Cách đây 100 năm, ngày 7/11/1917 đã nổ ra cuộc các mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) tại nước Nga, một sự kiện lịch sử làm rung chuyển thế giới, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga đã khai sinh ra chủ nghĩa xã hội hiện thực.
Tròn 100 năm về trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bolshevik Nga đứng đầu là V.I. Lenin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã nhất loạt khởi nghĩa lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản và phản cách mạng, lập nên Nhà nước Xô Viết, nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, mở đầu thời đại mới trong lịch sử nhân loại thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Ảnh tư liệu |
Trong một cuộc hội thảo cuối tuần qua, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho rằng, Cách mạng tháng Mười Nga thành công không chỉ đánh dấu sự ra đời của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới mà còn tạo tiền đề cho sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa, một chế độ xã hội xóa bỏ mọi áp bức bất công, đem lại công bằng, bình đẳng, tự do cho con người, đối lập với các chế độ xã hội của giai cấp bóc lột trước đó. Sự ra đời của nhà nước Xô Viết và bước phát triển to lớn của Liên Xô trong những thập niên đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội thể hiện đầy đủ sức mạnh và tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội.
“Sau 100 năm, lý tưởng cao đẹp và những giá trị to lớn của Cách mạng tháng Mười Nga là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội vẫn luôn tỏa sáng, là nguồn động lực thôi thúc và khơi dậy tinh thần cách mạng của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân Việt Nam”, ông Võ Văn Thưởng khẳng định.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá, một thế kỷ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội đã diễn ra với rất nhiều thăng trầm, có cả những thành tựu to lớn đã đạt được ở mỗi nước và cả những đổ vỡ, thất bại. Nhưng cũng chính từ thực tiễn này, mỗi nước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực đã đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm quý báu và bước đầu xác định trên thực tế một số quy luật của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
“Một thế kỷ xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực mang lại nhiều nhận thức lý luận và cả các cung bậc cảm xúc của những người yêu quý sự nghiệp giải phóng và phát triển. Sự tồn tại, phát triển rồi trì trệ, khủng hoảng và cải cách, đổi mới của chủ nghĩa xã hội hiện thực cho chúng ta một đánh giá khái quát về sự thăng trầm, sức sống và cả những vấn đề của chủ nghĩa xã hội hiện thực trong 100 năm qua”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nói.
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, thành tựu nổi bật của một thế kỷ xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự lớn mạnh nhanh chóng, sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội và sự xuất hiện nhiều mô hình xã hội chủ nghĩa trên thế giới.
Còn theo PGS.TS Phạm Xanh, Cách mạng tháng Mười cũng đã tác động đến lịch sử của từng nước, từng quốc gia và tác động tới tâm lý, tình cảm, lý tưởng của từng cá nhân tiên tiến trên Trái đất. Cũng giống như những cuộc cách mạng khác, Cách mạng tháng Mười phải vượt qua những cản trở hết sức khốc liệt của các thế lực chống đối ở trong và ngoài nước để tồn tại và khẳng định đó là chế độ được nhân dân, đặc biệt là giai cấp công nhân và những người lao động ủng hộ.
Trong cuộc hội thảo tại quê hương Cách mạng tháng Mười vào hôm 28/10, Chủ tịch Hội đồng Tổ chức xã hội “Các nhà khoa học định hướng xã hội chủ nghĩa toàn Nga” (RUSO), ông Ivan Nikitchuk nhấn mạnh chiến thắng của giai cấp vô sản ở Nga tháng 10/1917 là chiến công quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại.
Theo ông Nikitchuk, mặc dù đối mặt với muôn vàn khó khăn song chỉ trong thời gian ngắn Liên Xô đã đạt được những thành tựu vĩ đại chưa từng có trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, khoa học- kỹ thuật, văn hóa-giáo dục, quốc phòng-an ninh. Đặc biệt, Liên Xô đã xây dựng thành công chế độ xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, nơi không còn tình trạng người bóc lột người đồng thời đưa chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực. Chính Nhà nước do V.I. Lenin sáng lập đã đánh bại chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quân phiệt, cứu loài người khỏi thảm họa diệt chủng.
.