Văn hóa - Giáo dục
Đảm bảo nguyên tắc an toàn về PCCC tại các phòng thí nghiệm trong trường học
(Congannghean.vn)-Phòng thí nghiệm tại các trường THPT chứa rất nhiều hóa chất có nguy cơ cháy, nổ cao. Vì vậy, tuân thủ nguyên tắc an toàn, nhất là những quy tắc an toàn về PCCC cũng như nâng cao ý thức của học sinh là vấn đề cần được các trường quan tâm.
Tăng cường giám sát đảm bảo an toàn PCCC trong phòng thí nghiệm |
Sự cố hy hữu xảy ra cách đây không lâu tại Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) khiến nhiều người lo ngại về mức độ an toàn ở các phòng thí nghiệm tại trường THPT. Trước đó, trong lúc dọn dẹp dụng cụ thực hành, một số nam sinh lớp 12A2 của Trường đã đùa nghịch, thực hành thí nghiệm ngoài chương trình học, gây ra vụ nổ khiến 3 học sinh ở gần hiện trường bị bỏng, trong đó 1 em nữ bỏng độ 3.
Thực tế, tại các trường học, vào những giờ thực hành hóa học, nhà trường cũng như giáo viên bộ môn rất khó kiểm soát tuyệt đối học sinh. Một lớp học với gần 40 - 50 học sinh, hơn nữa ở lứa tuổi các em rất hiếu động, thích khám phá nên chỉ cần một phút lơ là, thiếu cảnh giác của giáo viên là các em đã gây nên “họa”.
Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, một giáo viên bộ môn Hóa của 1 trường THPT cho biết: Trên thực tế, công tác PCCC ở trường học còn có nhiều hạn chế. Mặc dù được đầu tư trang thiết bị về chữa cháy nhưng chưa hiệu quả. Với lại, tai nạn hóa chất như bỏng thì phải hiểu nguyên lý của nó mới giải quyết được. Ở vào lứa tuổi các em thường hay tò mò, nghịch ngợm mà không lường hết hậu quả xảy ra. Vì vậy, ngoài những quy định chung về PCCC thì quan trọng nhất vẫn là giáo dục ý thức, kỹ năng và kiến thức thực hành cho học sinh… Tại một số trường chưa có nhân viên phòng thí nghiệm, mỗi giáo viên bộ môn quản lý số lượng học sinh đông nên cũng gặp nhiều khó khăn…
Theo quy định của Bộ GD&ĐT về phòng học bộ môn tại Quyết định 37/2008QĐ-BGDĐT, ở điều 15, chương III, phòng học bộ môn của trường THPT, các trang thiết bị PCCC phải được thiết lập đúng quy định về tiêu chuẩn xây dựng và lắp đặt hiện hành, phù hợp với từng bộ môn. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều trường học vẫn còn xem nhẹ vấn đề này.
Rút kinh nghiệm từ sự việc đáng tiếc xảy ra tại Trường THPT Phan Đình Phùng, thiết nghĩ các trường học cũng như giáo viên bộ môn cần giáo dục, tuyên truyền để học sinh nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình cũng như kỹ năng xử lý trong quá trình thực hành. Bên cạnh đó, nhà trường cần tăng cường quản lý việc sử dụng, bảo quản hóa chất cũng như giám sát học sinh thực hành. Theo các nhà chuyên trách, khi xảy ra cháy, cần ngắt hệ thống điện, đưa toàn bộ hóa chất chưa bị cháy ra ngoài, đặc biệt là chú ý đến các hóa chất nguy hiểm cháy, nổ…
Phan Tuyết