Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ xây dựng bộ đề thi thử nghiệm theo 5 bài thi để công bố ngay sau khi học sinh lớp 12 hoàn thành chương trình năm học 2016-2017 (dự kiến giữa tháng 5/2017), giúp các cơ sở giáo dục và thí sinh làm quen với định dạng đề thi, phương thức thi theo bài.
Ảnh minh họa |
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng trao đổi với báo chí ngày 25/4.
Theo Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng, để chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi; tiếp tục hoàn thiện phần mềm quản lý thi THPT quốc gia, cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ, nâng cấp kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thi và tuyển sinh.
Đồng thời, chỉ đạo tổ chức và kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại các sở GD&ĐT, công tác chuẩn bị tuyển sinh tại các trường ĐH, CĐ. Thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra công tác thi và tuyển sinh trong và sau thời gian tổ chức thi và tuyển sinh. Giải đáp các băn khoăn thắc mắc về thi và tuyển sinh; hướng dẫn xử lý các khó khăn vướng mắc trong quá trình chuẩn bị tổ chức thi và tuyển sinh.
Tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, tư vấn các cơ sở giáo dục về dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; kỹ thuật biên soạn ma trận đề và câu hỏi trắc nghiệm khách quan; tổ chức nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh học kỳ II và cả năm học bảo đảm khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực học thực chất của học sinh...
Năm 2017, học sinh lớp 12 sẽ phải thi 5 bài, gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ); 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí đối với giáo dục thường xuyên). |
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường ĐH, CĐ phối hợp chặt chẽ với các Sở GD&ĐT liên quan trong công tác chuẩn bị tổ chức thi, bố trí đầy đủ, có chất lượng, đủ tiêu chuẩn các thành phần tham gia Kỳ thi theo điều động của Bộ, bảo đảm đúng quy định của Quy chế. Chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân sự phục vụ công tác tuyển sinh; thiết lập đường dây nóng và phân công các cán bộ nắm vững Quy chế tuyển sinh để hướng dẫn và giải đáp thắc mắc cho thí sinh.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã kịp thời ban hành các văn bản pháp quy chỉ đạo thi và tuyển sinh kèm theo các văn bản hướng dẫn như: Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ban hành Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT; Thông tư 05/2017/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy; tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy... và các công văn hướng dẫn liên quan.
Bên cạnh đó, Bộ đã tổ chức tập huấn về quy chế, nghiệp vụ tổ chức thi và sử dụng phần mềm quản lý thi, tuyển sinh. Công tác tập huấn đã tập trung vào nhưng điểm mới và các vấn đề sai sót thường xảy ra ở các năm trước. Bộ đã chỉ đạo các Sở GD&ĐT tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi THPT quốc gia và đăng ký xét tuyển tuyển sinh ĐH hệ chính quy; tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy từ ngày 1-20/4.