Làn gió mới từ những thí sinh “ngoại” đã khiến những chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc trở nên sôi động, màu sắc hơn. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là, nếu những thí sinh “ngoại” lên ngôi thì danh xưng “Thần tượng âm nhạc Việt” hay “Giọng hát Việt”... có còn phù hợp? Dường như không có đáp án chung giữa việc xây dựng một chương trình hấp dẫn với việc tạo dựng “thương hiệu” cho âm nhạc Việt.
Những làn gió mới
Đêm chung kết xếp hạng chương trình “Thần tượng âm nhạc Việt Nam” 2016 hôm 23/9 vừa qua là cuộc “chiến đấu” đầy kịch tính giữa hai thí sinh Janice Phương và Việt Thắng.
Hai “chiến binh” cuối cùng của mùa giải năm nay là hai màu sắc khá riêng biệt. Nếu Janice Phương – cô gái mang quốc tịch nước ngoài (Philippines) đầu tiên lọt vào chung kết cuộc thi gây ấn tượng với giọng hát đẹp, đầy nội lực và giàu cảm xúc, như “vừa có nước, vừa có lửa” thì chàng trai trẻ đến từ Hải Dương - Việt Thắng lại có thế mạnh về “phần nhìn”. Chuyên môn hay giải trí sẽ lên ngôi? Câu trả lời sẽ có trong đêm trao giải vào tối 30/9 tới đây.
Sự xuất hiện của Janice Phương đã “cứu vãn” một mùa tìm kiếm thần tượng âm nhạc không nhiều ấn tượng. Ngay từ vòng sơ khảo, Janice Phương đã được giám khảo chú ý nhờ chất giọng tốt cùng lợi thế khi hát ca khúc tiếng Anh.
Việt Thắng và Janice Phương trong đêm chung kết “Việt Nam Idol” 2016. |
Trong các vòng thi, thí sinh “ngoại” này liên tục nhận được những nhận xét, đánh giá tích cực của Ban Giám khảo. Số khán giả yêu mến, nhắn tin bình chọn cho Janice Phương cũng tăng lên qua từng đêm thi. Có khán giả còn nói rằng, sau Uyên Linh, chỉ có giọng hát của Janice Phương mới khiến họ bị mê hoặc, cảm thấy “nổi da gà”.
Quán quân “Thần tượng âm nhạc Việt Nam” 2015 Trọng Hiếu cũng dành cho Janice Phương những lời nhận xét “có cánh”, “giọng Janice Phương khỏe nhưng vẫn ấm áp, khi lên cao vẫn ngọt, rất có chất nghệ sỹ”.
Chương trình “Giọng hát Việt nhí” 2016 cũng đang bước vào vòng liveshow. Sự xuất hiện của cô bé người Nga xinh xắn với đôi mắt xanh biếc Milana đội Vũ Cát Tường cũng được đánh giá là một “điểm nhấn thú vị” của mùa giải năm nay.
Gây ấn tượng với ca khúc “Về ăn cơm” (sáng tác Sa Huỳnh) ngay ở vòng “Giấu mặt”, vào những vòng trong, Milana đã phát huy khá tốt lợi thế trong giọng hát. Mặc dù phải dừng chân sau liveshow 2 nhưng Milana được đánh giá là thí sinh có nhiều khả năng được quay trở lại đêm chung kết nhờ sự yêu thương, bình chọn của khán giả.
Cũng trong cuộc thi này, Chiara Falcone, cô bé mang hai dòng máu Việt – Italia đội Vũ Cát Tường là một ẩn số, đối thủ “đáng gờm” của bất kỳ thí sinh nào. Trước đó, Chiara Falcone là thí sinh đã giành giải đặc biệt vòng sơ tuyển “Giọng hát Việt nhí” 2016 online, được đặc cách vào thẳng vòng “Đối đầu” và có quyền lựa chọn huấn luyện viên mà mình yêu thích.
Trước đó, Jayden, cậu bé gốc Việt, sinh ra và lớn lên ở New Zealand, giải ba cuộc thi “Thần tượng âm nhạc nhí” 2016 cũng khiến không ít khán giả “đứng ngồi” không yên vì tài năng, sự lãng tử, phóng khoáng trong giọng hát và phong cách trình diễn trên sân khấu. Dù không phải là thí sinh có lợi thế khi hát những bài hát tiếng Việt, nhưng nhờ sự nỗ lực, cố gắng, niềm đam mê âm nhạc, Jayden đã thể hiện rất tròn trịa những ca khúc Việt Nam khó.
Có thể thấy rằng, ngày càng nhiều thí sinh mang quốc tịch nước ngoài hoặc người Việt nhưng sinh ra và lớn lên ở nước ngoài tìm đến những cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc trong nước. Điều này đã mở ra cơ hội tỏa sáng cho những thí sinh “ngoại”, đồng thời giúp các chương trình mở rộng biên độ tìm kiếm tài năng âm nhạc, có thêm những màu sắc âm nhạc mới để cạnh tranh, “tạo điểm nhấn” trong bối cảnh bão hòa các chương trình truyền hình thực tế như hiện nay.
