(Congannghean.vn)-Lúc sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng tận sâu trong trái tim Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành tình cảm sâu nặng, thiết tha với quê hương Nghệ An. Sau bao năm xa quê, Người mới có dịp về thăm lại mái tranh nhỏ, lối đi riêng, gặp lại đồng bào, đồng chí, những người hàng xóm từng gắn bó thuở nhỏ. Những kỷ niệm trong chuyến về thăm quê lần thứ nhất (14/6/1957) của Người, những bài học, sự kỳ vọng với quê hương xứ Nghệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà cho đến hôm nay.
Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất. Ảnh tư liệu |
Nghe tin Bác về thăm quê, không chỉ riêng người dân làng Sen quê nội, Hoàng Trù quê ngoại mà nhân dân cả huyện Nam Đàn, cả tỉnh Nghệ An đều náo nức mong chờ. Từ trẻ em đến người già, ai ai cũng vui mừng phấn khởi, mặc những bộ quần áo đẹp nhất, mới nhất đi đón người con quê hương - lãnh tụ kính yêu của mình. Thời điểm đó miền Bắc mới được giải phóng, vừa bước qua thời kỳ 2 năm khôi phục kinh tế và văn hoá, hàn gắn vết thương chiến tranh; đời sống nhân dân còn nghèo, cơm ăn còn bữa có bữa không, áo quần chưa thật lành, nhưng đã hạnh phúc trong độc lập, tự do.
Quang cảnh quê hương vẫn thế, không có nhiều thay đổi, vẫn cây bưởi trước nhà, cây mít, hàng cau phía sau, chiếc võng tuổi thơ, chiếc rương gỗ nhỏ, khung cửi của mẹ, chiếc phản gỗ và mấy pho sách của cha. Người ngắm lại ngôi nhà đã gắn bó một giai đoạn rất quan trọng trong cuộc đời. Ngôi nhà này là một kỷ vật chứng kiến quá trình lao động, học tập và trưởng thành từ năm mười một tuổi đến năm mười sáu tuổi của Bác, là nơi ghi dấu những cảm xúc đầu tiên về lòng yêu nước, về nhận thức xã hội và ghi dấu những hoạt động cứu nước bước đầu của Người.
Chia sẻ về cảm xúc của mình được trở về sau bao năm xa quê, Người tâm sự: “Người ta về thăm quê thì mừng mừng tủi tủi. Tôi về thăm quê thì chỉ thấy mừng mừng!”, “Là vì: bây giờ nước ta được độc lập tự do, nhân dân được sống cuộc sống hạnh phúc, ai cũng có cơm ăn áo mặc, các cháu được học hành”. Sau khi thăm quê nhà, ở TP Vinh, Người tiếp đại biểu các đoàn thể quân, dân, chính, Đảng tỉnh Nghệ An và Khu 4 cũ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với hơn 3.000 đại biểu cán bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An đón chào Người.
Bác Hồ tại làng Sen |
Phấn khởi trước sự họp mặt đông đủ các tầng lớp nhân dân, Người đọc câu thơ: “Chúng ta đoàn kết một nhà/ Ấy là nghĩa trọng, ấy là tình sâu”. Sau đó, Người nói: "Tôi là một người con tỉnh nhà đã hơn 50 năm xa cách quê hương. Hôm nay là lần đầu trở về thăm tỉnh nhà. Có thể nói là: “Quê hương nghĩa trọng tình cao/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình!".
Nói chuyện với Hội nghị cán bộ toàn tỉnh Nghệ An, Người lưu ý, tỉnh nhà phải “cần, kiệm, liêm, chính”, thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm; phải đoàn kết chặt chẽ hơn nữa. Người nêu rõ: Tiền đồ của mỗi người, nhất là người cách mạng, là nằm trong tiền đồ của dân tộc, nằm trong tiền đồ của giai cấp, không thể tách riêng được. Nhiệm vụ của chúng ta là phải ra sức củng cố chính quyền nhân dân và củng cố những tổ chức của nhân dân ở các địa phương và quan tâm đến đời sống của nhân dân. Người mong muốn Nghệ An chuyển biến tốt về mọi mặt, nhất là chính trị và kinh tế. Người khẳng định: “Tỉnh Nghệ An có truyền thống cách mạng. Vậy các cô, các chú có quyết tâm làm cho tỉnh Nghệ An thành một tỉnh gương mẫu không? Quyết tâm không? Làm được không? - Được! Rất tốt.
Hiện nay có độ “vênh” giữa một số đơn vị khi chưa thống nhất giữa ngày 14/6 hay 16/6. Theo lịch trình, ngày 12 - 13/6/1957, Bác thăm tỉnh Thanh Hóa. Ngày 14 - 16/6/1957, Bác về Nghệ An. Theo đó, căn cứ vào các tài liệu lịch sử, Tỉnh ủy Nghệ An đã thống nhất chọn ngày 14/6 là Ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất. |
60 năm qua, lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An đang nỗ lực từng ngày để đưa tỉnh nhà phát triển đúng như tâm nguyện của Người. Kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực, đời sống của nhân dân ngày một cải thiện và nâng lên.
TP Vinh đang chuyển mình trong nỗ lực trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, những kết quả trên vẫn còn rất nhỏ bé so với kỳ vọng của Người. Điều Bác mong muốn là Nghệ An trở thành tỉnh kiểu mẫu của phía Bắc vẫn còn chưa thực hiện trọn vẹn. Nghệ An vẫn đang là một tỉnh còn nhiều khó khăn với thu nhập bình quân đầu người thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao; tăng trưởng thấp và chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của hàng hóa và sức lao động thấp… Một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra; nhiều dự án, công trình trọng điểm chậm phát huy hiệu quả. Nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá như vậy để mỗi một cán bộ, đảng viên và người dân tỉnh nhà thấy rằng, cần phải nêu cao quyết tâm, nỗ lực rất lớn để thực hiện được điều mong mỏi của Bác Hồ.
Bác Hồ với trẻ em tại thành phố Vinh trong dịp về thăm quê |
Sự quan tâm của Trung ương là rất quan trọng nhưng việc phát huy nội lực cũng là yếu tố quyết định đến kết quả phát triển của Nghệ An. Bởi thế, Nghệ An “phải đổi mới mạnh hơn nữa tư duy, đi lên bằng chính sức của mình; huy động mọi nguồn lực trong và ngoài tỉnh cho phát triển; phải phát huy sức mạnh của các thành phần kinh tế, trong đó có cả kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Trung ương hỗ trợ là cần thiết, nhất định phải có nhưng Nghệ An cần phát huy nội lực mới là cái vô tận”. Có như vậy, tâm nguyện và mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Nghệ An mới sớm trở thành hiện thực.