Văn hóa - Giáo dục
Siết chặt quản lý tiền công đức
09:15, 30/12/2016 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Quản lý tiền công đức tại các đền, chùa công khai, minh bạch và sử dụng đúng mục đích là rất cần thiết. Đó cũng chính là một trong những quy định tại Quyết định 18/2016/QĐ của UBND tỉnh về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức tại các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Quyết định 18/2016/QĐ thay thế Quyết định 195/QĐ.UBND.VX ngày 24/1/2011, thể hiện sự kịp thời, cần thiết, khẳng định vai trò quản lý của Nhà nước trước những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, tiếp nhận quản lý và sử dụng tiền công đức. Nhiều năm qua, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, ban quản lý di tích đã thực hiện đầy đủ các quy định về tổ chức ban quản lý, tổ bảo vệ, quy định hòm công đức, phiếu công đức…, nhưng nhìn chung vẫn tồn tại một số bất cập.
Theo Quyết định 195, việc phân bố tiền công đức được quy định: Trích 65% nguồn công đức bằng tiền mặt, 100% hiện vật, sức lao động để tu sửa, tôn tạo di tích theo quy định của Luật Di sản văn hoá và cấp có thẩm quyền quyết định (gửi vào Kho bạc Nhà nước); trích 30% nguồn công đức bằng tiền mặt cho lễ nghi, khánh tiết, điện nước, 5 % chi cho công tác bảo vệ, quản lý di tích… Tuy nhiên trên thực tế, nhiều di tích ít công đức thì không đủ kinh phí để bảo tồn, tôn tạo cũng như chi trả cho ban quản lý. Trong khi đó, nhiều di tích có nguồn thu lớn, họ mong muốn được luân chuyển một phần tiền công đức để phục vụ quỹ phúc lợi xã hội như làm đường giao thông, trường học, y tế…, nhưng tại Quyết định 195 không quy định nội dung này, dẫn đến tình trạng tự thu, tự chi…
Người dân đóng công đức tại đền thờ Hoàng đế Quang Trung |
Quyết định 18/2016/QĐ.BND của UBND tỉnh có nhiều điểm mới, tạo sự minh bạch, công khai trong sử dụng tiền công đức. Theo đó, số tiền công đức sau khi kiểm đếm được chuyển vào tài khoản nguồn công đức được mở tại Kho bạc Nhà nước. Đơn vị quản lý di tích hoặc ban quản lý di tích khi được ủy quyền xây dựng kế hoạch, dự toán sử dụng nguồn công đức thuộc đơn vị quản lý vào cuối mỗi năm cho năm tiếp theo để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Hàng năm, các đơn vị quản lý di tích phải lập báo cáo, quyết toán thu, chi nguồn công đức và chấp hành đầy đủ chế độ báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật và gửi báo cáo công tác thu, chi nguồn công đức về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, theo dõi…
Quyết định cũng nêu rõ, hàng năm, nếu nguồn chi cho hoạt động thường xuyên và cho hợp đồng lao động tại di tích không sử dụng hết thì số tiền còn lại được điều chuyển cho hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích đó. Đối với nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích, nếu trong năm đơn vị chưa có nhu cầu sử dụng thì được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng; trường hợp di tích đã tu bổ hoàn chỉnh, nguồn công đức còn nhưng không có nhu cầu sử dụng thì đơn vị quản lý di tích xem xét, quyết định điều chuyển sang phục vụ tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị cho các di tích khác tại địa phương.
Quyết định này đã nhận được sự đồng tình của nhiều địa phương. Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TX Hoàng Mai cho biết, sau khi Quyết định 18 đưa vào thực hiện, việc quản lý, thu chi nguồn công đức ở đền Cờn được phát huy rõ rệt. Dưới sự quản lý trực tiếp của UBND thị xã, tất cả nguồn công đức đều được giám sát chặt chẽ. Hàng tháng, mỗi lần mở hòm công đức đều có đại diện Ban quản lý di tích và Tổ giám sát. Sau khi kiểm đếm đều có biên bản ghi rõ số tiền thu được, xác nhận của các thành viên tham gia kiểm đếm và tiền được chuyển về Kho bạc đúng nơi quy định.
Có thể thấy, thời gian qua, nhờ tăng cường công tác quản lý nên tại các đền, đình và di tích được xếp hạng, công tác tiếp nhận và sử dụng nguồn công đức phát huy có hiệu quả, tránh tình trạng lộn xộn, sử dụng sai mục đích. Tuy nhiên, tại các chùa do các sư trụ trì thì việc quản lý công đức còn gặp không ít khó khăn.
Phan Tuyết