Văn hóa - Giáo dục
Tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh
(Congannghean.vn)-Cùng với cung cấp kiến thức văn hóa, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh góp phần giúp các em hoàn thiện nhân cách, tự tin, chủ động, xử lý linh hoạt các tình huống trong cuộc sống; giúp các em trưởng thành, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Đây được xem là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách của ngành Giáo dục, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi mà internet phát triển như vũ bão, nếu học sinh thiếu định hướng thì rất dễ bị dẫn dắt bởi những quan điểm sống lệch lạc, thiếu chuẩn mực.
Mời các chuyên gia tâm lý nói chuyện với học sinh là một phương pháp giáo dục kỹ năng sống hiệu quả |
Từ năm 2010, Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 7291/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học. Mục đích là thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học; đáp ứng nhu cầu của gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh; hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định; tăng cường giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh.
Kỹ năng sống cho học sinh theo cách hiểu đơn giản nhất là những kỹ năng học tập, kỹ năng làm chủ bản thân, kỹ năng thích ứng và hòa nhập với cuộc sống, kỹ năng làm việc, giúp các em tạo dựng khả năng làm chủ bản thân, khả năng ứng xử phù hợp mọi người trong xã hội, khả năng ứng phó, bảo vệ mình và những người xung quanh trước mọi tình huống của cuộc sống… Tùy vào điều kiện của mỗi trường, từng cấp học, lứa tuổi mà trường lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp và hiệu quả.
Giáo dục kỹ năng sống không đơn thuần chỉ yêu cầu các em đến trường chăm ngoan, học giỏi mà còn nhiều yếu tố khác. Như đối với học sinh các bậc mầm non, tiểu học, các em cần có các kỹ năng, kiến thức nhận biết thế giới xung quanh, cách ứng xử với người lớn, với bạn bè…; còn bậc THCS, THPT là kiến thức về giáo dục giới tính, Luật Giao thông đường bộ, kỹ năng quan hệ, giao tiếp với bạn bè, làm việc độc lập, làm việc nhóm...
Thời gian qua, cùng với việc nâng cao chất lượng chuyên môn, Trường THPT Nghi Lộc 3, huyện Nghi Lộc hết sức coi trọng việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Vừa lồng ghép trong các tiết chào cờ, vừa tổ chức các buổi học ngoại khóa, học sinh của Trường cùng tham gia các chủ đề theo tháng. Điển hình như cuộc thi tìm hiểu kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Các kiến thức về quan hệ tình dục an toàn, quá trình thụ thai, những hệ lụy khi mang thai ở tuổi vị thành niên vốn ít được nhắc đến vì lý do e ngại thì nay được đề cập và giải thích rõ ràng.
Cô Ngô Thị Thúy Nga, giáo viên môn Ngữ văn và phụ trách tiết kỹ năng sống chia sẻ: “Với những chủ đề trên, học sinh đều có những hiểu biết nhất định. Song, khi đi vào từng trường hợp cụ thể, các em lại lúng túng, không biết xử lý như thế nào cho đúng, phù hợp. Lứa tuổi này các em thường có những rung động trong tình yêu nên trong các buổi học ngoại khóa, chúng tôi sẽ ưu tiên dạy các em kỹ năng sống, nhất là các chủ đề về tình yêu đôi lứa, cách phòng tránh các tai, tệ nạn xã hội; nói về những ước mơ và khát vọng…”.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình trạng dạy và học kỹ năng sống ở trường học hiện nay còn nhiều hạn chế bởi sách giáo khoa riêng về kỹ năng sống và khung chương trình dạy học chưa có. Ngoài ra, năng lực giáo viên còn hạn chế do chưa được đào tạo bài bản nội dung cũng như phương pháp giảng dạy, mà chủ yếu tiếp cận và dạy học bằng kinh nghiệm. Ngoài ra, hiện nay các trường còn chủ yếu tập trung vào việc cung cấp kiến thức chứ chưa hình thành kỹ năng cho các em. Do đó, thực tế, không ít học sinh không thể vận dụng linh hoạt kiến thức đã học vào cuộc sống.
Thiết nghĩ, để giáo dục kỹ năng sống hiệu quả cho học sinh, bên cạnh nỗ lực từ ngành giáo dục thì rất cần sự nhiệt tình, chung tay quan tâm từ phía nhà trường và phụ huynh.
Thu Thủy