(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng ở xã miền biển Sơn Hải đã trở thành câu chuyện dài chưa có hồi kết. Tuy các ban, ngành của huyện đã triển khai nhiều biện pháp để giải quyết tình trạng này nhưng vấn đề duy trì đủ số học sinh đến lớp, nhất là vận động các em trở lại trường còn gặp nhiều trở ngại.
Thực trạng học sinh ở Sơn Hải bỏ học nhiều chủ yếu xảy ra vào đầu năm học và thời điểm sau Tết Nguyên đán hàng năm. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm học 2012 - 2013 đến nay, toàn xã có 132 em bậc THCS bỏ học giữa chừng, đặc biệt năm học 2013 - 2014 có 55 em bỏ học và tỉ lệ này đang có chiều hướng gia tăng.
Trong 4 năm học qua, Trường THCS Sơn Hải có 132 em học sinh bỏ học |
Nguyên nhân học sinh bỏ học chủ yếu là do công tác quản lý của các trường còn nhiều hạn chế. Một số trường chưa nắm bắt cụ thể hoàn cảnh gia đình và trình độ của từng học sinh; không phân loại kịp thời trình độ học lực của các em ngay từ đầu cấp; kế hoạch dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng giúp đỡ học sinh yếu, kém chưa sát thực tế. Nhiều học sinh chưa xác định được động cơ học tập rõ ràng, bị hổng kiến thức từ cấp học dưới, dẫn đến không tiếp thu được bài mới, kết quả học tập kém, không theo kịp chương trình, lớp học.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng ít quan tâm, phó mặc toàn bộ việc giáo dục con em mình cho nhà trường, nên dễ dẫn tới việc các em bị bạn bè rủ rê rồi bỏ học. Trong những học sinh bỏ học, cũng có một số em do hoàn cảnh kinh tế khó khăn phải nghỉ học để ở nhà tham gia lao động, đi biển hoặc đi giúp việc kiếm tiền phụ giúp gia đình... Trong khi đó, các ban, ngành, chính quyền địa phương cũng chưa quan tâm đúng mức và chưa có biện pháp cụ thể trong việc vận động học sinh trở lại trường.
Để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, Huyện ủy, UBND huyện Quỳnh Lưu cũng đã nhiều lần làm việc và có công văn chỉ đạo ngành giáo dục và xã Sơn Hải khẩn trương giải quyết dứt điểm tình trạng này. Ngành giáo dục và các nhà trường phải thực hiện nghiêm việc đánh giá, xếp loại học sinh theo đúng quy chế, không để học sinh "ngồi nhầm lớp"; tăng cường dạy phụ đạo cho học sinh có học lực yếu, kém. Mặt khác, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các giáo viên chủ nhiệm trong việc bám lớp, nắm bắt kịp thời diễn biến tâm tư, tình cảm đối với những học sinh có nguy cơ bỏ học cao.
Thầy Hồ Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Hải cho biết: Rút kinh nghiệm các năm trước, năm học 2016 - 2017 này, Ban giám hiệu nhà trường luôn nhắc nhở giáo viên chủ nhiệm lớp phải gặp gỡ, tìm hiểu hoàn cảnh từng học sinh, động viên học sinh cố gắng vượt qua khó khăn và tổ chức phụ đạo cho các em có học lực yếu, kém. Thông báo kịp thời với địa phương và gia đình những trường hợp có nguy cơ bỏ học để vận động các em đến lớp.
Bên cạnh đó, huyện Quỳnh Lưu cũng chỉ đạo, đề nghị cấp ủy, chính quyền xã Sơn Hải cần xem việc phòng, chống học sinh bỏ học là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2016 và gắn với đó là công tác xếp loại thi đua. Để làm được điều này, xã cần triển khai nhiều giải pháp và kêu gọi sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, nhất là đội ngũ giáo viên và phụ huynh, tiến hành rà soát lại số lượng học sinh bỏ học, trên cơ sở đó có giải pháp huy động các em trở lại trường.
Cùng với đó, các tổ chức, đoàn thể xã hội cũng cần tạo điều kiện, giúp đỡ kịp thời các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khuyến khích, động viện, tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với việc học hành của con em mình.
Đối với Ban Công an xã, cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các tụ điểm vui chơi điện tử, trượt pa-tanh để ngăn ngừa tình trạng học sinh trốn học đi chơi. Đối với Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận và hội nghề cá, phải thường xuyên kiểm tra và ngăn chặn việc các chủ tàu có sử dụng lao động dưới 18 tuổi.
Ông Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết: “Địa phương cũng đã thành lập ban chỉ đạo phổ cập giáo dục và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, tích cực tuyên truyền, vận động và có những biện pháp xử lý nghiêm đối với những hộ kinh doanh dịch vụ internet quá 22 giờ hàng ngày và những chủ phương tiện sử dụng học sinh chưa đủ tuổi lao động tham gia khai thác trên biển”.
Ngoài ra, địa phương cần quan tâm đến công tác xã hội hóa giáo dục, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội để học sinh thực sự có điều kiện đảm bảo việc học, từ đó khắc phục dần và đi đến chấm dứt tình trạng học sinh bỏ học.