Văn hóa - Giáo dục

Xã hội hóa đầu năm học: Mỗi nơi một kiểu

08:08, 19/10/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Cứ vào đầu năm học, vấn đề thu - chi lại trở nên “nóng” hơn bao giờ hết, nhất là các khoản thu tự nguyện như xã hội hóa được mỗi trường đưa ra mức thu khác nhau. Bức xúc, lo lắng là tâm lý chung của nhiều bậc phụ huynh khi các khoản đóng góp tự nguyện bị nhà trường áp đặt, cào bằng. Đặc biệt, ở vùng nông thôn, thêm một khoản đóng góp là người dân lại thêm lo toan, trăn trở. Vấn đề này vẫn chưa kết thúc nếu như chưa có cách xử lý triệt để, nghiêm túc.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời về việc chấn chỉnh các khoản thu đầu năm học 2017 - 2018
Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời về việc chấn chỉnh các khoản thu đầu năm học 2017 - 2018

Trước những phản ánh của dư luận về tình trạng lạm thu đầu năm học tại một số cơ sở giáo dục, mới đây Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra đột xuất tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh và Nghệ An. Qua kiểm tra tại 4 địa phương này, ở mức độ khác nhau, các cơ sở giáo dục mà đoàn đến kiểm tra đều đã tổ chức thu nhiều khoản, trong đó có những khoản thu không đúng quy định.

Nhiều năm nay, vào đầu năm mới, ngành Giáo dục vẫn thực hiện 3 khoản thu gồm khoản thu bắt buộc, khoản thu hộ và khoản thu thỏa thuận. Trong số các khoản thu thỏa thuận có nhiều khoản thu các trường ở các địa phương này đã tổ chức thực hiện không đúng quy trình theo quy định tại Điều 5, Thông tư 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10/9/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (trường đứng ra trực tiếp thu, quy định mức thu, thu bình quân).

Nhiều khoản thu được Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra thu theo định mức bình quân trái với quy định tại Thông tư 55/2011/TT- BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh và Công văn số 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18/10/2010, hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở GD&ĐT.

Tại phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND xã đã trực tiếp phê duyệt mức thu và các khoản thu tự nguyện. Điều này là không đúng với quy định. Với những sai phạm ở các trường học tại địa phương này, Đoàn đã yêu cầu chấm dứt ngay việc thu các khoản thu trái quy định, khoản thu chưa được sự đồng thuận của phụ huynh, đồng thời hoàn trả ngay phụ huynh những khoản thu trái quy định…

Xung quanh vấn đề lạm thu, nhiều ý kiến đã lên tiếng về trách nhiệm của Ban đại diện cha mẹ học sinh, khi mà ở nhiều nơi, Ban này đã vô tình “tiếp tay” cho tình trạng lạm thu. Trên các diễn đàn, thậm chí đã có nhiều ý kiến đề nghị xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh, điều này đã vô tình tạo ra “cuộc chiến” giữa các bậc phụ huynh. Trước những kiến nghị này, mới đây, Bộ GD&ĐT tuyên bố sẽ sớm điều chỉnh về điều lệ của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Trên thực tế, khoản thu mà phụ huynh quan tâm nhất chính là xã hội hóa, bởi mang tiếng là tự nguyện nhưng lại mang tính áp đặt, bắt buộc. Không chỉ các trường ở thành phố mà nhiều năm nay, ở nhiều trường khu vực nông thôn cũng đề ra mức thu cào bằng, mang tính bắt buộc khiến phụ huynh thực sự lo lắng.

Theo quan điểm của Bộ GD&ĐT, việc xã hội hóa giáo dục chỉ thực sự có ý nghĩa khi được sự ủng hộ, nhất trí trên tinh thần tự nguyện của các đối tượng tham gia đóng góp. Các hình thức ép buộc nào hay cào bằng mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh là vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu cho ngành GD&ĐT. Chủ trương là vậy, nhưng nhiều cơ sở vẫn cố tình làm trái, thêm vào đó, cách xử lý chưa triệt để của ngành và lãnh đạo địa phương khiến cho vấn đề này trở nên nhức nhối mỗi khi bắt đầu năm học mới.

Tại Nghệ An, những ngày qua, trên diễn đàn mạng xã hội, rất nhiều phụ huynh đã phản ánh các khoản thu ở một số nhà trường. Trong đó chia sẻ đầy bức xúc của phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Lê Lợi (TP Vinh) đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Từ chia sẻ này, hàng nghìn phụ huynh cũng đã lên tiếng, công khai các khoản thu phải nộp vào dịp đầu năm học mới.

Phụ huynh này cho biết, mức thu xã hội hóa của Trường Tiểu học Lê Lợi là từ 700.000 - 1.000.000 đồng/năm (tùy theo bậc học). Bên cạnh đó, phụ huynh còn phải đóng tiền quỹ lớp 500.000 đồng/năm, tiền hội phụ huynh 120.000 đồng/năm, tiền điều hòa 500.000 đồng/em, tiền nước uống 117.000 đồng/năm… Tổng tất cả các khoản chi phí mà chị nộp đầu năm học là 5.260.000 đồng. Theo chị, gia đình có có 2 con đang học tiểu học, như vậy tổng số tiền chị phải nộp là hơn 10 triệu đồng khiến chị không khỏi lo lắng.

Trong những năm qua, công tác xã hội hóa tại Nghệ An đã huy động được nhiều nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các nhà trường. Không thể phủ nhận kết quả vận động xã hội hóa đã mang lại hệ thống cơ sở giáo dục, trường lớp khang trang sạch đẹp, nhất là các trường ở khu vực miền núi như Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu khi mà số tiền huy động được cho các khu vực này lên tới hơn 140 tỉ đồng. Xã hội hóa là cần thiết để phụ huynh cùng chung tay chia sẻ với nhà trường trong việc xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường, khi mà hiện nay ngân sách của Nhà nước dành cho giáo dục còn hạn chế.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra làm thế nào để xã hội hóa được hiểu đúng, làm đúng và thực hiện một cách công khai, minh bạch để nhà trường không lợi dụng khoản thu này để lạm thu. Theo quy trình, trước khi triển khai các khoản thu xã hội hóa, các trường phải lập kế hoạch, xin ý kiến của chính quyền địa phương và phải được sự đồng ý của Phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT; phải thông qua họp phụ huynh và sự đồng thuận, nhất trí cao. Tuy nhiên, hiện nay các trường lại đang làm ngược, đó là tự ý đề ra mức thu, sau đó cào bằng và thu theo tính chất áp đặt, bắt buộc. Điều này đã vấp phải phản đối của phụ huynh và tạo dư luận xấu.

Để chấn chỉnh tình trạng lạm thu, thời gian qua, Sở GD&ĐT Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cũng như chỉ đạo chấn chỉnh việc thực hiện các khoản thu - chi đầu năm học mới. Sở cũng đã, đang tiến hành thanh, kiểm tra tại các địa phương, nhất là các trường bị phụ huynh phản ánh. Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT cho biết, để giải quyết dứt điểm tình trạng lạm thu không chỉ trách nhiệm của Sở mà các ngành liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương, UBND các huyện, thành phố cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát. Ngoài ra, chúng ta cần có chế tài xử lý đủ mạnh, đủ nghiêm để tránh trường hợp một số đơn vị sau khi bị thanh tra vẫn tiếp tục tái phạm.

Huyền Thương

Các tin khác