(Congannghean.vn)-3 tháng sau cơn lũ quét đi qua, thầy và trò Trường THCS Yên Tĩnh, huyện Tương Dương (Nghệ An) vẫn đang gồng mình để tiếp tục chương trình dạy và học. Sau 3 tháng, dấu tích của cơn lũ vẫn còn đó: Trường học ngổn ngang, phòng học bị hư hỏng, nền gạch vỡ vụn, cửa sổ bị đánh bay. Thế nhưng, tiếng giảng bài vẫn vang lên với sự cố gắng, nỗ lực của thầy và trò trên hành trình đi tìm con chữ...
Sau 3 tháng, thầy và trò Trường THCS Yên Tĩnh đã đuổi kịp chương trình chung của Bộ GD&ĐT |
Đặt chân tới Trường THCS Yên Tĩnh, những dấu tích của cơn lũ quét kinh hoàng hồi tháng 9 để lại khiến chúng tôi ngỡ như vừa mới xảy ra. Những đoạn tường rào đổ nát, đất đai, cây cối bị cày xới, nằm chỏng chơ xiêu vẹo, đó là những cây cối từ thượng nguồn theo lũ chảy về và chất thành từng đống xung quanh trường học. Những cánh cửa bị đánh bật khiến nhiều ô cửa sổ giờ chỉ còn là những khoảng trống nham nhở. Thầy và trò nơi đây vẫn chưa quên được ký ức kinh hoàng ngày hôm đó, khi mà cả trường trải qua một đêm trắng chạy lũ.
Thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Cơn lũ quét vào hồi tháng 9 đã làm ngập 5 trường học trên địa bàn, nhiều bản bị cô lập, trong đó Trường THCS Yên Tĩnh là nơi bị thiệt hại nặng nhất. Cơn lũ ập vào lúc 3 giờ ngày 14/9, nước suối từ thượng nguồn dâng cao, cuốn phăng tất cả. Mặc dù đã được dự báo tình hình mưa lũ và sơ tán học sinh nhưng toàn bộ tài sản, thiết bị dạy học của Trường đều bị hư hỏng.
Do ảnh hưởng của mưa lũ, từ ngày 13/9, trời mưa to như trút nước, Trường nằm ngay trong khu vực dòng chảy của suối nên không tránh khỏi nguy cơ lũ quét. Cả trường nằm trong tình trạng báo động, các thầy cô khu nội trú trực chiến cả đêm để ứng phó với các tình huống bất ngờ.
Để khắc phục ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt gây ra, UBND huyện Tương Dương đã huy động lực lượng đoàn viên thanh niên trên địa bàn, trong đó có CBCS Công an huyện, cùng nhà trường khẩn trương khắc phục hậu quả sau lũ để học sinh sớm quay trở lại trường. Do ảnh hưởng nặng nề, thiệt hại nghiêm trọng, Trường không thể tiếp tục dạy học nên học sinh được nghỉ 10 ngày. Trong khoảng thời gian đó, chẳng ai bảo ai, tất cả mọi người đều xắn tay dọn dẹp sau lũ. Chia sẻ với những thiệt hại, khó khăn của nhà trường, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã quyên góp, ủng hộ sách vở, bàn ghế, máy tính, gạo…
Khó khăn chồng chất khó khăn khi nỗi lo lắng về tình trạng học sinh bỏ học sau lũ hiện hữu. Trước thềm năm học mới, thầy cô nơi đây đã vào từng bản làng để vận động học sinh đến trường, giờ đây họ lại tiếp tục công việc đó thêm một lần nữa. Học sinh trở lại trường, trong ngày đầu chỉ vắng vài em và trong buổi học thứ hai, sĩ số các lớp đều đầy đủ 100%. Lúc này, các cán bộ, giáo viên của Trường mới phần nào cảm thấy nhẹ nhõm. Sau gần 3 tháng chạy đua, thầy và trò Trường THCS Yên Tĩnh đã đuổi kịp chương trình chung của Bộ GD&ĐT.
Không chạy đua sao được bởi cơn lũ đã khiến việc dạy và học chậm 10 ngày, mỗi học sinh chậm hơn 40 tiết học, cả trường chậm gần 1.000 tiết học so với chương trình chung của Bộ GD&ĐT nên cả thầy và trò đều phải nỗ lực tăng tốc. “Sáng dạy chính khóa, chiều tiếp tục dọn lũ, hôm nào xếp được lịch thì tổ chức dạy bù cho các em. Gần 3 tháng nay, cũng như các giáo viên khu nội trú, hầu như tất cả giáo viên đều ở lại trường dạy bù, cuối tuần mới về nhà”, cô giáo Lữ Thị Minh chia sẻ.
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng nhà trường không chỉ theo kịp chương trình chung của Bộ GD&ĐT mà còn triển khai các cuộc thi như: Giáo viên dạy giỏi, khảo sát… Để tránh nguy cơ lũ quét cho thầy và trò Trường THCS Yên Tĩnh trong thời gian tới, UBND huyện Tương Dương và các cơ quan liên quan đã tiến hành khảo sát thực tế để có phương án đối phó với thiên tai, bởi đây không phải là lần đầu tiên nhà trường phải chạy lũ như thế. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề đáng lo ngại là với địa hình đồi núi của xã Yên Tĩnh thì việc xây dựng trường học ở một nơi thuận lợi là điều rất khó khăn.
Nỗi đau đã đi qua nhưng sự sống vẫn đang được hồi sinh từng ngày trên mảnh đất nham nhở. Dường như đã quen sống trong tình trạng bị lũ quét đe dọa nên ban giám hiệu, các thầy cô lẫn học trò nơi đây luôn có một ý chí và niềm tin mãnh liệt vào tương lai. Bởi thế mà trong khó khăn, tiếng giảng bài vẫn đều đặn vang lên giữa núi rừng - như một lời khẳng định về sự học không ngừng nơi miền biên viễn...