(Congannghean.vn)-Nhắc đến nhạc sĩ Lê Hàm, nhiều người biết đến ông với các ca khúc nổi tiếng như: “Vinh - Thành phố bình minh”, “Người mẹ Làng Sen”... Tuy nhiên, không mấy ai biết rằng, từ rất sớm, nhạc sĩ Lê Hàm đã có niềm đam mê sưu tầm những làn điệu dân ca ví, giặm. Dày công, miệt mài nghiên cứu, đến nay ông đã cho ra đời cuốn sách “Âm nhạc dân gian xứ Nghệ”. Đây được xem là công trình khoa học bổ ích, có giá trị thiết thực. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm quê nhà.
Nhạc sĩ Lê Hàm trò chuyện với tác giả |
Nhạc sĩ Lê Hàm sinh ra tại xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu. Chính mảnh đất này đã nuôi dưỡng tâm hồn người nhạc sĩ, những câu hát dân ca, câu Kiều đã in sâu trong tâm hồn để rồi từ đó ông say mê từ lúc nào không hay...
18 tuổi, nhạc sĩ Lê Hàm đã bắt đầu sáng tác và khơi nguồn cảm hứng cho nhiều ca khúc đi cùng năm tháng. Âm nhạc đã giúp ông tìm về với cội nguồn để bản thân tự mày mò, tìm hiểu, đặc biệt là với các làn điệu dân ca.
Ông nhớ lại: “Năm 1947 - 1951, khi tôi còn là thiếu sinh quân, trong một lần đi thuyền nghe người chèo đò hát ví trên sông La, tôi cứ thắc mắc điệu hát gì mà hay thế. Và lúc đó, tình yêu âm nhạc trỗi dậy trong tôi. Năm 1955 - 1956, Chi hội Văn nghệ Liên khu IV giải thể, tôi về công tác tại Ty Văn hóa Hà Tĩnh. Đây là khoảng thời gian tôi bắt đầu say sưa với việc sưu tầm dân ca Nghệ Tĩnh”.
Chiếc ba lô trên vai với máy ghi âm và một số băng đĩa, bút, sổ sách, nhạc sĩ Lê Hàm đã rong ruổi trên những con đường, đến với từng làng quê. Qua nơi nào ông cũng gặp gỡ, trò chuyện với các bậc cao niên, nghe các cụ hát rồi cẩn thận ghi chép vào sổ sách. Nhắc đến kỷ niệm của những chuyến đi, nhạc sĩ Lê Hàm nhớ mãi mỗi lần đói bụng, chỉ cần dăm củ khoai nướng mà vẫn hàn huyên thâu đêm; hay có lần gặp phải máy bay Mỹ ném bom, ba lô, dụng cụ bay hết.
Miệt mài sưu tầm, nghiên cứu, năm 1970, khi tập hợp được trên 30 bài hò, ví, giặm, ông được Hội Văn nghệ Hà Tĩnh xuất bản tuyển tập dân ca xứ Nghệ. Nó trở thành những tiết mục biểu diễn của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Sau này khi đã là Trưởng đoàn ca múa Nghệ Tĩnh, mặc dù bộn bề công việc nhưng nhạc sĩ Lê Hàm vẫn dành thời gian đi đến các làng quê để sưu tầm dân ca ví, giặm. Trong những chuyến đi đó, ông đã tìm về nơi mình sinh ra, gặp lại cụ Hòe, ghi lại mấy điệu hò cưa gỗ hay cùng với dân chài ra biển nghe hát hò ruốc tôm canh...
Năm 1961, tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Lê Hàm được cử vào công tác tại Vĩnh Linh. Tại đây, ông phụ trách âm nhạc đặc khu giới tuyến Vĩnh Linh. Một thời gian, ông trở về Ty Văn hóa Hà Tĩnh công tác. Dù ở đâu, trên cương vị nào thì tình yêu dân ca ví, giặm vẫn luôn thường trực trong tâm hồn nhạc sĩ, thôi thúc ông tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu.
Ông luôn nhớ lời người thầy của mình - chuyên gia âm nhạc Liên Xô Be-la-rut-xep: “Tất cả các nhạc sĩ luôn luôn phải học tập trong dân gian và nên thuộc ít nhất 5 - 10 bài dân ca”. Đến nay, nhạc sĩ Lê Hàm đã sưu tầm và nghiên cứu khoảng 200 làn điệu dân ca, bao gồm hò, vè, ví, giặm... Nhờ quan sát, tìm hiểu, ông đã tìm ra nguồn gốc, đặc điểm âm nhạc của các làn điệu. Về sau, những nghiên cứu này được tập hợp cùng với 2 tác giả Hoàng Thọ, Thanh Lưu trong cuốn sách “Âm nhạc dân gian xứ Nghệ” (NXB Nghệ An, năm 2000) do ông làm chủ biên và Phần I: “Âm nhạc dân gian của người Việt ở xứ Nghệ” do chính ông viết.
Với những cống hiến không mệt mỏi trong lĩnh vực âm nhạc nói chung và dân ca ví, giặm nói riêng, nhạc sĩ Lê Hàm xứng đáng là tấm gương sáng cho các thế hệ nhạc sĩ trẻ học tập và noi theo...