Bản người Thái làm du lịch
Bản Khe Rạn có vị trí khá thuận lợi khi nằm nép mình bên dòng sông Lam thơ mộng, hiền hòa, cách Quốc lộ 7A khoảng 10 phút đi bộ. Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Ngôi nhà của gia đình anh Lô Huỳnh Lan nằm cạnh con đường vào bản Khe Rạn hôm nay khách khứa nhộn nhịp, râm ran tiếng nói cười.
Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội chung vui tại bản Khe Rạn trong chuyến thăm và làm việc tại Con Cuông (10/2016) |
Theo lời của chủ nhà thì vài năm trở lại đây, cứ vào dịp cuối tuần hay nghỉ lễ, khách du lịch vào Khe Rạn ngày một đông. Họ đến đây không chỉ được thưởng thức những món ăn đặc sản do chính bàn tay của người Thái chế biến như: Mọc, thịt nướng than, măng đắng chấm chéo, thịt trâu chấm mặc khẻn, cá suối nướng, nộm hoa chuối rừng, xôi nếp nương, canh ột... mà còn được sống trong không gian yên ả, thanh bình của bản làng giữa muôn trùng màu xanh của núi đồi, ruộng nương.
Do nhu cầu ẩm thực của du khách khi đến với Khe Rạn nên hiện nay, trong bản đã hình thành một tổ dịch vụ ẩm thực chuyên phục vụ du khách. Anh Lô Văn Thắng, công chức văn hóa xã Mậu Đức, nguyên Trưởng bản Khe Rạn cho biết: Du khách đến với bản du lịch cộng đồng Khe Rạn rất đa dạng, có thể là 5 - 7 người đi “phượt” theo nhóm tự túc hoặc theo gia đình, cũng có thể là khách sau khi đi tham quan một số điểm du lịch như khe nước Mọc, thác khe Kèm, đập Phà Lài, sau đó quay lại bản Khe Rạn dừng chân. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu ẩm thực của du khách, hiện trong bản đã lập nên “nhóm nội trợ” chuyên đảm đương việc chế biến các món ăn dân tộc đặc trưng của người Thái, do anh Lô Huỳnh Lan làm Tổ trưởng. Với sự tham gia của 5 hộ làm dịch vụ, chia thành 2 nhóm gồm 28 nhân viên là phụ nữ trong bản làm tổ dịch vụ ẩm thực và văn nghệ có thể phục vụ các đoàn khách từ 60 - 70 người. Lúc cao điểm, các nhóm này gần như kín lịch khách hàng đặt các món ăn đặc sản.
Điều làm du khách thú vị khi đến với bản Khe Rạn là được sống trong không khí thân thiện, vui vẻ, hòa đồng với chính gia chủ và được tìm hiểu văn hóa của người Thái qua những câu chuyện, cách sinh hoạt hàng ngày cùng dân bản. Ngoài ra, họ còn được giới thiệu về nghề dệt thủ công truyền thống, những sản phẩm thổ cẩm và các loại nhạc cụ.
Đặc biệt, nếu ở lại bản qua đêm, du khách sẽ có dịp thưởng thức những bài dân ca Thái ngọt ngào, điệu xòe, điệu nhảy sạp sôi nổi trong tiếng trống, chiêng rộn ràng do chính bà con nơi đây biểu diễn. Để thu hút khách du lịch, người dân Khe Rạn rất chú trọng đến việc chỉnh trang không gian sống chung cũng như giữ gìn vệ sinh cho từng hộ gia đình. Qua đó, người dân đã nhận thức được việc phát triển sản xuất gắn với đón khách du lịch đến tham quan và bảo vệ môi trường, đồng thời cũng là cách làm đẹp chung cho bản làng.
Nghi lễ đón khách du lịch của chủ nhà tại bản Khe Rạn |
“Đánh thức” thế mạnh
Ngoài bản Khe Rạn, hiện ở bản Nưa, xã Yên Khê cũng đang phát huy thế mạnh từ phát triển du lịch cộng đồng. Gần 5 năm nay, 3 hộ gia đình: Lô Thị Hoa, Vi Văn Hanh, Lô Đình Nhượng đã đăng ký tham gia làm du lịch cộng đồng. Đến nay đã hình thành tổ dịch vụ nấu ăn gồm 9 người, tổ văn hóa văn nghệ gồm 12 người và hiện bản đang thành lập tổ quản lý du lịch cộng đồng.
Thời gian qua, với sự hỗ trợ của tổ chức JACA tại Nhật Bản, bản Nưa đã tổ chức đi tham quan thực tế tại huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình; phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức tập huấn công tác đón tiếp khách; mời chuyên gia Nhật Bản tập huấn đào tạo nấu ăn cho 2 tổ nhóm; hỗ trợ xây dựng nhà tắm, nhà vệ sinh cho 3 hộ.
Anh Nguyễn Xuân Nam, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao huyện Con Cuông cho biết: Từ khi biết làm du lịch theo hình thức du lịch cộng đồng, bà con nơi đây rất nhiệt tình tham gia và có nhiều đổi mới trong việc tiếp cận du khách cũng như tạo ra điểm nhấn để níu chân họ thông qua việc thành lập các nhóm, hội để phụ trách các bộ phận như nấu ăn, múa hát, hướng dẫn khách tham quan… Hoạt động này không chỉ tạo ra hiệu quả kinh tế mà còn giúp người dân hiểu và trân trọng bản sắc văn hóa của cộng đồng.
Với bản sắc riêng và kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà nơi đây thì việc khai thác tiềm năng du lịch để thỏa mãn nhu cầu tham quan và khám phá của du khách là một hướng đi phù hợp. Hiện, Vườn quốc gia Pù Mát đang thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tuyến Bồng Khê - Yên Khê - Lục Dạ - Môn Sơn huyện Con Cuông”, gắn với một số tuyến du lịch cộng đồng như: Tuyến khe Nước Mọc (Yên Khê) - làng nghề dệt thổ cẩm Yên Thành (Lục Dạ) - cây đa Cồn Chùa, đập Pha Lài, sông Giăng - khe Khặng; tuyến Vườn quốc gia Pù Mát - bản Khe Rạn - thác khe Kèm - bản Nưa.
Ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông phấn khởi cho biết: Thực tế cho thấy, hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện đang từng bước được “đánh thức” bởi nhu cầu xã hội và nhận thức làm du lịch của người dân bản địa. Hoạt động này đã mang lại cho người dân nguồn thu nhập chính đáng từ việc cho thuê cơ sở lưu trú, phục vụ ăn uống, vui chơi giải trí, quà lưu niệm từ ngành nghề truyền thống. Những hoạt động của khách du lịch khi đến với Con Cuông đã góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống cho người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số; đồng thời tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư cũng như các chương trình, dự án phát triển du lịch.
Việc hình thành khu giải trí, du lịch, khách sạn của Tập đoàn Mường Thanh tại Con Cuông vừa qua là minh chứng rõ nét cho kết quả xúc tiến đầu tư vào địa phương trong thời gian qua. Không chỉ có giá trị về mặt kinh tế, du lịch cộng đồng đã giúp người dân hiểu và trân trọng bản sắc văn hóa của dân tộc mình, bởi đó là nền tảng để phát triển du lịch, tạo điều kiện cho du khách tăng cường sự trao đổi, giao thoa văn hóa của các dân tộc, vùng miền; bồi dưỡng, phát huy lòng tự hào dân tộc và những giá trị đạo đức sâu sắc.
Bên cạnh đó, hoạt động này còn góp phần bảo vệ, lưu giữ, tôn tạo nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn của địa phương thông qua môi trường khí hậu trong lành, mát mẻ để du khách tham quan, thưởng thức và nghỉ dưỡng.