Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, điện thoại thông minh đang là vật dụng không thể thiếu của mỗi nhà. Bên cạnh việc nhắn tin, gọi điện hay check mail làm việc, những chiếc smartphone này còn được sử dụng như một món đồ chơi dỗ trẻ con.
Lợi dụng những nhân vật hoạt hình nổi tiếng để quay clip. Nhiều người đã sử dụng hình thức này để thu hút quảng cáo, bán sản phẩm hoặc chỉ đơn giản là mua vui. Tuy nhiên, khi lồng ghép sự phản cảm, hở hang, kích động bạo lực vào các clip đó thì không vui một chút nào. Đặc biệt, những clip này lại được đăng tải trên các trang web và mạng xã hội mà trẻ em thường xuyên truy cập trên điện thoại.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt Nương, Hà Nội bày tỏ: Thật ra những hình ảnh đấy rất ấn tượng và ảnh hưởng nhiều đến các cháu bé, đặc biệt như con nhà mình, phải nói là rất thích luôn.
Anh Nguyễn Văn Hào, Cầu Giấy, Hà Nội bày tỏ: Mình rất là lo ngại vì trẻ bây giờ hầu như đều dùng smartphone rất là nhiều.
Do cuộc sống bận rộn, nhiều vị phụ huynh phải làm việc cả buổi tối. Và để có thời gian rảnh, tập trung vào làm việc, họ đã giao phó con trẻ cho những chiếc điện thoại.
Cô Phạm Tuyết Phương, giáo viên trường Mầm non A, Ba Đình cho biết: Hiện nay, nội dung trên Youtube được các con rất là thích vì nó đa dạng. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nếu để các con xem mà không kiểm soát được thì sẽ rất nguy hiểm. Các con sẽ xem phải các clip phản cảm, kích động bạo lực và rất khó dạy bảo.
Bà Trần Thị Mai Anh, Hiệu trưởng trường Mầm non A, Ba Đình cho rằng: Các con đang trong tuổi phát triển cả về thể chất cũng như tầm hồn. Do vậy, việc cho các bé xem liên tục nội dung Youtube mà không kiểm soát thì rất nguy hiểm. Bởi khi mà trẻ con tập trung vào điện tử nhiều quá thì việc bắt con tập trung học hành sẽ rất khó.
Nhiều nhà khoa học và chuyên gia phân tích tâm lý tại các đại học uy tín nước ngoài đã cảnh báo, việc tiếp xúc với bức xạ từ điện thoại có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe con người, như làm thay đổi ADN, thay đổi tuần hoàn não hay ảnh hưởng tới khả năng học hỏi. Đáng lo hơn, bộ não của trẻ em chứa nhiều dung dịch hơn người lớn và có hộp sọ mỏng hơn sẽ dễ bị tổn thương hơn người lớn nhiều lần.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu: Nên có những biện pháp quản lý, có thể là đầu tiên mình sẽ giáo dục trực tiếp con em mình, nhắc nhở, và có những biện pháp quản lý từ xa.
Bà Trần Thị Mai Anh bày tỏ: Hạn chế đến mức tối đa cho con chơi. Thay vì cho chơi iphone, ipad, các vị phụ huynh có thể cho con em mình đi dạo, đạp xe, chơi các trò chơi lắp ráp để phát triển trí não và cũng nên dành ra thời gian buổi tối để nói chuyện và chơi cùng các con
Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước. Để trẻ có thể phát triển toàn diện, cả về thể chất và tinh thần, thì chính chúng ta những vị phụ huynh phải có trách nhiệm hướng dẫn và giáo dục con trẻ. Bởi một chiếc điện thoại dù thông minh đến mấy cũng không thể dạy trẻ cách biết yêu thương.
.