Văn hóa - Giáo dục

'Loạn' học phí trường ngoài công lập

09:21, 19/01/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Một số trường ngoài công lập có thương hiệu bất ngờ tăng học phí đã khiến nhiều phụ huynh bức xúc, thậm chí một số gia đình phải chấp nhận "bỏ cuộc giữa chừng" vì không đủ điều kiện để con em mình tiếp tục theo học do mức tăng quá lớn.
 
Mặc dù từ trước đến nay, học phí trường ngoài công lập thường được xác lập hoàn toàn dựa trên sự thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường, cơ quan quản lý Nhà nước không can thiệp. 
 
Tuy nhiên, trước sự việc một số trường ngoài công lập có thương hiệu bất ngờ tăng học phí không đúng theo lộ trình đã khiến nhiều phụ huynh bức xúc, thậm chí một số gia đình phải chấp nhận "bỏ cuộc giữa chừng" vì không đủ điều kiện để con em mình tiếp tục theo học do mức tăng quá lớn. 
 
Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, nên chăng Nhà nước cũng cần đặt ra mức sàn học phí cho các trường ngoài công lập để tránh hiện tượng "tăng vô tội vạ", hoặc có một cách thức kiểm soát chất lượng nào đó nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người học, nhất là khi giữa hai bên xảy ra bất đồng, tranh chấp.
 
Nghịch lý học phí tiểu học cao hơn cả đại học
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Trường Tiểu học Nguyễn Siêu, học phí chương trình quốc gia Việt Nam hệ chất lượng cao tiểu học là 5 triệu đồng/tháng. Đó còn chưa kể phí giữ chỗ đối với hệ này là 10 triệu đồng, phí nhập học 2 triệu đồng, phí hỗ trợ cơ sở vật chất và phát triển nhà trường 1,5 triệu đồng/năm. Một số trường tư thục chất lượng cao khác như Marie Cuirie, Đoàn Thị Điểm, Lương Thế Vinh... cũng có mức học phí giao động từ 2 đến 7 triệu đồng/tháng. 
 
Tuy nhiên "khủng" hơn cả vẫn là học phí của trường TH School. Theo thông báo của nhà trường trong năm học 2017-2018, học phí từ cấp mầm non đến lớp 12 của trường dao động từ 232 triệu đến 523 triệu một năm nếu đóng theo kỳ. Mức này giảm xuống 209 triệu đến 470 triệu đồng một năm nếu đóng một lần từ đầu năm học (mỗi năm có 3 kỳ học). 
 
Theo thông báo của nhà trường, mức học phí này bao gồm tất cả chi phí cho hoạt động của học sinh tại trường, không có các khoản chi phí "ẩn". Dù được xếp vào loại cao nhưng so với học phí của hệ thống các trường quốc tế, học phí của TH School cũng chưa thấm tháp gì. 
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở Hà Nội, những cái tên nổi tiếng như trường Quốc tế Nhật Bản, Quốc tế Hà Nội, Quốc tế Anh, Quốc tế Đa cấp Anh Việt Hoàng gia (BVIS) đều có mức học phí 9 con số. 
 
Cụ thể, học phí đã giảm trừ nguyên năm của BVIS dao động từ 177,9 triệu (mầm non và lớp 1) đến 430,2 triệu (lớp 12 và 13). Nếu thu theo kỳ, học phí còn cao hơn. Ngoài ra, phụ huynh phải đóng thêm phí đăng ký tuyển sinh 3,4 triệu, phí tuyển sinh 45,5 triệu, tiền đặt cọc 33,75 triệu. Trường Quốc tế Hà Nội (HIS) có mức học phí từ 362,61 triệu đến 575,91 triệu. 
 
Phí đăng ký tuyển sinh là 4,5 triệu, phí trúng tuyển 23,7 triệu. Trường Phổ thông Việt - Úc có học phí trên 100 triệu đối với hệ quốc tế (từ 113,2 đến 119,2 triệu đồng). Muốn học trường Phổ thông Quốc tế Newton, học sinh cũng phải đóng từ 49 triệu đồng đến 137 triệu đồng, chưa tính các khoản phí khác...
 
Trong khi đó, theo thông báo của các trường (ĐH) thì mặt bằng học phí của các trường ngoài công lập chỉ từ hơn 10 triệu đến hơn 50 triệu đồng/năm, chưa bằng một tháng của trường quốc tế. 
Do không quy định mức sàn nên các trường ngoài công lập thu học phí mỗi nơi một mức.
Do không quy định mức sàn nên các trường ngoài công lập thu học phí mỗi nơi một mức.
Cụ thể, trường ĐH Đại Nam có mức học phí cao nhất thuộc ngành dược là 2,4 triệu đồng/tháng; Trường ĐH Dân lập Phương Đông học phí trung bình cũng không quá 15 triệu/năm; trường ĐH Thăng Long có mức học phí cao nhất thuộc về ngành Lữ hành cũng chỉ khoảng 20 triệu đồng/năm. 
 
Trường ĐH Hoa Sen học phí chương trình tiếng Việt từ 3 triệu đến 3,9 triệu đồng/tháng, còn chương trình tiếng Anh từ 4 triệu đến 4,3 triệu/tháng. Còn tại ĐH FPT, học phí ngành ngôn ngữ là 18,9 triệu đồng/học kỳ, các ngành khác là 25,3 triệu đồng/học kỳ. 
 
