(Congannghean.vn)-Bên cạnh những yếu tố như sự đầu tư về cơ sở vật chất, trưng bày… thì thuyết minh viên cũng là một yếu tố góp phần quan trọng trong việc phát triển du lịch tỉnh nhà. Không chỉ truyền tải bức thông điệp về nét đẹp truyền thống lịch sử, văn hóa của các di tích văn hóa đến khách tham quan, du lịch mà đội ngũ thuyết minh viên còn là người “thổi hồn” vào các di tích, hiện vật, các danh lam thắng cảnh…, làm sống dậy từng điểm du lịch, các di tích lịch sử, thu hút khách du lịch thập phương. Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung.
Thuyết minh viên Khu Di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An kể lại những kỷ niệm thời thơ ấu của Bác Hồ cho đoàn du khách Lâm Đồng |
Thuyết minh là một nghề đặc thù, khác với những nghề khác, nó đòi hỏi người thuyết minh phải có kiến thức, trách nhiệm và tinh thần để quảng bá, lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử. Công việc thuyết minh đòi hỏi nhiều yếu tố như: Kỹ năng giao tiếp với đám đông, nắm bắt được tâm lý người nghe, khả năng giải quyết tình huống linh hoạt, khéo léo và phải có kiến thức chuyên sâu về văn hóa, lịch sử của địa phương và dân tộc. Đặc biệt, họ đều có một chất giọng truyền cảm, cuốn hút người nghe.
Du khách có hiểu được những giá trị to lớn của mỗi di tích, danh lam thắng cảnh… hay không, chủ yếu phụ thuộc vào cách dẫn của thuyết minh viên. Thuyết minh viên dẫn khách vào không gian lịch sử văn hóa của mỗi di tích, để mỗi du khách có thể tưởng tượng được không khí lịch sử đầy hào hùng của thế hệ đi trước, để hiểu được những giá trị to lớn của những thăng trầm lịch sử của những di tích, danh lam đó. Khách tham quan thuộc nhiều tầng lớp, độ tuổi khác nhau, vì vậy, đòi hỏi người thuyết minh viên luôn phải đổi mới, có cách dẫn riêng, chọn lọc kiến thức cho phù hợp với đối tượng và cảm xúc nói mỗi lần cũng khác nhau. Có như vậy, thuyết minh viên mới có thể là người truyền cảm hứng cho du khách về cái đẹp và cả niềm tự hào, tính trách nhiệm... mà nếu chỉ đọc qua sách vở hay tự mình quan sát, bản thân du khách sẽ không thể cảm nhận, khám phá hết được.
Với vai trò quan trọng như vậy nên yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ thuyết minh viên cũng cao hơn và khắt khe hơn nhiều nghề khác. Mỗi thuyết minh viên trước hết phải là người có trình độ chuyên môn, có kiến thức vững chắc, chuyên sâu về văn hóa, lịch sử; có kỹ năng giao tiếp, cách ứng xử linh hoạt, giọng nói truyền cảm, hấp dẫn; có sức khỏe tốt, có ngoại hình khá, sự nhẫn nại, hiểu tâm lý du khách và hơn hết là nhiệt tình, tâm huyết và lòng yêu nghề.
Không ít người từng đôi lần về thăm quê Bác đã không khỏi thán phục trước khả năng “lấy nước mắt” người nghe của đội ngũ thuyết minh viên nơi đây. Vẫn chừng ấy khung cảnh, với nếp nhà tranh đơn sơ, vườn cây và hàng rào dâm bụt, thế nhưng cuộc sống thời niên thiếu, gia đình và quê hương Bác Hồ luôn được khắc họa sống động, đầy cảm xúc và thiết tha tình cảm mến yêu, kính trọng. Một trong những yếu tố làm nên thành công đó đến từ cách dẫn dắt câu chuyện, giọng kể, sự hiểu biết, nhiệt tình, linh hoạt trong ứng xử, tính chuyên nghiệp của người thuyết minh viên. Điều đó đã để lại ấn tượng đẹp cho du khách về thái độ phục vụ và văn hóa du lịch trên quê hương Bác Hồ.
Ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu Di tích Kim Liên chia sẻ: Hiện, Khu di tích có 20 thuyết minh viên, chủ yếu là nữ. Tất cả đều có trình độ đại học, đào tạo đúng chuyên môn, chuyên ngành. Mặc dù còn nhiều khó khăn như chưa có chế độ đãi ngộ đặc thù, đội ngũ thuyết minh viên còn thiếu, nhất là vào những dịp cao điểm như mùa hè, các ngày lễ…, nhưng theo ông Tuấn, đội ngũ thuyết minh viên của đơn vị luôn nỗ lực trau đồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu công việc. Qua đó, việc đón tiếp đã nhận được sự phản hồi tích cực từ du khách về tính chuyên nghiệp, kiến thức tốt, cách diễn đạt khoa học, ngôn ngữ chuẩn mực và thái độ niềm nở, thân thiện.