Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201709/day-manh-cong-tac-bao-ton-phat-huy-van-hoa-truyen-thong-cac-dan-toc-thieu-so-758901/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201709/day-manh-cong-tac-bao-ton-phat-huy-van-hoa-truyen-thong-cac-dan-toc-thieu-so-758901/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 26/09/2017, 08:54 [GMT+7]

Đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số

(Congannghean.vn)-Miền Tây Nghệ An là nơi tập trung nhiều dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc có một nét văn hóa riêng, rất đa dạng, phong phú, tạo nên những nét đặc trưng cho từng dân tộc nói riêng, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam nói chung. Trước sự giao thoa của các nền văn hóa và sự mai một bản sắc văn hóa truyền thống, việc bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị văn hóa cũng như tinh thần trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là nhiệm vụ cấp thiết để phát triển bền vững đất nước.

Lễ hội đền Chín Gian của đồng bào dân tộc Thái ở huyện Quế Phong
Lễ hội đền Chín Gian của đồng bào dân tộc Thái ở huyện Quế Phong

Văn hóa truyền thống các DTTS là những giá trị vật chất, tinh thần được tích tụ, gìn giữ trong toàn bộ quá trình lịch sử phát triển của DTTS. Trong dòng chảy toàn cầu hóa, bảo tồn văn hóa truyền thống các DTTS nhằm lưu giữ tính đa dạng của văn hóa địa phương, làm phong phú kho tàng văn hóa Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, làm tốt công tác này còn góp phần nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc; chống lại âm mưu phá hoại, chia rẽ của các thế lực thù địch.

Tuy nhiên, trong nhịp sống ngày càng hối hả của cuộc sống hiện đại, bên cạnh tạo cơ hội được giao lưu, hội nhập nền văn hóa là nguy cơ nhiều giá trị văn hóa truyền thống, nhất là của các DTTS đang bị mai một, lãng quên. Cùng với đó là những yếu tố văn hóa ngoại lai đang dần xâm nhập, đã tác động rất lớn đến văn hóa truyền thống các DTTS.

Đặc biệt, với thế hệ trẻ hiện nay, sự tiếp thu văn hóa, tri thức do thiếu định hướng, thiếu các điều kiện cần thiết để thực hành văn hóa đã làm cho văn hóa truyền thống của các dân tộc ngày càng mai một; đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào ngày càng nghèo nàn, lớp trẻ đang có xu hướng lãng quên và xa rời bản sắc văn hóa dân tộc; một số ý thức được giữ gìn nhưng lại có hơi hướng “hiện đại hóa” hoàn toàn làm biến dạng bản sắc dân tộc.

Đứng trước những thách thức ấy, việc khôi phục, bảo tồn, phát triển văn hóa cổ truyền các DTTS ở Nghệ An trở thành nhiệm vụ cấp bách, vừa mang tính trước mắt, vừa mang tính lâu dài; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam đa dạng, thống nhất, đậm đà bản sắc dân tộc. Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức cuộc họp, nghe, cho ý kiến góp ý về Đề án bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian các DTTS tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2025.

Đề án đề ra 2 giai đoạn 2018 - 2020 và 2020 - 2025, với những giải pháp cụ thể như: Kiểm kê, phục dựng, xây dựng không gian trình diễn, thành lập và hỗ trợ các câu lạc bộ dân ca, dân nhạc, dân vũ, nghi lễ… Kinh phí thực hiện đề án gồm nguồn ngân sách Nhà nước cấp, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Theo ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường tại cuộc họp thì tỉnh sẽ bố trí thêm kinh phí để nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tại vùng đồng bào DTTS, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Dự kiến, tổng kinh phí hơn 27,2 tỉ đồng.

Những năm qua, Nghệ An đã quan tâm đầu tư, ban hành các chính sách hỗ trợ công tác bảo tồn, phát triển, xây dựng văn hóa truyền thống các DTTS; trong đó, nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như: Tiếng nói, chữ viết, trang phục, dân ca, văn học dân gian… của các DTTS được kiểm kê, bảo tồn. Ngoài ra, hàng năm, tổ chức sưu tầm, lưu giữ các giá trị văn hóa, tổ chức các lớp, các câu lạc bộ dạy chữ Mông, Thái, Ơ đu bước đầu có những kết quả khả quan. Nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tưởng chừng bị mai một cũng đã được phục dựng như: Đền Chiêng Ngam ở huyện Quỳ Châu, đền Chín Gian ở huyện Quế Phong; xây dựng, bảo tồn làng văn hóa các dân tộc    Ơ đu, bảo tồn bản Huồi Thợ (1 bản Khơ mú tại xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn)…

Các giá trị văn hóa truyền thống là sắc thái đặc trưng của nền văn hóa dân tộc, nó không mãi đứng yên mà luôn năng động phát triển, đổi mới liên tục. Văn hóa truyền thống các DTTS ở Nghệ An cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vì vậy, trong công tác bảo tồn cần phải loại bỏ dần những tập tục lạc hậu lỗi thời, giữ gìn những yếu tố văn hóa truyền thống còn ý nghĩa và tác dụng tích cực, chọn lọc, tiếp thu cái mới để bổ sung và làm phong phú thêm nền văn hóa truyền thống các DTTS.

.

Thu Thủy

.