(Congannghean.vn)-Xác định tầm quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, những năm qua, cùng với cả nước, Nghệ An đã ra sức bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của quê hương. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo vệ và phát huy giá trị, các nghệ nhân được tôn vinh, công tác xã hội hóa được tăng cường, thu hút đông đảo các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Di tích lịch sử Đền Cờn (TX Hoàng Mai) hàng năm vào mùa khai hội thu hút hàng nghìn du khách thập phương tới tham quan |
Nghệ An là mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử và cách mạng, không chỉ phong phú về loại hình di sản đã được công nhận mà còn tiềm ẩn nhiều di sản phi vật thể và các di tích chưa được định danh khác. Là tỉnh có mật độ di tích cao so với cả nước, theo thống kê chính thức trên địa bàn tỉnh hiện có 1.692 di tích, bao gồm 374 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Khu di tích Kim Liên, địa điểm mốc số 0 - đường chiến lược Hồ Chí Minh và Khu lưu niệm Phan Bội Châu); 139 di tích cấp quốc gia và 225 di tích cấp tỉnh.
Ngoài ra, kết quả khảo sát, nhận diện di sản và thu thập tư liệu từ đầu năm 2016 đến nay cho thấy, Nghệ An có nguồn tài nguyên di sản rất phong phú, bao gồm nhiều loại hình di sản như di sản văn hóa lịch sử, di sản các bảo tàng, di sản kiến trúc - nghệ thuật, di sản công nghiệp, di sản thiên nhiên - cảnh quan, di sản văn hóa phi vật thể… Tính sơ bộ, các di sản lớn, nhỏ do các địa phương và chuyên gia đề xuất đã lên tới 2.327 di sản. Trước hệ thống di sản văn hóa đồ sộ như thế thì công tác gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa là nhiệm vụ của chính quyền các cấp và của mỗi người dân. Trong bối cảnh đô thị hóa và hội nhập, nhiệm vụ này càng trở nên cấp bách.
Nước ta có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc góp vào nền văn hóa chung một sắc màu độc đáo, tạo nên một bức tranh về văn hóa Việt Nam phong phú và đa dạng. Xác định tầm quan trọng của di sản văn hóa dân tộc, sau ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Đến năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định lấy ngày 23/11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”, nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Những năm qua, công cuộc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của dân tộc đã đạt được nhiều tiến bộ. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo vệ và phát huy giá trị, các nghệ nhân được tôn vinh, công tác xã hội hóa ngày càng thu hút được đông đảo các tổ chức và cá nhân tham gia ủng hộ. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Nghệ An cũng đã triển khai bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, nhiều di tích đã trở thành địa điểm du lịch thu hút du khách thập phương. Điều này không chỉ góp phần quảng bá di tích, văn hóa, mảnh đất xứ Nghệ mà còn thúc đẩy sự phát triển du lịch, đóng góp quan trọng cho ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, theo thời gian và quá trình đô thị hóa đang khiến một số di tích hàng trăm năm tuổi phải chịu tác động của khí hậu, thời gian nên bị xuống cấp, hư hỏng, cũng có không ít di tích có nguy cơ bị xóa sổ. Công tác tuyên truyền về di sản văn hóa cũng như các vấn đề liên quan đến việc giữ gìn, bảo vệ di sản trong cộng đồng ở một số địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến việc di dích bị xâm phạm, hủy hoại. Những điều đó đặt ra khó khăn, thách thức trong công tác phát huy giá trị di sản văn hóa, đòi hỏi phải có cách thức bảo tồn các giá trị văn hóa một cách xứng tầm cũng như nâng cao ý thức bảo vệ, bảo tồn các loại hình di sản, di tích lịch sử - văn hóa trong chính quyền địa phương và cộng đồng cư dân.