(Congannghean.vn)-Năm học mới đã bắt đầu gần 1 tháng nhưng một số trường học tại 2 huyện Hưng Nguyên và Thanh Chương (Nghệ An) vẫn đang ngổn ngang, bộn bề khi chưa được xây dựng, tu sửa, thậm chí có trường hiện đang nằm “đắp chiếu” chờ vốn.
Nằm “đắp chiếu” chờ nhà đầu tư
Do nhiều năm qua sĩ số liên tục giảm nên học sinh của 4 xã Hưng Nhân, Hưng Phú, Hưng Khánh và Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên đã sáp nhập và học chung tại Trường THCS Lam Thành đóng trên địa bàn xã Hưng Châu. Tưởng chừng, khi sáp nhập thì cơ sở vật chất sẽ được cải thiện, song trên thực tế, 8 năm qua, cơ sở vật chất của nhà trường vẫn còn nhiều trăn trở.
Được biết, đầu năm 2016, Trường được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&DT) hỗ trợ xây thêm 1 dãy phòng học từ nguồn vốn ADB thuộc Dự án “Giáo dục trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2”. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên công trình chỉ mới xây xong phần móng và phải tạm dừng nhiều tháng nay.
Công trình Trường Mầm non xã Hưng Châu được nhà đầu tư “hứa” tài trợ 14,9 tỉ đồng nhưng sau khi khởi công gần 1 năm qua thì chưa thấy quay trở lại |
Chia sẻ với phóng viên, thầy Võ Đình Hòe, Hiệu trưởng Trường THCS Lam Thành cho biết: “Năm học này, Trường có gần 500 học sinh với 16 lớp ở các khối. Từ khi sáp nhập đến nay, do lớp không đủ nên nhà trường phải tổ chức học 2 ca. Năm học mới đã bắt đầu nhưng các phòng chức năng của Trường đang rất tạm bợ, không đáp ứng được yêu cầu dạy và học của thầy, cô giáo và học sinh”.
Cũng tại xã Hưng Châu, Trường Mầm non đóng trên địa bàn hiện có 8 phòng học nhưng 5 phòng học đã cũ kỹ, xuống cấp; 3 phòng học còn lại Trường phải mượn tạm nhà văn hóa xóm với diện tích mỗi phòng chỉ hơn 10 m2. Giải thích về điều này, cô Nguyễn Thị Quý, Hiệu trưởng nhà trường ngậm ngùi: “Cuối năm 2016, có 1 doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh thông qua huyện đã về xã và hứa sẽ đầu tư hỗ trợ xây dựng cho xã 1 trường mầm non với số vốn 14,9 tỉ đồng. Để dự án được triển khai, xã Hưng Châu ngay lập tức bố trí mặt bằng gần 7.000 m2, bỏ ra gần 3 tỉ đồng để san lấp, xây dựng khuôn viên. Tuy nhiên, sau khi động thổ xong thì không thấy nhà đầu tư có động thái gì nên gần 1 năm qua, dự án đã phải “đắp chiếu” nằm chờ...”.
Trên địa bàn huyện Hưng Nguyên, tình trạng xây dựng trường học mới đang bị “đắp chiếu” không chỉ xảy ra ở xã Hưng Châu mà Trường Mầm non Hưng Yên Nam (xã Hưng Yên Nam) hơn 1 năm qua cũng đang chờ nhà tài trợ “hụt”.
Tại huyện Thanh Chương, hiện đang có 65 điểm trưởng lẻ đang phải học tạm ở các nhà văn hóa hoặc ở các đơn vị khác. Mặc dù số lớp đã giảm nhưng Trường Tiểu học Thanh Liên (xã Thanh Liên) vẫn đang còn 2 lớp phải học tạm ở Trường THCS của xã.
Ông Đặng Văn Hóa, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Chương cho biết: “Do đặc thù là địa bàn rộng, số trường khó khăn nhiều nên việc huy động từ ngân sách địa phương để xây trường mới rất khó. Thực tế, hầu hết các ngôi trường được xây mới của huyện nguồn kinh phí đều từ tỉnh và từ sự hỗ trợ thông qua xã hội hóa giáo dục”.
Nỗ lực từ ngành giáo dục
Theo số liệu từ Sở GD&ĐT, toàn tỉnh hiện còn 1.403 phòng học tạm, mượn ở các cấp học (trong đó, mầm non 748 phòng; tiểu học 548 phòng; THCS 86 phòng; THPT 21 phòng). Theo ông Nguyễn Mậu Lương, Giám đốc Ban Quản lý các dự án chuyên ngành GD&ĐT cho biết, hiện tỉnh đang còn ít nhất 120 trường thuộc diện đặc biệt khó khăn cần phải xây dựng. Tuy nhu cầu xây dựng trường học mới ở các huyện rất lớn nhưng nguồn kinh phí đầu tư công trung hạn cấp cho ngành giáo dục giai đoạn 2016 - 2020 rất ít, chỉ 131 tỉ đồng. Với nguồn vốn ít ỏi này, trong 3 năm tới, số trường được đầu tư xây dựng và sửa chữa “chỉ đếm trên đầu ngón tay”.
Được biết, trước thềm năm học mới, ngành giáo dục đã đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ sở vật chất ở các trường PTDTNT Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Trường PTDTNT THPT số 2 Nghệ An từ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia. Được biết, trong giai đoạn 2017 - 2020, Nghệ An sẽ được Trung ương hỗ trợ 254 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ để xây dựng phòng học, xóa phòng học tranh, tre, tạm, mượn, cấp 4 xuống cấp cho 86 trường mầm non, tiểu học thuộc các xã đặc biệt khó khăn. Ngành cũng đang tích cực kêu gọi xã hội hóa và sự vào cuộc của chính quyền địa phương để cùng chung tay đầu tư cơ sở vật chất trường lớp cũng như nâng cao chất lượng giáo dục.
Thiết nghĩ, ngoài sự nỗ lực từ ngành giáo dục, các cấp, nhà trường rất cần sự chung tay của cả cộng đồng để học sinh các cấp trên toàn tỉnh được học hành trong môi trường có cơ sở vật chất đảm bảo, từ đó chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao.