Văn hóa - Giáo dục

Thực hành và bảo tồn đúng hướng di sản tín ngưỡng thờ Mẫu

09:18, 01/01/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Ngày 1/12/2016 tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản thứ 10 của Việt Nam được UNESCO vinh danh. Mặc dù không phải là nơi khởi nguồn và thịnh hành tín ngưỡng này nhưng Nghệ An có khá nhiều đền, điện, phủ thờ Mẫu. Những năm gần đây, nghi lễ này đã được thực hành thường xuyên, nhất là vào dịp đầu năm mới.

Thực hành nghi lễ hầu đồng ở đền Hoàng Mười dịp đầu năm
Thực hành nghi lễ hầu đồng ở đền Hoàng Mười dịp đầu năm

Từ thế kỷ XVI, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tôn thờ hình tượng Mẫu - người mẹ thiên nhiên cai quản miền trời, rừng, nước, địa cùng với các vị thánh là những nhân vật trong lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân.

Với những yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, múa, hát chầu văn, diễn xướng dân gian được kết hợp một cách nghệ thuật, tín ngưỡng thờ Mẫu được xem là “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt. Trong đó, nghi lễ chầu văn (hay còn gọi là hầu đồng) là một nghi thức tiêu biểu. Nghi lễ hầu đồng được thực hiện bài bản, có tính thẩm mỹ cao và giàu yếu tố văn hóa dân gian, phản ánh tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế thị trường, nghi lễ hầu đồng đang có nguy cơ bị biến tướng, thương mại hóa khi mà có không ít cá nhân đã lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết của một số người dân để trục lợi dẫn đến hiện tượng mê tín dị đoan, “mua thần, bán thánh”. Thời điểm cận kề Tết nguyên đán cũng là dịp người dân đi lễ chùa rất đông, đây cũng là dịp để dịch vụ hầu đồng nở rộ.

Mặc dù Nghệ An không là địa phương thịnh hành tín ngưỡng thờ Mẫu, tuy nhiên, từ lâu tín ngưỡng này được nhân dân hết sức coi trọng. Trên địa bàn tỉnh có nhiều ngôi đền thờ Mẫu, điểm thờ tự Tứ vi Thánh nương như đền Cờn, đền Hồng Sơn…, trong đó điển hình là đền Hoàng Mười (Hưng Nguyên). Hàng năm, vào dịp 9 - 10/10 kéo dài sang tháng 2, tháng 3 Âm lịch năm sau, hàng vạn người về dâng hương, cầu an, giải hạn và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại đây. Theo Ban quản lý đền Hoàng Mười, mỗi năm đền đón khoảng 400 - 500 nhóm hầu đồng đến thực hành tín ngưỡng, chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc.

Cũng cần phải nói thêm rằng, việc thực hành tín ngưỡng ở đền Hoàng Mười và một số đền khác trên địa bàn hiện đang có nhiều biểu hiện lệch lạc, gây phản cảm như chen chúc, tranh giành nhau làm lễ, đốt vàng mã, gây ô nhiễm môi trường; nhiều người mua sắm lễ vật xa hoa, lãng phí, cầu ước những điều không hợp đạo lý, trái ngược tín ngưỡng thờ Mẫu, một số nghi lễ hầu đồng ở phần ban lộc, thay vì hương hoa tượng trưng đã bị biến tướng thay bằng tiền, vàng làm lệch lạc ý nghĩa tốt đẹp ban đầu.

Bà Phan Thị Sáu trú tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh là một trong số ít thanh đồng ở Nghệ An được công nhận là nghệ nhân. Đầu tháng 10 vừa qua, bà Sáu vinh dự được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam trao tặng Chứng nhận danh hiệu nghệ nhân dân gian hầu đồng và có công truyền dạy, bảo tồn văn hóa truyền thống trong nghi lễ này trên địa bàn thành phố.

Là một trong những người thực hành tín ngường thờ Mẫu từ nhiều năm nay, nghệ nhân Phan Thị Sáu rất vui mừng khi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, bà cũng không khỏi băn khoăn về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản để di sản này phát triển đúng hướng.

“Ngày nay, nắm được nhu cầu và tâm lý của người đi lễ chùa nên nhiều người đã dựa vào điều đó để trục lợi, nghi lễ hầu đồng bị thương mại hóa trở thành hình thức để kinh doanh, kiếm tiền trên niềm tin tín ngưỡng của con người. Đã từng có một thời gian nghi lễ hầu đồng bị nghiêm cấm vì những biểu hiện biến tướng, mê tín dị đoan. Giờ đây, tín ngưỡng thờ Mẫu đã được công nhận là di sản. Vì thế, nếu như công tác quản lý không chặt chẽ thì rất khó kiểm soát vì nhiều người sẽ lợi dụng vào điều này để mở phủ, lên đồng…, điều này khiến việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản khó đi đúng hướng”, nghệ nhân Phan Thị Sáu chia sẻ.

Những chia sẻ của nghệ nhân Phan Thị Sáu cũng là điều trăn trở của nhiều chuyên gia văn hóa trong lĩnh vực này. Hầu hết ý kiến đều cho rằng, tín ngưỡng thờ Mẫu là một trong những di sản không lo mai một mà chỉ sợ biến tướng và bùng phát dưới nhiều góc độ. Những lo lắng này không phải không có cơ sở khi mà công tác quản lý văn hóa lễ hội vẫn còn bị buông lỏng. Nếu không sớm có quy định cụ thể, thống nhất trong việc thực hành nghi lễ tại các đền, chùa…; siết chặt, tăng cường quản lý văn hóa, lễ hội cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương thì việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, chấn chỉnh những biểu hiện mê tín dị đoan sẽ gặp khó. Một điều cần làm ngay nữa là phải tuyên truyền để người dân có nhận thức đúng đắn về giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu, từ đó có cách bảo tồn đúng hướng.

Anh Quân

Các tin khác