn học nghệ thuật, y học cổ truyền và các vấn đề chính trị, xã hội, hơn nữa còn giúp ích rất lớn cho việc nghiên cứu văn tự, nghệ thuật của các triều đại phong kiến. Trong đó phải kể đến các tài liệu thời Tây Sơn, chủ yếu là sắc phong, lệnh chỉ, trát lục… Ngoài ra, còn nhiều tài liệu rất đặc sắc như bộ mộc bản kinh phật của chùa Đức Sơn, bộ mộc bản kinh giáng bút của Hiếu Thiện Đàn (xã Vân Diên, huyện Nam Đàn), bộ mộc bản kinh giáng bút của Tuần Thiện Đàn (đền Thiện, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu), các bản kinh giáng bút tuyên truyền yêu nước đầu thế kỷ 20…
Một số di tích còn đang lưu giữ được nhiều sắc phong, tài liệu quý như: Nhà thờ họ Phan Vân, đền Đức Hoàng ở Yên Thành; đền Xuân Hòa, đền Phùng Hưng ở phường Quỳnh Xuân, TX Hoàng Mai; đền Mai Bảng ở phường Nghi Thủy, TX Cửa Lò; đền Vua Mai ở huyện Nam Đàn; nhà thờ họ Trần (Diễn Phúc), đền Trang (Diễn Kim) ở huyện Diễn Châu; đền Hoàng Mười (Hưng Thịnh), đền Thanh Liệt (Hưng Lam), đền thờ Đinh Bạt Tụy (Hưng Yên Bắc) ở huyện Hưng Nguyên… Đặc biệt, ở một số huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhưng vẫn lưu giữ được nhiều tài liệu quý, như nhà thờ họ Lang Vi ở xã Đôn Phục, huyện Con Cuông hiện còn lưu giữ được hơn 10 đạo sắc phong, chế cáo của triều Nguyễn và huân chương của nhà vua Lào tặng. Hay ở huyện Tân Kỳ có một số di tích của đồng bào dân tộc Thổ còn lưu giữ nhiều tài liệu Hán - Nôm cổ như đền đức Mẹ (xã Nghĩa Phúc), chùa Bục (xã Đồng Văn)…
Song song với quá trình số hóa tài liệu Hán - Nôm, các cán bộ thực hiện số hóa đã hướng dẫn nhân dân cách bảo quản tài liệu và lược dịch tại chỗ các nội dung của tài liệu. Năm 2017, Ban Quản lý Di tích Nghệ An đã tổ chức tập huấn phương pháp bảo quản và tu bổ tài liệu cho cán bộ chuyên môn của Ban, cán bộ bảo tồn bảo tàng của các huyện, thành phố, thị xã và một số di tích tiêu biểu. Thông qua chương trình tập huấn, các chuyên gia đã chỉ ra những sai lầm trong cách bảo quản tài liệu mà nhiều người thường mắc phải như đựng tài liệu trong túi ni lon rồi buộc chặt, hoặc ép latic tài liệu, dùng hóa chất để tẩm lên tài liệu, hoặc cất giữ tài liệu quá kín…
Phát biểu thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã đưa ra những giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị các tài liệu quý giá này. Đây cũng là một vấn đề mang tính cấp thiết cần được sự quan tâm của các cấp, ngành. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các tổ quản lý di tích, danh thắng, các dòng họ cũng như các cá nhân, tổ chức tham gia đầy đủ hơn, góp phần gìn giữ, bảo quản tốt nguồn tư liệu văn tự Hán - Nôm cổ của tỉnh nhà.
Phan Tuyết