Văn hóa - Giáo dục
Đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng
(Congannghean.vn)-Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống văn minh, lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập là mục tiêu chung trong Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh ban hành cuối tháng 8 vừa qua.
Hội chợ sách được tổ chức thường niên nhằm thu hút học sinh, sinh viên |
Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2020 phấn đấu 80% học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học. Phấn đấu từ 20 - 25% người dân ở khu vực nông thôn, 15 - 20% người dân ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện văn hóa xã, cơ quan xuất bản và phát hành.
Về nâng cao kiến thức, kỹ năng đọc, phấn đấu 40% - 50% người dân có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc và học tập suốt đời; phấn đấu 85% người sử dụng thư viện (đối với học sinh, sinh viên là 90%) có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí.
Nhịp sống hối hả, cùng với sự phát triển bùng nổ của internet, con người có nhiều hình thức để tiếp nhận các tri thức của đời sống xã hội. Thói quen tìm kiếm thông tin trên mạng internet với những tiện ích nhanh, kịp thời đang trở nên thông dụng, tuy nhiên thói quen này đã, đang ảnh hưởng tiêu cực đến tư duy, cách nhìn nhận, suy nghĩ cũng như hành động của mỗi người. Những trang mạng xã hội như zalo, facebook; những thiết bị công nghệ như smart phone, ipad, laptop đang khiến con người càng ngày càng lười đọc sách.
Theo số liệu từ Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông), bình quân mỗi người Việt Nam đọc 3,6 cuốn sách và 7,07 tờ báo một năm, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Số bình quân bản sách (sách xuất bản có lưu chiểu) trên đầu người Việt Nam tiếp tục giảm: Năm 2015, bình quân 4,1 bản sách/người/năm nhưng đến năm 2016 giảm xuống còn 3,6/bản sách/người/năm. |
Ngoài ra, việc quá lạm dụng vào internet khiến nhiều người, nhất là giới trẻ có thái độ thờ ơ và ỷ lại, tự vứt bỏ đi sự sáng tạo, năng động của bản thân. “Có internet, tôi đã có cả thế giới trong tay rồi!”, đó có thể là câu nói cửa miệng của nhiều người “đam mê” internet và đó cũng là con đường ngắn nhất khiến xã hội nói chung, cá nhân người đó mất đi động lực cố gắng, phấn đấu.
Bên cạnh đó, sự tiếp nhận thông tin thụ động qua các phương tiện nghe nhìn hiện đại đã làm giảm bớt tính tư duy, nghiền ngẫm, sáng tạo vốn có của văn hóa đọc. Thực trạng đáng buồn hiện nay là nhiều người không còn mặn mà với việc đọc, đặc biệt là giới trẻ đã không còn muốn đọc sách theo cách truyền thống, dẫn đến văn hóa đọc ngày càng bị mai một.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh, Trường THCS Nghi Đức, TP Vinh cho biết: “Hiện nay, học sinh rất ít khi lên thư viện đọc hoặc mượn sách để phục vụ việc học cũng như làm giàu kho tàng kiến thức của mình. Nếu cần tìm hiểu thông tin về một vấn đề nào đó, các em học sinh thường lên mạng Google để tra cứu”. Cũng theo cô Thanh, nếu quá phụ thuộc vào máy móc, thiết bị, con người sẽ không có thói quen đọc, thiếu kỹ năng đọc, thông tin tiếp nhận sẽ nhanh chóng nhưng cũng quên nhanh.
Thiết nghĩ, để việc đọc sách ngày càng được nhân rộng trong cộng đồng, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia đọc sách thì cần chú trọng việc xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc; xây dựng và phát triển hệ thống thư viện hiện đại, có vốn tài liệu phong phú, thân thiện với người sử dụng là việc làm cần thiết. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc đa dạng hóa, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển văn hóa đọc và sự chung tay của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội, các cơ sở giáo dục cùng gia đình, cộng đồng có trách nhiệm tham gia và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển văn hóa đọc.
Thu Thủy