Dự thảo quy chế tuyển sinh 2017 được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, với việc bỏ điểm sàn Đại học (ĐH) đã lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận xã hội. Một câu hỏi đặt ra, liệu thực sự đã đến lúc chấm dứt vai trò lịch sử của điểm sàn trong công tác tuyển sinh ĐH-CĐ hay chưa? Liệu có xảy ra tình trạng rối loạn khi giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường hay không?
“Mở” đầu vào Đại học và mục tiêu giảm bớt áp lực
“Bỏ điểm sàn đương nhiên sẽ nhận được sự ủng hộ của thí sinh và phụ huynh do quy chế theo hướng mở, thi cử thời gian qua đã giảm hẳn áp lực cho xã hội, nay thêm một hướng mới nữa “dễ thở” hơn. Nhưng cũng có thể xảy ra tình huống, sẽ phủ nhận mọi ưu điểm lâu nay vốn có của điểm sàn là “ngưỡng” an toàn cho chất lượng đầu vào hay không?”, TS Trần Đình Lý-Trưởng phòng Đào tạo ĐH Nông lâm phân tích.
Trao đổi về vấn đề trên, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng lo rằng: “Bỏ điểm sàn ĐH là xu thế cần tiến tới trong tương lai, nhưng có nên vào thời điểm này hay không bởi hệ thống giáo dục ĐH của ta đang có sự nhập nhèm, chưa rõ ràng”.
Giảm thiểu áp lực trong thi cử, trao quyền tự chủ cho các trường là những mục tiêu lớn mà Bộ GD&ĐT đang theo đuổi. |
Theo ông Dũng, điểm sàn nhằm khống chế tình trạng tuyển sinh tràn lan, vượt chỉ tiêu của các trường. Vì nhiều năm qua, Bộ vẫn thường phải xử lý nhiều cơ sở do phát hiện dù đã có điểm sàn nhưng vẫn xảy ra tình trạng tuyển thoải mái, vượt chỉ tiêu, tiêu cực trong xét tuyển. Khi bỏ điểm sàn, tình trạng này sẽ khó kiểm soát hơn.
Từ đây dẫn tới hệ lụy, đầu ra không đảm bảo, do chất lượng đầu vào đã kém, khiến sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Do đó theo ông Dũng, bỏ điểm sàn ĐH chỉ có thể thực hiện khi có một môi trường đồng đều nhau về chất lượng.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh, bỏ điểm sàn là hoàn toàn hợp lý. Vì tình trạng này đã xảy ra một cách ngẫu nhiên từ mấy năm nay, đó là ở những trường hợp thí sinh sau khi thi dù có kết quả thi dưới điểm sàn vẫn vào được ĐH bằng hình thức xét tuyển Học bạ. Như vậy, điểm sàn trong trường hợp này không còn ý nghĩa.
Cũng theo dự thảo qui chế thi 2017, đó là trong tất cả các môn, trừ môn ngữ văn, đều thi theo hình thức trắc nghiệm; các môn lý, hóa, sinh được tổ hợp lại thành môn tổng hợp gọi là môn khoa học tự nhiên (KHTN), các môn sử, địa và giáo dục công dân được tổ hợp lại thành môn khoa học xã hội (KHXH).
Mặc dù 2 môn này được gọi là đề thi tổ hợp nhưng thực chất đề thi gồm 3 phần tách biệt, mỗi phần 40 câu và mỗi phần được chấm điểm riêng, khi công bố điểm thi thì cũng công bố điểm riêng của từng phần. PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ phân tích rằng, môn KHTN trong kì thi thực chất là 3 môn riêng biệt được tổ chức thi trong 1 buổi, thay vì 3 buổi như trước đây.
Thứ nữa, thời gian thi rút ngắn lại còn 2 ngày, thay vì 4 ngày như các năm trước.Trong xét tuyển ĐH, CĐ 2017, Bộ cũng không hạn chế số lượng ngành, số lượng trường được đăng ký xét tuyển. Thí sinh cũng được quyền thay đổi ngành hoặc trường đăng ký.Nhưng, thí sinh phải ôn thi nhiều môn để cho kết quả thi THPT.
Trước đây mỗi buổi thi 1 môn, bây giờ đối với các môn KHTN và KHXH thì thực chất là 1 buổi thi 3 môn. Phải làm quen bằng hình thức trắc nghiệm đối với các môn trước đây thi theo hình thức tự luận như toán, sử, địa, giáo dục công dân. Nhưng thi trắc nghiệm cũng có cái hay là ít bị rơi vào tình trạng bị điểm liệt. Cơ hội trúng tuyển với thí sinh nhiều hơn.
Nền tảng thực hiện quyền tự chủ của mỗi trường
Tuy nhiên, cũng theo PGS-TS Đỗ Văn Xê, việc sẽ không giới hạn nguyện vọng xét tuyển cũng đặt ra một nỗi lo với các trường cao đẳng, trung cấp là mất nguồn tuyển. Nhưng thực tế công tác tuyển sinh từ xưa tới nay cho thấy, hàng năm, có một bộ phận cử nhân ra trường nhưng thất nghiệp phải xin đi học nghề để nhanh chóng có thu nhập.
Thống kê từ Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, trong khâu tuyển dụng nhân lực lao động, trong nhóm ngành kĩ thuật-công nghệ và khoa học tự nhiên chiếm tỉ trọng trên 45% và thực tế thị trường lao động đang thiếu trầm trọng nhân lực cho các ngành nghề như: Cơ khí, công nghệ dệt-sợi-may, công nghệ thông tin… người dân giờ đã nhìn nhận được chất lượng đào tạo của các trường mà chọn lựa cho con em.
Thực tế thời gian qua, sự tự đào thải của một số trường mất uy tín về chất lượng đã xảy ra, dù có tuyển bằng điểm sàn vẫn không có thí sinh đăng ký. Từ năm 2015 đến nay, các trường ĐH, CĐ dùng điểm của kì thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển thí sinh vào trường. Điều kiện để các thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH là phải tốt nghiệp THPT với trung bình mỗi môn là 5 điểm. Điểm sàn của các năm qua là 15 điểm/cho 3 môn. Như vậy, nếu bỏ quy định về điểm sàn là điều rất bình thường.
Lâu nay khái niệm tự chủ ĐH được nhắc tới rất nhiều, hiểu đơn giản là “quyền được quyết” trong khuôn khổ luật định. Và cũng vì vậy dư luận vẫn rất “dị ứng” với việc “Bộ” ôm đồm, Bộ không chịu buông”. Tất cả đều cần một quá trình, và đến “một ngày đẹp trời”, khi Bộ thực sự buông phần quan trọng nhất của tự chủ là điểm sàn.
Khen có, chê có, đồng tình, phản đối cũng đã có. Giảm thiểu áp lực trong thi cử, trao quyền tự chủ cho các trường, những mục tiêu lớn mà Bộ GD&ĐT đang theo đuổi. Xã hội cũng đã cảm nhận được việc này trong 2 năm qua. Bước kế tiếp là quyền tự chủ được trao tới tay các trường ĐH.
Đây cũng là cơ sở, nền tảng đảm bảo việc không trường nào còn phải nương vào một “bầu sữa” nào đó. Mọi vận hành theo cơ chế thị trường, giảng dạy tốt, đào tạo tốt, đầu ra tốt sẽ quyết định sự tồn tại của mỗi trường. Đó cũng là qui luật tất yếu, là sự vận hành đúng theo qui luật của tự nhiên.
.