Lợi thế lớn nhất của các thí sinh “ngoại” là giọng hát tốt, khả năng hát những ca khúc tiếng Anh cũng như phong cách trình diễn tự tin, phóng khoáng, làm chủ được sân khấu. Trong khi đó, yếu điểm của dàn thí sinh “ngoại” là giao tiếp tiếng Việt kém nên hạn chế khi hát những ca khúc tiếng Việt. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi phần lớn những thí sinh “ngoại” sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nên được tiếp xúc với văn hóa nước ngoài, trong đó có âm nhạc từ khi còn nhỏ.
Chính vì vậy, tâm hồn, phong cách của các thí sinh “ngoại” bị ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa nước ngoài. Trong khi đó, văn hóa Việt, âm nhạc Việt với thí sinh “ngoại” vẫn là cuộc hành trình dài mà họ mới đứng ở vạch xuất phát.
Tranh cãi về việc người nước ngoài “lên ngôi” Thần tượng âm nhạc Việt
Trở lại câu chuyện của “Thần tượng âm nhạc Việt Nam” 2016. Hiện có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc Janice Phương sẽ trở thành quán quân “Thần tượng âm nhạc Việt Nam”. Những người ủng hộ thì khẳng định, với chất giọng đẹp và khả năng trình diễn lôi cuốn, Janice Phương hoàn toàn xứng đáng trở thành thần tượng âm nhạc Việt và điều này cũng không vi phạm bất kỳ quy định nào của cuộc thi.
Cô bé người Nga xinh đẹp Milana được yêu thích trên sân khấu “Giọng hát Việt nhí” 2016. |
Ngược lại, nhiều người lại “lăn tăn” cho rằng, điều gì sẽ xảy ra nếu thần tượng âm nhạc của Việt Nam “đúng nghĩa” lại là một cô gái nước ngoài. Cũng như những ca sĩ nước ngoài khác, Janice Phương có lợi thế khi hát ca khúc tiếng Anh nhưng liệu có thể chấp nhận thần tượng âm nhạc của Việt Nam lại rất hạn chế trong việc giao tiếp và hát bằng tiếng Việt?
Trước những băn khoăn của khán giả về giả thuyết ca sĩ nước ngoài được vinh danh Thần tượng âm nhạc Việt, giám khảo Thu Minh đã lên tiếng, đại ý rằng, cô ủng hộ Janice Phương, chúng ta lo ngại về việc thần tượng âm nhạc Việt là người nước ngoài hát tiếng Việt kém thì việc ca sĩ Việt bị chê hát tiếng Anh kém thì sao?
Nói như Thu Minh không phải không có lý nhưng rõ ràng, nói đi cũng phải nói lại, chúng ta đang tìm kiếm tài năng cho âm nhạc Việt và đó phải là người đại diện cho thế hệ trẻ Việt với khát khao, ước mơ vươn tới những đỉnh cao nghệ thuật. Ví dụ, Janice Phương trở thành thần tượng âm nhạc Việt Nam 2016 và được tham dự một cuộc thi âm nhạc quốc tế nào đó thì sẽ rất khó để thuyết phục khán giả quốc tế tin rằng, cô là đại diện cho nhạc trẻ Việt.
Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, thần tượng âm nhạc Việt nên là người Việt, hoặc chí ít cũng là người gốc Việt (mặc dù khả năng nói tiếng Việt, hát ca khúc Việt của thí sinh gốc Việt và người nước ngoài sống tại Việt Nam cũng không khác nhau là bao). Việc chàng trai Việt kiều Đức - Trọng Hiếu giành ngôi vị quán quân “Thần tượng âm nhạc” 2015 cũng từng gây tranh cãi.
Vào thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù hội tụ yếu tố của một ngôi sao giải trí quốc tế như ngoại hình sáng sân khấu, giọng hát, vũ đạo tốt nhưng vốn tiếng Việt của Trọng Hiếu lại “bập bõm”. Tuy nhiên, sau khi đăng quang, Trọng Hiếu đã quyết định ở lại Việt Nam phát triển sự nghiệp và cũng đã có một vài sản phẩm âm nhạc bằng tiếng Việt được công chúng đón nhận. Dù sao thì Trọng Hiếu cũng là người Việt và khán giả dễ chấp nhận anh với vị trí thần tượng âm nhạc Việt hơn so với một cô gái nước ngoài như Janice Phương.
Dường như đang tồn tại mâu thuẫn giữa việc tìm kiếm tài năng âm nhạc Việt với việc xây dựng một chương trình giải trí hấp dẫn. Để có chương trình hấp dẫn, trong bối cảnh nở rộ các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc và tình trạng thí sinh quen mặt “càn quét” trên nhiều sân khấu đã buộc những nhà sản xuất mở rộng khu vực, đối tượng tuyển sinh.
Không thể phủ nhận rằng, làn gió mới từ dàn thí sinh “ngoại” đã góp phần không nhỏ trong việc giữ chân khán giả ngồi trước màn hình để theo dõi chương trình. Tuy nhiên, chính điều này lại tạo ra một nghịch lý là, chúng ta đi tìm kiếm tài năng Việt nhưng rốt cuộc lại phát hiện ra những tài năng “ngoại”. Xét ở góc độ này thì mục đích của chương trình không thực hiện được cho dù doanh thu có thể tăng lên gấp nhiều lần…