(Congannghean.vn)-Loại hình du lịch cộng đồng được xem như một làn gió mới, nó không những là một hướng đi khá quan trọng trong phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa. Vì thế, để phát triển loại hình du lịch này cần phải biết phát huy, khai thác những thế mạnh vốn có của nó.
Nghệ An là mảnh đất có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhiều dân tộc sinh sống. Mỗi dân tộc, thôn bản lại có nhiều sản phẩm văn hóa đặc sắc tạo điều kiện để đẩy mạnh phát triển du lịch. Trong đó, du lịch cộng đồng được xem là một hướng đi mới. Những ngày cuối năm, đến với miền Tây xứ Nghệ, mặc dù cái Tết đang cận kề nhưng người dân nơi đây vẫn tất bật lên nương rẫy, đêm đêm bên ánh lửa bập bùng, họ lại say sưa tập luyện các điệu múa xòe, dân ca Thái, Mông… để chuẩn bị bước vào mùa lễ hội.
Tục uống rượu cần, nét đẹp văn hóa thu hút du khách |
Hiện nay, nhiều dân tộc ở Nghệ An vẫn còn lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống cha ông để lại: Đồng bào Thái với câu lăm, điệu khắp; đồng bào Khơ mú với điệu hát tơm lôi cuốn; đồng bào Mông với điệu múa xòe làm say lòng người…Ngoài ra, những phong tục, tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn… của bà con đã thu hút được sự quan tâm của khách du lịch từ trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt, hiện nay ở các huyện miền núi phía Tây của Nghệ An rất chú trọng đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Nhiều bản Thái cổ đã được giữ gìn, khôi phục như: bản Yên Thành (xã Lục Dạ), bản Tờ, bản Nưa (xã Yên Khê)... ở huyện Con Cuông; hay bản Chắn, bản Mác, bản Lau (xã Thạch Giám), bản Xoóng Con, bản Phồng (xã Lưu Kiền), bản Huồi Tố (xã Mai Sơn)... ở huyện Tương Dương.
Khi đến Con Cuông, chúng ta sẽ thấy được sự thuần túy, tự nhiên chưa bị “du lịch hóa” của các bản làng nơi đây. So với nhiều điểm du lịch khác, đây được xem là địa phương có nhiều lợi thế. Con Cuông có thác khe Kèm, sông Giăng, khe nước Mọc, đập Phà Lài… là những địa điểm nghỉ mát hoàn toàn tự nhiên. Đến đây, được hòa vào cuộc sống bình dị của đồng bào Thái ở bản Nưa, Bảo Thành, Làng Xiêng… để được thưởng thức hát dân ca, được chếnh choáng trong men rượu cần và nhâm nhi những món ăn vốn là đặc sản của núi rừng.
Vườn quốc gia Pù Mát hiện đang được xem là một mô hình du lịch cộng đồng thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan. Được biết, Vườn quốc gia Pù Mát đang thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tuyến Bồng Khê - Yên Khê - Lục Dạ - Môn Sơn huyện Con Cuông” với mục tiêu bảo tồn bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc; đồng thời tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Đến với miền Tây xứ Nghệ, ngoài được thưởng thức các món ăn ngon, lạ và những giai điệu dân ca, dân vũ, du khách còn được tham quan các làng nghề thủ công truyền thống, trong đó phải kể đến nghề dệt thổ cẩm. Tại bản Nưa, xã Yên Khê, huyện Con Cuông, bà con nơi đây đã biết tận dụng thế mạnh về du lịch cộng đồng để gắn kết đưa nghề dệt của bản đi lên sau một thời gian tưởng chừng như bị mai một. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tấm khăn choàng, những chiếc váy do chính bàn tay của người phụ nữ Thái tỉ mẩn dệt nên. Đó cũng chính là những món quà rất ý nghĩa mà du khách mang về xuôi sau mỗi dịp lên đây.
Trên thực tế, mỗi người dân có thể làm du lịch dựa trên những giá trị bản sắc, văn hóa nơi cộng đồng mình sinh sống. Du lịch cộng đồng không những góp phần làm thay đổi diện mạo cuộc sống, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới mà còn là cơ hội lớn để giao lưu, quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc đến với bạn bè khắp nơi.