Văn hóa - Giáo dục

Đừng dùng tự nguyện làm bức bình phong

14:49, 03/10/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Vào đầu năm học mới, tình trạng lạm thu các khoản đóng góp, triển khai tổ chức dạy thêm tràn lan, trái với các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) diễn ra ở nhiều đơn vị trường học, trở thành vấn đề “nóng” được nhiều người quan tâm. Đáng nói, không ít vụ việc vi phạm đều núp dưới chiêu bài tự nguyện của phụ huynh, học sinh.

Tranh minh họa
Tranh minh họa (Nguồn: Internet)

Từ trước tới nay, từ tự nguyện vẫn được dùng trong mọi hoạt động, lĩnh vực của đời sống, thường được sử dụng với nghĩa tích cực. Tự nguyện, hiểu một cách nôm na là thể theo nguyện vọng của bản thân mà không chịu một sức ép hoặc áp lực nào. Cũng vậy, trong hoạt động giáo dục, về bản chất, tự nguyện đăng ký học thêm hay tự nguyện đóng góp xã hội hóa phải bắt nguồn từ nguyện vọng thực sự của các phụ huynh học sinh mà không phải là tự nguyện trên tinh thần... bắt buộc hay miễn cưỡng tự nguyện do những áp lực vô hình nào đó. Tuy nhiên, trên thực tế, từ tự nguyện trong môi trường giáo dục đang bị lạm dụng nhằm che đậy cho những mục đích khác.

Từ tự nguyện học thêm…

Với hoạt động dạy thêm, học thêm, Bộ GD&ĐT đã có quy định: Việc học thêm phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của người học, trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, giáo viên không được phép ép buộc học sinh đến lớp học thêm cả trong và ngoài nhà trường dưới bất cứ hình thức nào. Đây được xem là quy định “cứng” nhằm ngăn ngừa những tiêu cực có thể xảy ra.

Tuy nhiên trên thực tế, nhằm đối phó với quy định “cứng” trên, khi nhà trường mở các lớp học thêm hoặc giáo viên mở các lớp dạy thêm tại nhà, học sinh phải viết đơn tự nguyện xin học, có kèm theo chữ ký và ý kiến xác nhận của phụ huynh nhằm hợp pháp hóa. Khi dư luận phản ứng, bức xúc, các cấp, ngành có đoàn thanh tra đến thanh, kiểm tra về tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan thì lúc ấy đã có những lá đơn xin học thêm tự nguyện làm bình phong.

Bởi vậy, dù mang tiếng là tổ chức dạy, học thêm theo đúng quy định, dựa trên nhu cầu đăng ký tự nguyện của học sinh nhưng không ít giáo viên vẫn dùng “tiểu xảo” để “kéo” học sinh đến với các lớp học thêm. Những “chiêu trò” quen thuộc thường được sử dụng để ép học sinh phải... tự nguyện đi học thêm như: Cho điểm “chặt” với những học sinh không tự nguyện học thêm và ngược lại, dạy kiến thức chính khóa trong giờ học thêm, dạy kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” trong giờ chính khóa, để dành “tâm huyết” trong các buổi dạy thêm... Không ít học sinh do nhiều lý do khác nhau không muốn đi học thêm cũng phải miễn cưỡng đăng ký.

… Đến tự nguyện đóng góp xã hội hóa

Chủ trương xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực trong nhân dân nhằm phục vụ việc thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển là hoàn toàn đúng đắn. Mặc dù vậy, các nhà trường không nên nhân chủ trương xã hội hóa giáo dục mà “lạm phát” các khoản thu ngoài quy định lấy danh nghĩa tự nguyện. Nhiều trường muốn thu thêm một số khoản ngoài quy định cũng được “linh hoạt” chuyển sang mục tự nguyện.

Từ năm học 2008 - 2009, thực hiện quy định của Luật Giáo dục sửa đổi và thông tư của Bộ Tài chính, phụ huynh học sinh không phải đóng khoản tiền xây dựng trường đầu năm. Những tưởng, phụ huynh học sinh sẽ bớt đi phần nào gánh nặng đóng góp các khoản đầu năm học. Tuy nhiên, trong điều kiện không thu được “danh chính ngôn thuận” khoản tiền xây dựng, nhiều nhà trường đã “lách luật” bằng cách vận động phụ huynh học sinh tự nguyện đóng góp. Chủ trương này được các nhà trường thực hiện ngay trong cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm.

Mặc dù các nhà trường đã có phổ biến tới tất cả các phụ huynh rằng, đây là khoản đóng góp không bắt buộc, nếu ai đồng ý thì tự ký tên vào bản danh sách tự nguyện đóng góp đã được lập sẵn (có quy định ngầm mức “sàn” tối thiểu), nhiều phụ huynh đã phải ký tên vào danh sách tự nguyện và chấp nhận nộp tiền chỉ với tâm lý “muốn cho con được bằng bạn bằng bè”. Một số phụ huynh khác lại có tâm lý nghi ngại: liệu con em mình có bị thầy cô và nhà trường “để ý” nếu không tự nguyện đóng góp?! Trong khi mức sống của nhiều người dân ở các vùng, miền là không đồng đều, việc các nhà trường thu thêm các khoản ngoài quy định, hay việc tự định ra các mức “sàn” đóng góp như đã nêu trên sẽ làm mất đi ý nghĩa đích thực của chủ trương xã hội hóa trong giáo dục.

Tác hại lớn nhất của việc sử dụng tự nguyện làm bức bình phong để che đậy hoạt động dạy thêm tràn lan kém hiệu quả hay biện minh cho tình trạng lạm thu là phụ huynh và dư luận xã hội mất niềm tin vào môi trường giáo dục. Hình ảnh, vị thế của người giáo viên vì thế cũng bị giảm sút, mai một. Để chấm dứt hiện tượng tiêu cực này, bên cạnh ý thức tự trọng nghề nghiệp của bản thân mỗi giáo viên, rất cần sự chỉ đạo rốt ráo, công tâm, tránh lối tư duy “lách luật” vì “nồi cơm chung” của các cấp quản lý, đứng đầu là hiệu trưởng các đơn vị trường học.

Bùi Minh Tuấn

Các tin khác