Ngay cả các trường được cho là quốc tế ở bậc phổ thông mức học phí cũng cao hơn hẳn mức học phí các trường ĐH quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam, thậm chí gấp 3 - 4 lần. Ví dụ, mức học phí của ĐH Anh quốc tại Việt Nam là 166.654.000 đồng/năm, chỉ bằng khoảng 1 tháng của mô hình này ở bậc tiểu học và trung học cơ sở.
 
Điều này cho thấy, học phí giữa các trường ngoài công lập hiện không thống nhất. Nguyên nhân của sự chênh lệch nằm ở chỗ không có quy định cụ thể về mức học phí cho trường ngoài công lập. 
 
Tại  Điều 3 chương II, Nghị định 86/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành, quy định: "Cơ sở giáo dục công lập thực hiện chương trình chất lượng cao được thu học phí tương xứng để bù đắp chi phí đào tạo. Các trường tự tính toán và xác định học phí sao cho vừa đảm bảo kinh phí hoạt động của trường vừa thu hút được học sinh". 
 
Lý giải về nguyên nhân khiến cho học phí bậc đại học thấp hơn các cấp học thấp hơn như tiểu học và trung học phổ thông, các chuyên gia giáo dục cho rằng: Đơn giản là do nguồn tuyển ở cấp học dưới dồi dào hơn, lên đến cấp học cao thì nguồn tuyển cạn dần. 
 
Bên cạnh đó, các trường ĐH hiện nay đang chịu áp lực lớn là thiếu nguồn tuyển đầu vào. Chính vì vậy, các trường ĐH không dám đưa học phí lên cao. Trong khi đó, thực tế cho thấy, chi phí đầu tư ở phổ thông ít hơn nhiều so với đầu tư vào ĐH.
 
Cần tăng cường giám sát của Nhà nước về chất lượng
 
Trước thực trạng trăm hoa đua nở về học phí của trường ngoài công lập, đặc biệt là việc một số trường ngoài công lập bất ngờ tăng học phí không theo lộ trình khiến nhiều phụ huynh bức xúc, nhiều ý kiến cho rằng, nên tăng cường sự kiểm soát của Nhà nước trong lĩnh vực này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người học. 
 
PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nêu quan điểm: Mặc dù học phí trường tư từ xưa đến nay đều do phụ huynh và nhà trường tự thỏa thuận. Tuy nhiên, học phí quy định ở mức nào, được tăng tối đa đến bao nhiêu có lẽ cũng cần phải có một khung chung. Đơn cử như các trường ĐH hiện nay, mặc dù được Bộ GD&ĐT giao cho quyền tự chủ, tuy nhiên vẫn có khung học phí chung. 
 
Đối với các trường ở bậc phổ thông ngoài công lập, có lẽ cũng nên có khung như vậy, quy định phân mức chất lượng các trường, từ đó đưa ra trần học phí theo từng bậc. Việc tăng học phí cũng cần có lộ trình, biên độ rõ ràng để các phụ huynh cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định cho con vào học.
 
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lại cho rằng: Giáo dục phổ thông công lập nên là dịch vụ công thiết yếu và không nên áp dụng kinh tế thị trường. Song với các trường ngoài công lập thì được điều tiết theo quy luật của kinh tế thị trường bởi các trường này tự tham gia thị trường giáo dục, cung cấp một dịch vụ giáo dục được định giá trên cơ sở cung cầu và cơ chế cạnh tranh. 
 
Do đó, học phí của các trường tư thục nên để các trường tự quyết như luật hiện hành, nếu quyết đúng có thể tồn tại, nếu quyết sai, sẽ không tồn tại, giống như doanh nghiệp khi kinh doanh, khi không xác định đúng chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp đó sẽ phải lãnh hậu quả, thậm chí là phá sản. 
 
Tuy vậy, ông Tiến cũng cho biết, điều quan trọng trong câu chuyện quản lý các trường ngoài công lập vẫn là tăng cường sự giám sát của Nhà nước, của xã hội về chất lượng đào tạo. Cái này trong luật đã quy định rất rõ ràng, chỉ có điều là cơ chế giám sát chất lượng của chúng ta hiện nay còn yếu dẫn đến việc một số trường có thể lợi dụng kẽ hở này, cung cấp dịch vụ không tương xứng với mức học phí mà phụ huynh phải đóng.
 
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Áng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT cho biết: Theo các quy định hiện hành, việc quyết định mức học phí ở các trường ngoài công lập là thẩm quyền của các trường vì các trường hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước không can thiệp vào việc này. 
 
Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước có quyền yêu cầu các trường phải công khai, minh bạch cho phụ huynh và người học biết trước khóa học về mức học phí và theo lộ trình tăng hàng năm. 
 
"Mặc dù chất lượng giáo dục nói chung của các trường, trong đó có các trường ngoài công lập khó định lượng nên rất khó quản lý. Tuy nhiên, cơ quan quản lý Nhà nước có thể quản lý chất lượng giáo dục trên cơ sở quản lý các điều kiện đảm bảo chất lượng như cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ phục vụ đào tạo; số học sinh/giáo viên; chất lượng giáo viên; chương trình, sách giáo khoa, tài liệu dạy và học... Đây là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục và có thể kiểm soát được". 

Nguồn: CAND

Các tin khác